Vảy Nến
Vảy nến là một trong những bệnh về da liễu thường gặp, có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, lứa tuổi và gây ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên thực tế vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ về những nguyên nhân gây bệnh, cách điều trị cũng như biện pháp phòng ngừa để chăm sóc tốt cho sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình. Ở bài viết này, bạn đọc hãy cùng tìm hiểu thông tin chi tiết liên quan đến chứng bệnh này cùng một số lưu ý cần nhớ.
Vảy nến là bệnh gì và các dạng thường gặp
Theo thống kê của WHO, có khoảng 2 - 3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Tại Việt Nam, chứng bệnh này có tỷ lệ mắc khá cao với khoảng 2 triệu người. Được biết, vảy nến là bệnh da liễu mãn tính, xuất hiện do các tế bào tái tạo da hoạt động quá mức so với bình thường, đồng thời tốc độ tái tạo nhanh gây ra hiện tượng tích tụ, tạo vảy ngay trên bề mặt da.
Vảy nến có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, trong mọi lứa tuổi, ở mỗi người lại có mức độ nặng nhẹ và vị trí phát bệnh khác nhau như chân, tay, cổ, da, mặt, đặc biệt nhất là đầu gối hoặc khuỷu tay.
Các chuyên gia cho biết, vảy nến có nhiều thể như:
- Vảy nến thể đồng tiền: Đây là một trong những dạng vảy nến phổ biến nhất hiện nay, trên da của người bệnh thường xuất hiện các đốm tổn thương có hình tròn như đồng tiền với đường kính từ 1 - 4cm. Những tổn thương này có thể rải rác ở khắp nơi trên cơ thể, tập trung thành từng đám, rất dễ phát triển thành dạng mãn tính và kéo dài dai dẳng.
- Vảy nến thể chấm giọt: Với vảy nến thể chấm giọt, người bệnh sẽ nhận thấy rất rõ tổn thương trên da là các chấm nhỏ có đường kính từ 1 - 2mm, màu đỏ tươi, phía trên có lớp vảy mỏng màu trắng đục. Những chấm vảy này rải rác toàn thân, đặc biệt bộ phận phía trên, dễ bị bong ra, nếu bạn cạo sẽ vụn ra như bụi phấn.
- Vảy nến thể da tiết bã: Hiện tượng bệnh này thường xuất hiện ở các vùng da có nếp gấp như kẽ mông, dưới ngực, nách, rốn, bẹn,... do những vùng da này thường tiết ra nhiều bã nhờn gây ẩm ướt. Vảy nến thể da tiết bã có đặc trưng là các mảng da đỏ, dễ lây lan ra vùng da lân cận nhưng ít bong tróc.
- Vảy nến thể mảng: Theo thống kê, có đến 90% người bệnh gặp tình trạng vảy nến thể mảng. Biểu hiện của bệnh là các mảng tổn thương trên da với kích thước từ 5 - 10cm. Ở thể này, các mảng thường được tìm thấy ở đầu gối, khuỷu tay, lưng, ngực, xương cùng, xương trước cẳng chân, chúng nổi cộm lên và rất dễ phân biệt với những vùng da lành xung quanh.
- Thể viêm khớp: Viêm khớp vảy nến là một bệnh rất ít gặp, tuy nhiên lại gây tổn thương nghiêm trọng ở da và khớp. Thông thường, các triệu chứng xuất hiện ở da, sau đó tác động xấu đến các khớp, gây ra tình trạng viêm khớp, biến dạng khớp, một số ngón tay và chân có thể bị bắt chéo. Nếu không được điều trị kịp thời, thể bệnh này có thể gây tàn phế, ảnh hưởng đến nội tạng và người mắc có nguy cơ tử vong.
- Đỏ da toàn thân: Vảy nến đỏ da toàn thân cũng là hiện tượng ít gặp với tỷ lệ chỉ khoảng 1% trong các trường hợp bệnh. Đặc trưng của thể bệnh này đó là toàn thân có da màu đỏ tươi, căng bóng, nổi cộm và phù nề, ngoài ra còn có dịch và bị phủ 1 lớp vảy ẩm ướt.
- Thể mủ: Vảy nến thể mủ được chia thành 2 loại là mủ lòng bàn tay, chân và mủ toàn thân. Với trường hợp đầu tiên, mụn mủ thường nổi ở giữa vùng da dày sừng của lòng bàn tay, chân, đặc biệt ở ngón út, mụn có xu hướng phát triển thành nhiều đợt, tái phát liên tục kèm theo hiện tượng phù nề các chi, nổi hạch, sốt cao. Ở trường hợp thứ 2, các mảng vảy xuất hiện ở khắp các bộ phận của cơ thể, đặc trưng là các vùng da đỏ, nổi mụn với đường kính khoảng 1 - 2mm, cơ thể mệt mỏi, sốt cao đột ngột.
Nguyên nhân gây bệnh
Cho đến hiện tại, nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên các chuyên gia đã tìm ra những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp khiến bệnh khởi phát hoặc tái phát, có thể kể đến như:
- Di truyền: Được biết, tỷ lệ số người mắc vảy nến do di truyền chiếm khá cao, khoảng 13 - 30%. Do đó nếu gia đình bạn có ông bà, bố mẹ bị vảy nến thì thế hệ con, cháu có nguy cơ cao bị bệnh so với người bình thường.
- Cơ chế miễn dịch của cơ thể: Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu có sự thay đổi hệ miễn dịch cũng thúc đẩy, làm tăng sinh và gây ra hiện tượng rối loạn các tế bào sừng. Đặc biệt những trường hợp bước vào giai đoạn tuổi dậy thì hoặc tiền mãn kinh, đang mang thai có khả năng cao bị bệnh do sự thay đổi về nội tiết tố.
- Do dùng thuốc Tây y: Nếu bạn thường xuyên sử dụng và lạm dụng một số loại thuốc Tây y như thuốc huyết áp, thuốc ổn định thần kinh, thuốc tim mạch, thuốc điều trị viêm trong thời gian dài, có khả năng cao bị vảy nến.
- Do bệnh nhiễm trùng: Không ít trường hợp xuất hiện chứng bệnh này do bệnh nhiễm trùng bao gồm viêm amidan, viêm phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp và một số vấn đề da liễu khác.
- Thói quen sinh hoạt: Có thể bạn chưa biết, thói quen sinh hoạt có thể là yếu tố tăng nguy cơ bị vảy nến. Một số trường hợp có thể kể đến như uống rượu, hút thuốc lá thường xuyên.
- Thời tiết: Bệnh vảy nến thường xuất hiện nhiều hơn và biểu hiện nặng hơn vào mùa đông vì lúc này không khí khô, nhiệt độ thấp, ít ánh sáng tự nhiên khiến da bị thiếu ẩm.
- Yếu tố khác: Ngoài những tác nhân kể trên, còn một số yếu tố gây ra bệnh vảy nến đó là stress kéo dài, bị HIV, bỏng nắng, rối loạn chuyển hóa, chấn thương cơ học vật lý.
Triệu chứng bệnh vảy nến
Vảy nến là bệnh da liễu thường gặp, tuy nhiên rất dễ bị nhầm lẫn với một số loại bệnh ngoài da khác. Do đó bạn nên tìm hiểu về những triệu chứng bệnh vảy nến để dễ dàng kiểm soát bệnh, tránh tái phát.
- Một số bộ phận trên cơ thể người bệnh xuất hiện vảy như khi dùng dao cạo thân cây nến.
- Lớp vảy có màu bạc trắng, phần rìa màu đỏ hoặc hồng, nhô lên bề mặt da.
- Người bị vảy nến nếu có làn da khô, thiếu ẩm sẽ dễ xuất hiện tổn thương gây chảy máu.
- Thêm một triệu chứng thường gặp của bệnh đó là có cảm giác khó chịu, bứt rứt, ngứa. Nếu bạn tác động, chà xát càng mạnh sẽ khiến tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
- Vùng da bị tổn thương, nếu không được xử lý từ sớm sẽ rất dễ gây lở loét bởi sự xuất hiện, phát triển của vi khuẩn, vi nấm.
- Với những người bị vảy nến thể viêm khớp, rất dễ bị đau, sưng viêm, cứng khớp, gây khó khăn khi vận động, đặc biệt là ở tay và chân.
Những triệu chứng của bệnh vảy nến thường biểu hiện rất rõ, tuy nhiên nhiều người bệnh thường chủ quan vì nghĩ rằng đó là bệnh da liễu bình thường, không gây nguy hiểm và tự khỏi. Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu xuất hiện những biểu hiện mang tính dai dẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, giao tiếp, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám.
Bệnh vảy nến có lây không và có nguy hiểm không?
Khi nhìn thấy những mảng vảy ửng đỏ, nổi trên da, nhiều người lo lắng bệnh lý này sẽ dễ gây lan nên e ngại khi tiếp xúc với những người xung quanh. Thực tế các chuyên gia khẳng định vảy nến không lây từ người sang người. Lý do là bởi bệnh khởi phát do hệ miễn dịch và các tác nhân khác, không có nguyên nhân do vi khuẩn, virus nên không có khả năng lây lan. Tuy nhiên nếu không có cách chăm sóc cẩn thận, các mảng vảy lại lan rộng ra khắp các bộ phận của cơ thể. Thêm vào đó, vảy nến có tính di truyền nên khả năng mẹ lây sang con là rất cao.
Ngoài thắc mắc vảy nến có lây không, nhiều trường hợp còn băn khoăn liệu chứng bệnh này có gây nguy hiểm không. Với những triệu chứng của bệnh, có thể thấy hiện tượng này thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng thể, chỉ ảnh hưởng đến làn da. Mặc dù vậy, đây là bệnh mãn tính, thường khó điều trị triệt để và tái phát dai dẳng chắc chắn sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống. Thêm vào đó, nếu không có biện pháp cải thiện, ngăn ngừa từ sớm, vảy nến có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Suy giảm chức năng của thận, dẫn đến chứng thận hư, suy thận.
- Làm tăng lượng cholesterol trong máu, gây ra bệnh tim mạch và tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch.
- Người bệnh rất dễ rơi vào tình trạng huyết áp cao.
- Đối với vảy nến thể viêm khớp, hệ thống xương khớp của người bệnh bị ảnh hưởng, về lâu dài gây viêm khớp, cứng khớp, cản trở hoạt động và tiềm ẩn nguy cơ tử vong.
Cách chẩn đoán vảy nến
Để xác định chính xác bạn có đang bị vảy nến hay không, bệnh tiến triển ở mức độ nào, cần đến các bệnh viện, phòng khám, gặp bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, chẩn đoán vảy nến sẽ được dựa theo triệu chứng ban đầu, kết quả thăm khám lâm sàng hoặc xét nghiệm. Cụ thể:
Triệu chứng ban đầu
Bệnh nhân được yêu cầu nêu ra những dấu hiệu thường gặp, đồng thời bác sĩ dựa vào tổn thương da điển hình, đó là những vảy trắng đỏ nổi trên bề mặt da, khác hoàn toàn có với tình trạng bình thường. Ngoài ra, bác sĩ cũng theo dõi tổn thương ở khớp, niêm mạc, kiểm tra tiền sử bệnh lý, bệnh án gia đình. Kết hợp các yếu tố này sẽ xác định được chính xác tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân gây ra.
Xét nghiệm
Xét nghiệm vảy nến phổ biến nhất là sinh thiết da. Khi đó bác sĩ sẽ lấy một mẫu da nhỏ, chuyển đến phòng thí nghiệm để kiểm tra, phân tích. Nếu chưa đủ điều kiện để kết luận, bệnh nhân còn được chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu, định lượng canxi trong máu cho trường hợp vảy nến có mủ và xét nghiệm ASLO cho bệnh vảy nến thể chấm giọt.
Chẩn đoán phân biệt
Các triệu chứng của vảy nến thường rất dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý như giang mang, lupus đỏ kinh, vảy phấn hồng Gibert, vảy phấn đỏ nang lông, á vảy nến,... Vậy nên một số trường hợp sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm, thăm khám chuyên sâu hơn để có thể phân biệt với các chứng bệnh này, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Một số phương pháp điều trị vảy nến hiệu quả nhất
Như đã nói, vảy nến có thể tiềm ẩn nhiều nguy hại nếu không được chữa trị, xử lý kịp thời. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, phải nhanh chóng thăm khám bác sĩ và tìm biện pháp khắc phục phù hợp nhất. Tùy theo tình hình sức khỏe, mức độ bệnh mà bạn có thể áp dụng mẹo dân gian hoặc thuốc Tây y trị bệnh.
Mẹo dân gian
Sử dụng mẹo dân gian là cách chữa vảy nến được lưu truyền từ xa xưa, cho đến nay vẫn được áp dụng rộng rãi và cho hiệu quả tích cực. Tuy nhiên bạn chỉ nên thử cách này nếu bệnh ở thể nhẹ, mới khởi phát. Mẹo dân gian sử dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có, thường lành tính và an toàn, ít gây tác dụng phụ như thuốc Tây y.
Dùng lá trầu không
Lá trầu không được cả Y học hiện đại và Y học cổ truyền nghiên cứu rằng có nhiều công dụng trong việc điều trị các bệnh lý ngoài da, bao gồm vảy nến. Các thành phần hoạt chất, vitamin, khoáng chất trong nguyên liệu này có tác dụng loại bỏ lớp sừng, giảm sưng viêm, tiêu diệt vi khuẩn gây hại, tăng sinh tế bào, nuôi dưỡng làn da và ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị 1 nắm lá trầu không tươi, rửa sạch, ngâm cùng nước muối pha loãng khoảng 10 phút, để ráo rồi vò nát.
- Tiếp đến bạn đun sôi 1,5 lít nước, cho lá trầu vào, đậy kín nắp và tiếp tục đun trong khoảng 10 phút thì tắt bếp.
- Nước trầu không cho ra chậu, chờ nguội bớt thì dùng để tắm rửa vùng da bị bệnh, nên áp dụng hàng ngày và kiên trì cho đến khi các triệu chứng được đẩy lùi.
Nghệ vàng
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt chất curcumin cùng một số thành phần khác trong nghệ vàng có tác dụng giảm kháng viêm, ức chế sự hình thành và phát triển của vi khuẩn gây bệnh, hạn chế tối đa các mầm mống gây bệnh. Ngoài ra, sử dụng nghệ còn đẩy lùi gốc tự do gây bệnh, điều hòa miễn dịch, tránh tổn thương trên da do vảy nến gây ra.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị khoảng 20g nghệ tươi, để nguyên vỏ và rửa thật sạch rồi thái thành từng đoạn nhỏ.
- Tiếp theo cho nghệ vào máy xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt, loại bỏ bã.
- Lúc này bạn thêm một ít muối khuấy tan, dùng tăm bông thấm nước ép nghệ, chấm nhẹ lên vùng da bị vảy nến.
- Bạn nên kết hợp massage nhẹ nhàng để dưỡng chất từ nghệ thấm sâu vào bên trong, chờ sau khoảng 30 phút thì rửa lại với nước sạch.
Cây lược vàng
Cây lược vàng cũng được biết đến là nguyên liệu cho hiệu quả cao trong việc chữa bệnh vảy nến. Người ta tìm thấy trong loại cây này có chứa nhiều thành phần có lợi, giúp kháng khuẩn, chống viêm, đẩy nhanh quá trình làm lành tổn thương trên da, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, ngăn ngừa bệnh vảy nến tái phát.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị 5 - 6 cây lược vàng rửa sạch, ngâm cùng nước muối pha loãng để loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn.
- Tiếp đến, cắt thành từng khúc rồi mang đi giã nát.
- Phần nước cốt thu được bạn vắt thành 2 phần uống trước khi ăn khoảng 30 phút, kiên trì áp dụng ít nhất 1 tuần sẽ thấy các triệu chứng của bệnh được đẩy lùi.
Nha đam
Có thể bạn chưa biết, nha đam cũng được dân gian sử dụng nhiều để đẩy lùi các triệu chứng của bệnh vảy nến. Các thành phần hoạt chất trong nguyên liệu này giúp thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, giúp nâng cao hệ miễn dịch, giảm sưng viêm, tránh bong tróc, cấp ẩm và nuôi dưỡng làn da rất tốt, đặc biệt có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng xảy ra.
Cách thực hiện:
- Bạn rửa sạch một nhánh nha đam tươi, gọt bỏ vỏ và giữ phần gel lại.
- Sau khi vệ sinh sạch vùng da bị bệnh, dùng khăn mềm, sạch thấm khô.
- Tiếp đến lấy gel nha đam thoa lên da, massage nhẹ nhàng khoảng 3 phút, không cần rửa lại với nước.
- Nên áp dụng cách này khoảng 2 - 3 lần/tuần sẽ cho hiệu quả cải thiện tích cực.
Dùng thuốc Tây y
Trong trường hợp bị vảy nến một thời gian dài, đã áp dụng mẹo dân gian nhưng không có sự cải thiện, người bệnh có thể sử dụng thuốc Tây y. Các loại thuốc trị vảy nến thường cho tác dụng nhanh chóng, giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy khó chịu, ngăn ngừa tổn thương nặng hơn. Tuy nhiên thuốc tân dược thường tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn, do đó bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Dermovate Cream: Đây là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan, có hiệu quả tích cực trong việc điều trị bệnh vảy nến, lupus ban đỏ,.... Các hoạt chất có trong Dermovate Cream có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp tác nhân gây viêm, ngăn ngừa viêm nhiễm, làm lành nhanh các tổn thương trên da. Cách sử dụng sản phẩm vô cùng đơn giản, bạn vệ sinh vùng da vảy nến rồi bôi một lớp thuốc mỏng lên trên, tần suất ngày 2 lần với liều duy trì và ngày 4 lần với liều điều trị.
- Thuốc bôi Betnovate: Đây là loại thuốc thuộc nhóm chứa corticosteroid, chuyên dùng để điều trị các bệnh lý ngoài da như vảy nến, chàm, tổ đỉa, viêm da cơ địa,... Thuốc có khả năng chống viêm mạnh mẽ, kháng khuẩn, đẩy lùi nhanh chóng các triệu chứng khó chịu mà bệnh gây ra. Khi sử dụng, người bệnh vệ sinh da sạch sẽ, lấy một lượng thuốc vừa đủ thoa lên vùng da bị bệnh với liều lượng tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, chuyên gia.
- Thuốc Acitretin: Đây là thuốc trị vảy nến đường uống, thường được bác sĩ kê đơn cho trường hợp bệnh nặng, không thể điều trị bằng thuốc bôi. Hoạt chất trong thuốc có thể bình thường hóa quá trình biệt hóa tế bào, ngăn ngừa tăng sinh tế bào sừng, đồng thời thuốc còn kháng viêm, cải thiện tổn thương do vảy nến gây ra. Người bệnh uống trực tiếp với liều lượng ban đầu là 30mg/lần/ngày, sau tăng dần lên 50mg/lần/ngày.
- Thuốc Methotrexate: Đây là loại thuốc thuộc nhóm ức chế miễn dịch, được bác sĩ kê đơn để điều trị các bệnh tự miễn, bao gồm vảy nến, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp,... Methotrexate có khả năng ức chế phản ứng viêm, hạn chế sản xuất tế bào da quá mức, tuy nhiên chỉ dành cho trường hợp bệnh nặng để tránh gây ra tác dụng phụ. Bệnh nhân dùng thuốc với liều khởi đầu là 2,5 - 5mg/lần, mỗi lần cách nhau 12 tiếng và dùng tối đa 3 lần/tuần.
Bệnh vảy nến nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?
Các chuyên gia cho biết, dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến bệnh vảy nến. Nếu bạn không xây dựng chế độ ăn uống phù hợp sẽ khiến có thể suy nhược, làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ bị bệnh. Do đó vấn đề bệnh vảy nến kiêng ăn gì và nên bổ sung gì được nhiều người quan tâm.
Những thực phẩm nên ăn:
- Rau xanh và trái cây tươi: Các loại rau xanh và trái cây tươi có chứa hàm lượng lớn vitamin, khoáng chất giúp đảm bảo quá trình chuyển hóa, nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, ngăn ngừa các tác nhân gây hại. Theo đó người bệnh vảy nến nên ăn nhiều cải xanh, súp lơ xanh, bắp cải, táo, nho, cherry,...
- Thực phẩm giàu omega 3: Nhóm thực phẩm này bao gồm cá thu, cá hồi, cá trích, ngũ cốc nguyên cám với tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng, thúc đẩy quá trình phục hồi, tái tạo tế bào da mới, tránh tổn thương nghiêm trọng.
- Gia vị có tính kháng viêm: Người bị vảy nến được khuyến khích nên bổ sung nhiều gia vị có tính kháng viêm vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày. Những nguyên liệu như gừng, tỏi, nghệ đều có chứa hoạt chất có khả năng kháng viêm, diệt khuẩn, giảm đau nhanh, giúp phục hồi các tổn thương trên da một cách an toàn.
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Việc bổ sung các loại hạt, ngải cứu, kinh giới, bạc hà, quế,... có thể ức chế sự hình thành và phát triển của gốc tự do gây hại, chống viêm, tiêu diệt vi khuẩn, bảo vệ làn da trước các tác nhân gây hại.
Thực phẩm cần kiêng:
- Thức ăn nhanh: Các món ăn chế biến sẵn thường có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa, chất bảo quản và không được đảm bảo vệ sinh nên tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, thúc đẩy các phản ứng viêm đối với những người bị vảy nến. Do đó bạn nên tránh xa xúc xích, khoai tây chiên, gà rán, thịt đóng hộp.
- Thịt đỏ: Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê, thịt ngựa, thịt cừu,.... có chứa nhiều axit arachidonic là chất béo không bão hòa nên khi đi vào cơ thể sẽ rất dễ chuyển hóa thành các chất kích thích tình trạng viêm, khiến các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sữa và chế phẩm từ sữa: Nhóm thực phẩm này có thể tăng phản ứng viêm nhiễm trên da, khiến bệnh nhân bị ngứa ngáy khó chịu hơn.
- Thực phẩm nhiều gluten: Thành phần gluten được tìm thấy nhiều trong bột mì, lúa mạch, lúa mì,... Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung nhiều đồ ăn có chứa gluten sẽ khiến bệnh tình tiến triển nặng hơn.
Một số lưu ý để phòng và chữa vảy nến
Vảy nến là hiện tượng da liễu thường gặp, có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào và khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó bạn nên thận trọng để tránh bệnh tiến triển dai dẳng và tái phát nhiều lần. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi chữa và phòng bệnh:
- Giữ gìn cơ thể sạch sẽ, vệ sinh, chăm sóc hàng ngày, tránh để vi khuẩn và các tác nhân gây hại có điều kiện tấn công.
- Chăm sóc da bằng các sản phẩm chuyên dụng, cấp ẩm thường xuyên, không nên để da khô và chịu tổn thương.
- Giữ tinh thần thoải mái, tích cực, lạc quan, tránh tình trạng căng thẳng, áp lực, stress vì đây chính là yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh.
- Cần cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, tránh để cơ thể suy nhược, sức đề kháng suy giảm.
- Tuyệt đối không để cơ thể đụng chạm vào hóa chất độc hại, khi làm việc nhà như giặt quần áo, rửa bát, lau dọn cần đeo đồ bảo hộ.
- Hạn chế để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, khi ra ngoài hoặc hoạt động ngoài trời, nên bôi kem chống nắng và che chắn bằng mũ, áo, khăn, kính.
- Loại bỏ các thói quen xấu như uống rượu bia, thuốc lá, không gãi, chà xát vào khu vực bị tổn thương để tránh vết thương lở loét.
- Nên dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về uống hoặc tăng giảm liều lượng khi chưa được phép.
- Thăm khám da liễu định kỳ, đặc biệt trong giai đoạn điều trị bệnh để kịp thời xử lý nếu có những bất thường.
- Nếu gia đình bạn có người từng bị vảy nến, nên tầm soát để phát hiện từ sớm và tìm biện pháp điều trị phù hợp.
Địa chỉ chữa vảy nến uy tín nhất
Để có thể đẩy lùi các triệu chứng của vảy nến và ngăn ngừa bệnh tái phát dai dẳng, điều quan trọng bạn cần làm đó chính là lựa chọn bệnh viện, phòng khám uy tín để khám chữa. Nếu đang có ý định tìm địa chỉ chữa vảy nến chất lượng nhất, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Bệnh viện Da liễu Hà Nội: Nếu đang sinh sống và làm việc ở khu vực Hà Nội, bệnh nhân vảy nến nên tìm đến bệnh viện Da liễu Hà Nội để chữa trị. Quy trình làm việc của bệnh viện đầy đủ các bước, được thực hiện nhanh chóng. Đặc biệt các bác sĩ tốt nghiệp từ trường Y dược nổi tiếng nên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, có khả năng ứng dụng công nghệ cao vào quá trình khám chữa bệnh. Địa chỉ: Số 79 Nguyễn Khuyến, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội - SĐT: 0967.691.616.
- Bệnh viện Da liễu Trung ương: Nếu đang thắc mắc chữa vảy nến ở đâu uy tín, bạn có thể lựa chọn bệnh viện Da liễu Trung ương. Tại đây tiếp nhận điều trị tất cả các thể bệnh vảy nến bằng phương pháp nội khoa và ngoại khoa. Bệnh viện chú trọng nâng cao tay nghề của y bác sĩ, đồng thời đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến để hỗ trợ cho công tác chẩn đoán, chữa bệnh cho người dân. Do chấp nhận thẻ BHYT nên khi đến đây bạn sẽ được giảm đáng kể về chi phí khám chữa bệnh. Địa chỉ: Số 15A Phương Mai, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội - SĐT: 024.3576.4627.
- Bệnh viện Da liễu TPHCM: Đây được biết đến là bệnh viện hàng đầu trong lĩnh vực khám chữa bệnh da liễu. Tại địa chỉ này quy tụ đội ngũ y bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản từ các trường đại học trong và ngoài nước, có thể kể đến như Tiến sĩ Phạm Văn Bắc, Tiến sĩ Lê Thái Thanh Vân, bác sĩ Vũ Hồng Thái,... Đặc biệt chi phí điều trị tại đây vô cùng hợp lý nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Địa chỉ: Số 2 Nguyễn Thông, thuộc quận 3, Hồ Chí Minh - SĐT: 028.3930.8131.
- Bệnh viện Chợ Rẫy: Khoa Da liễu của bệnh viện Chợ Rẫy cũng được nhiều người tìm đến khi có nhu cầu chữa vảy nến. Bệnh viện này là cơ sở y tế tuyến trung ương, hạng đặc biệt, chuyên tiếp nhận điều trị cho các ca bệnh khó được chuyển từ tuyến dưới lên. Tại đây có các bác sĩ giỏi, giàu kinh nguyên, chuyên môn cao cùng sự hỗ trợ của thiết bị máy móc hiện đại, hứa hẹn mang đến kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Địa chỉ: Số 201B Nguyễn Chí Thanh, thuộc quận 5, Hồ Chí Minh - SĐT: 028.3855.4137.
Vảy nến là bệnh da liễu có thể gặp ở mọi độ tuổi, đối tượng và thường kéo dài dai dẳng với các triệu chứng khó chịu. Do đó bạn nên tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị để có thể phòng tránh, đẩy lùi bệnh hiệu quả nhất. Tốt hơn hết hãy tìm đến cơ sở y tế uy tín thăm khám, lắng nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về cách điều trị, chăm sóc tại nhà, từ đó sớm ổn định tình hình sức khỏe và lấy lại cuộc sống yên vui.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!