Top 7 Thuốc Bôi Viêm Da Tiếp Xúc Tốt Nhất Và Lưu Ý Khi Dùng
Khi bị viêm da tiếp xúc, nhiều người bệnh đã lựa chọn sử dụng thuốc bôi ngoài da để cải thiện các triệu chứng khó chịu do bệnh lý này gây ra. Thành phần dược tính trong thuốc có tác dụng kháng viêm, giảm kích ứng da và làm dịu vùng da bị tổn thương. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bôi trị bệnh cũng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn.
Các loại thuốc bôi trị viêm da tiếp xúc tốt nhất
Viêm da tiếp xúc là hiện tượng da bị tổn thương sau khi tiếp xúc với các chất dễ gây kích ứng. Khi tổn thương xảy ra ở mức độ nhẹ, bạn sẽ bị ngứa ngáy âm ỉ trên da và tình trạng này có thể tự thuyên giảm sau khi da được vệ sinh sạch sẽ. Nhưng với những trường hợp nặng, tổn thương da sẽ phát triển lan rộng gây ngứa ngáy nhiều khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu.
Khi bệnh viêm da tiếp xúc gây tổn thương da ở mức độ trung bình và nặng, bắt buộc bạn phải dùng thuốc điều trị chuyên khoa để kiểm soát triệu chứng của bệnh. Dựa vào mức độ tổn thương và nguyên nhân gây viêm da ở từng trường hợp mà loại thuốc điều trị sẽ có sự khác nhau. Dưới đây là thông tin về các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm da tiếp xúc bạn có thể tham khảo:
1. Dung dịch sát khuẩn Jarish
Jarish là dung dịch sát khuẩn và vệ sinh da. Thành phần chính của dung dịch này là Acid boric, có khả năng ức chế quá trình phân chia tế bào của vi khuẩn cũng như virus và dần tiêu diệt chúng. Từ đó, bề mặt da sẽ được làm sạch và hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, thành phần hoạt chất này còn có tác dụng kháng viêm và làm dịu vùng da bị kích ứng.
Tuy nhiên, dung dịch Jarish chỉ nên sử dụng để hỗ trợ điều trị viêm da tiếp xúc ở giai đoạn đầu. Ngoài ra, sản phẩm còn được tận dụng để chữa lành tổn thương do kiến ba khoang hoặc côn trùng cắn, vảy nến, viêm da do nhiễm nấm, tổ đỉa, hắc lào….
Cách dùng:
- Làm sạch da rồi thoa dung dịch Jarish lên vùng da bị tổn thương với tần suất từ 2 – 3 lần/ngày dựa vào mức độ bệnh trạng.
- Sau khi bôi thuốc nên để cho da được thông thoáng, không mặc quần áo ngay hoặc dùng băng gạc che kín vết thương.
2. Làm dịu da bằng hồ nước
Hồ nước thường được chỉ định điều trị viêm da tiếp xúc ở mức độ nhẹ và tổn thương da đang trong giai đoạn phát triển. Hồ nước là dung dịch được điều chế từ Kẽm oxyd, Glycerin và bột Talc. Khi bị viêm da tiếp xúc, bạn có thể sử dụng hồ nước bôi ngoài da để sát khuẩn vùng da bị tổn thương. Dược tính trong hồ nước sẽ làm dịu da và giảm kích ứng trên bề mặt da bị tổn thương.
Cách dùng:
- Vệ sinh vùng da bị bệnh bằng nước muối sinh lý, lấy một lượng hồ nước vừa đủ để thoa lên toàn bộ vùng da bị tổn thương. Nên thực hiện với tần suất từ 1 – 2 lần/ngày để tổn thương nhanh phục hồi.
- Chống chỉ định với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc bội nhiễm và những người bị dị ứng với thành phần có trong hồ nước.
3. Trị viêm da tiếp xúc bằng thuốc tím
Thuốc tím thường được tận dụng để điều trị tại chỗ cho các bệnh nhân đang gặp vấn đề về da liễu như chàm, nhiễm nấm ngoài da,… Khi có các dấu hiệu của bệnh viêm da tiếp xúc, bạn cũng có thể tận dụng thuốc tím để cải thiện tình trạng bệnh. Thành phần chính của thuốc tím là kali permanganate với đặc tính chống oxy hóa, có thể tiêu diệt vi khuẩn gây hại tồn tại trên da. Sản phẩm rất thích hợp sử dụng trong giai đoạn tổn thương da đang có dấu hiệu nhiễm khuẩn hoặc tiết dịch nhiều.
Cách dùng:
- Lấy bông gòn thấm vào dung dịch thuốc tím rồi thoa trực tiếp lên vùng da bị viêm với tần suất từ 2 – 3 lần/ngày hoặc bôi theo chỉ định của bác sĩ.
- Sau khi thoa thuốc, bạn nên chờ do da khô hoàn toàn rồi hãy mặc quần áo. Không được băng kín vùng da vừa bôi thuốc.
- Nếu bị viêm da tiếp xúc trên diện tích rộng, bạn có thể pha thuốc tím với nước loãng rồi dùng để tắm.
- Chống chỉ định sản phẩm cho những người bị dị ứng mẫn cảm với thành phần dược tính trong thuốc tím.
4. Kem bôi ngoài da Dipolac G
Thuốc bôi ngoài da Dipolac G được điều chế từ các thành phần chính là betamethasone dipropionate, clotrimazole và gentamicin. Đây là thuốc có chứa corticoid nên có tác dụng kháng viêm rất mạnh. Vì thế, thuốc thường được kê đơn điều trị cho những trường hợp bị viêm da tiếp xúc với mức độ nặng, không đáp ứng điều trị với thuốc kháng viêm thông thường. Ngoài điều trị viêm da tiếp xúc, sản phẩm còn được tận dụng để cải thiện một số vấn đề da liễu khác như nấm kẽ tay chân, chàm eczema, viêm da tiết bã nhờn, vảy nến,…
Cách sử dụng:
- Lấy một lượng thuốc vừa đủ thoa trực tiếp lên vùng da bị bệnh với tần suất từ 2 – 3 lần/ngày. Sản phẩm rất thích hợp sử dụng để điều trị bệnh cho người trưởng thành.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc bôi Dipolac G điều trị bệnh cho trẻ em, người cao tuổi, thai phụ hoặc phụ nữ đang cho con bú. Chống chỉ định sản phẩm với người bị dị ứng mẫn cảm với thành phần dược tính trong thuốc.
- Một số tác dụng phụ có thể gặp phải sau khi bôi thuốc là khô da, teo da, phù mạch, viêm nang lông,…
5. Kem bôi Fusidicort trị viêm da tiếp xúc
Fusidicort là thuốc bôi ngoài da có tác dụng sát khuẩn tại chỗ, rất thích hợp sử dụng để điều trị bệnh viêm da tiếp xúc. Thành phần chính của thuốc là Fusidic acid, có thể ức chế hoạt động của nhiều loại vi khuẩn gây hại trên da. Ví dụ như vi khuẩn gram, liên cầu trùng, tụ cầu trùng,… Đôi khi sản phẩm còn được sử dụng để điều trị viêm nang lông, viêm quanh móng, mụn trứng cá thông thường.
Cách dùng:
- Làm sạch vùng da bị tổn thương, để cho khô nước rồi lấy một lượng thuốc vừa đủ thoa lên da. Nên sử dụng thuốc với tần suất từ 2 – 3 lần/ngày để có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng. Thuốc chỉ được sử dụng ngắn hạn, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kéo dài hơn 1 tuần khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không sử dụng kem bôi Fusidic điều trị bệnh khi da đang có dấu hiệu nhiễm virus và nhiễm nấm. Bệnh nhân bị dị ứng mẫn cảm với thành phần dược tính trong kem cũng không nên sử dụng để trị bệnh.
6. Thuốc bôi ức chế miễn dịch Tacrolimus
Thuốc bôi Tacrolimus là thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng tại chỗ. Bác sĩ cũng thường kê đơn loại thuốc này để điều trị bệnh viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa. Tác dụng chính của thuốc bôi Tacrolimus là ức chế tế bào lympho T để làm giảm phản ứng dị ứng và cải thiện trạng viêm đỏ trên da. Do đây là thuốc ức chế miễn dịch nên chỉ được sử dụng điều trị ngắn hạn hoặc dùng cách quãng.
Cách dùng:
- Bôi thuốc lên trực tiếp vùng da bị tổn thương với hàm lượng thấp. Nên bôi thuốc với tần suất 2 lần/ngày. Tránh để thuốc dính vào mắt và niêm mạc khi bôi.
- Chống chỉ định với những người bị dị ứng với dược tính trong thuốc, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
- Một số tác dụng phụ có thể gặp phải sau khi dùng thuốc là phát ban, ngứa da, nổi mụn trứng cá, tăng tiết mồ hôi,…
7. Thuốc bôi chứa corticoid
Thuốc bôi chứa corticoid có tác dụng chính là chống viêm, thường được kê đơn để cải thiện các triệu chứng do bệnh viêm da tiếp xúc gây ra. Thành phần corticoid khi được cơ thể hấp thụ sẽ ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và ngăn chặn phản ứng viêm tiếp tục xảy ra.
Các loại thuốc bôi chứa corticoid được sử dụng phổ biến hiện nay là Gentrisone, Diprosone và Eumovate. Thời điểm sử dụng thuốc tốt nhất là khi tổn thương trên da đã khô lại và đóng mài. Tuyệt đối không bôi thuốc chứa corticoid khi tổn thương da đang trong giai đoạn bùng phát để tránh tình trạng chảy dịch và trợt loét.
Cách dùng:
- Vệ sinh da sạch sẽ, thoa một lớp thuốc mỏng lên vùng da bị tổn thương. Nên bôi thuốc với tần suất từ 1 – 2 lần/ngày.
- Nhóm thuốc này chỉ nên sử dụng điều trị ngắn hạn. Nếu bạn quá lạm dụng sẽ gây ra các tác dụng phụ như mỏng da, teo da, giãn mạch,…
Lưu ý khi dùng thuốc bôi trị viêm da tiếp xúc
Dùng thuốc điều trị viêm da tiếp xúc giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa tổn thương trên da tiếp tục tiến triển nặng và phát sinh rủi ro. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Một số điều cần phải lưu ý khi dùng thuốc bôi điều trị viêm da cơ địa.
- Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và hướng dẫn dùng thuốc đúng cách. Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra.
- Không tự ý thay đổi liều lượng, ngưng thuốc đột ngột hoặc dùng thuốc kéo dài. Sau khi dùng hết toa thuốc mà bệnh vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, nên tiến hành tái khám để được hướng dẫn xử lý. Không tự ý mua thêm thuốc về dùng.
- Khi dùng thuốc bôi điều trị bệnh, nên vệ sinh vùng da bị tổn thương bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng dịu nhẹ trước đó để tránh bị nhiễm trùng lan rộng. Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc điều trị bệnh, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý đúng cách.
- Người bệnh cần phải điều trị tích cực theo phác đồ của bác sĩ cho đến khi tình trạng bệnh khỏi hoàn toàn. Không nên ngưng thuốc đột ngột khi thấy triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm.
- Chăm sóc da đúng cách trong suốt quá trình điều trị, ngăn ngừa tổn thương trên da trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ như không cào gãi vùng da bị tổn thương, giữ gìn vệ sinh vùng da bị bệnh, không mặc đồ bó sát,… Chế độ ăn uống hàng ngày cũng cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Trên đây là thông tin về các loại thuốc bôi điều trị viêm da tiếp xúc tốt nhất hiện nay và lưu ý khi dùng bạn có thể tham khảo. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để trị bệnh, bạn cũng cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng cũng như cách dùng trước đó. Tránh tình trạng dùng thuốc sai cách gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và phát sinh tác dụng phụ không mong muốn.
Tham Khảo:
- Kem Trị Viêm Da Cơ Địa Của Nhật Được Đánh Giá Cao
- Tìm Hiểu Thông Tin Về Thuốc Trị Viêm Da Dị Ứng Tốt Nhất Thị Trường