Viêm Đại Tràng
Viêm đại tràng hay viêm ruột già là căn bệnh thường gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, có tỷ lệ chuyển hóa thành ung thư khá cao. Việc nắm rõ những kiến thức liên quan đến căn bệnh này là rất cần thiết để người bệnh có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện sớm để can thiệp kịp thời. Tham khảo bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu về viêm đại tràng - nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả nhất.
Bệnh viêm đại tràng là gì?
Sau quá trình hấp thụ thức ăn tại ruột non, các chất cặn bã sẽ được đưa xuống đại tràng để đào thải ra ngoài. Chính bởi vậy mà đại tràng trở thành khu vực dễ bị tổn thương, viêm nhiễm do sự tấn công bởi các vi khuẩn gây hại.
Viêm đại tràng hay còn gọi là viêm ruột già, là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc xuất hiện và phát triển ở niêm mạc đại tràng với các mức độ khác nhau. Ở trường hợp nhẹ niêm mạc kém bền vững và dễ chảy máu, nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng như loét, xung huyết và xuất huyết, thậm chí có thể có những ổ áp-xe nhỏ.
Bênh viêm đại tràng với mức tình trạng khác nhau của người bệnh được chia thành hai giai đoạn là cấp tính và mãn tính:
Viêm đại tràng cấp tính: Đây được xem là cấp độ nhẹ nhất. Bệnh hình thành do đường ruột bị nhiễm khuẩn hay nhiễm độc. Nếu không can thiệp chữa trị sớm để lâu ngày bệnh có thể chuyển thành mãn tính. Viêm đại tràng cấp dễ biến chứng thành giãn đại tràng, thủng đại tràng, thậm chí là ung thư đại tràng…
Viêm đại tràng mãn tính: Đây là giai đoạn các ổ viêm ở niêm mạc đại tràng đã hình thành và phát triển nặng dẫn đến các triệu chứng tổn thương xuất hiện dày đặc ở nhiều cấp độ. Nếu ở thể nhẹ, niêm mạc đại tràng dễ gây chảy máu, còn nặng hơn thì xuất hiện các ổ loét, xuất huyết và nguy hiểm hơn là áp-xe.
Nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng thường gặp nhất
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm đại tràng, dưới đây là một số tác nhân phổ biến nhất mà bạn cần lưu ý:
- Do nhiễm khuẩn đường ruột: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm đại tràng. Hiện tượng này xảy ra do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh trong. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi để các vi khuẩn như Salmonella, Shigella, virus Rota, E. coli, lỵ amip, sán, một số loại nấm… xâm nhập vào cơ thể, giải phóng độc tố gây tổn thương, viêm nhiễm niêm mạc đại tràng.
- Dùng thuốc kháng sinh kéo dài, không theo chỉ dẫn: Không chỉ tác động tiêu cực tới dạ dày mà việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài cũng tiêu diệt các vi khuẩn trong đại tràng, bao gồm cả các lợi khuẩn, dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh. Việc sử dụng kháng sinh quá liều sẽ gây ra hiện tượng nhờn thuốc, chức năng đại tràng yếu dần, gia tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Do táo bón kéo dài: Tình trạng này đi kèm với các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, đi ngoài ra máu,… là những yếu tố có thể tác động khiến viêm đại tràng cấp tính khởi phát. Nếu có triệu chứng này bạn nên có biện pháp điều trị hoặc cải thiện phù hợp để sức khỏe sớm ổn định trở lại.
- Nhiễm độc: Theo một số nghiên cứu, viêm đại tràng cũng có thể xuất hiện ở những người bị nhiễm độc asen, chì, thủy ngân, thuốc diệt cỏ…
- Do bệnh Crohn: Căn bệnh này có tính chất khu trú ở một số đoạn trong đại tràng, thường gây ra một số biến chứng như: tắc ruột, thủng ruột,... Bệnh có diễn tiến chậm và dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý khác.
- Bệnh lao: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người bị mắc bệnh lao sẽ có nguy cơ bị bệnh viêm đại tràng cao hơn người bình thường. Lý do là bởi vi khuẩn lao đi vào sâu trong đường ruột và gây ra tình trạng viêm nhiễm. Tình trạng này cần được phát hiện và chữa trị càng sớm càng tốt, nếu không sẽ có thể gây tắc ruột hoặc phát triển thành bệnh mãn tính.
- Do căng thẳng, stress: Người bị viêm đại tràng còn có thể xuất phát từ việc căng thẳng và stress kéo dài do phải thường xuyên lo lắng, chịu nhiều áp lực từ công việc và cuộc sống.
- Nguyên nhân khác: Viêm đại tràng cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như tuổi tác, tâm lý, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học,...
Triệu chứng viêm đại tràng
Đối với từng nguyên nhân gây bệnh thì người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm đại tràng dưới đây:
- Đau bụng: Bệnh nhân bị đau quặn thắt bụng dưới hoặc đau dọc khung đại tràng, đôi khi có các triệu chứng cứng bụng, căng tức bụng, đầy hơi,… gây cảm giác rất khó chịu. Đối với viêm đại tràng mãn tính, cơn đau sẽ kéo dài, bụng đau âm ỉ hoặc quặn nhiều lần. Sau khi đi vệ sinh người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
- Tiêu chảy: Người bệnh xuất hiện triệu chứng tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân lỏng, nát hoặc toàn nước, có thể lẫn máu,... gây khó chịu, mệt mỏi.
- Đại tiện bất thường: Bệnh nhân thường đi đại tiện nhiều lần trong ngày (từ 4 - 5 lần hoặc nhiều hơn) có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy. Sau khi đi vệ sinh người bệnh vẫn có cảm giác muốn đi. Phân lỏng nát, có mùi hôi tanh lẫn máu và chất nhầy.
- Chán ăn: Người bệnh thường xuyên ăn không ngon miệng, chán ăn, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, không muốn làm bất cứ việc gì.
- Các triệu chứng khác: Đau rát hậu môn khi đi ngoài, đau quặn bụng, rối loạn nước và điện giải,….
Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng
Đôi khi các dấu hiệu của viêm đại tràng không quá rõ rệt, do đó, ngay khi nhận thấy những bất thường của cơ thể, bạn nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị bằng những phương pháp thích hợp.
Khi đến thăm khám tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Dưới đây là một số phương pháp có thể được chỉ định:
- Nội soi đại tràng: Thông qua quá trình nội soi sẽ quan sát trực tiếp các vết viêm trên niêm mạc đại tràng cũng như nắm rõ được mức độ viêm. Bác sĩ sẽ thực hiện lấy mẫu để sinh thiết, xác định nguyên nhân bệnh, phát hiện các tế bào lạ hoặc tế bào ung thư.
- Xét nghiệm phân: Xét nghiệm được chỉ định khi nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng… Các bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu phân để làm xét nghiệm, dựa vào những tế bào bạch cầu trong phân có thể giúp xác định được viêm đại tràng.
- Xét nghiệm máu: Trong trường hợp bệnh nhân bị đi ngoài và phân xuất hiện máu hay tình trạng táo bón, mất nước, mất chất điện giải… các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu nhằm tìm hiểu dấu hiệu nhiễm trùng và đánh giá các chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
- Chụp CT: Bác sĩ sẽ thực hiện chụp CT ở xương chậu hoặc bụng để quan sát các mô mềm bên trong ổ bụng. Thông qua hình ảnh có thể phát hiện ra phạm vi đại tràng bị ảnh hưởng và chẩn đoán các biến chứng từ bệnh.
Các cách điều trị bệnh tốt nhất
Việc điều trị viêm đại tràng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ và giai đoạn bệnh, tuổi tác, tình trạng thể chất của mỗi người… Đối với những trường hợp ở thể nhẹ, người bệnh chỉ cần sử dụng thuốc để kiểm soát cơn đau và chống viêm, kết hợp với bổ sung nước và nghỉ ngơi, ngoài ra có thể sử dụng các phương pháp dân gian để chữa. Còn đối với trường hợp bệnh nặng hơn thì có thể cần truyền dịch và có những can thiệp khác.
Dưới đây là các phương pháp điều trị viêm đại tràng mà người bệnh có thể tham khảo như:
Điều trị nội khoa
Hiện nay chưa có loại thuốc đặc trị dành riêng cho bệnh viêm đại tràng. Hầu hết các thuốc được kê đơn đều chỉ nhằm mục đích giảm các triệu chứng khó chịu cho người bệnh và hạn chế các bệnh bùng phát nặng hơn. Dựa trên triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, các nhóm thuốc sẽ được chia thành:
- Nhóm thuốc giảm đau, chống co thắt đại tràng.
- Nhóm thuốc chống viêm.
- Nhóm thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, kháng nấm, kháng ký sinh trùng.
- Nhóm thuốc cầm tiêu chảy, trị táo bón.
- Nhóm bổ sung nước và các chất điện giải.
Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật cắt bỏ một đoạn đại tràng bị viêm hay toàn bộ đại tràng. Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật chính là phẫu thuật mổ mở và phẫu thuật nội soi. Tùy vào tình trạng bệnh nhân, vị trí vết viêm hay mức độ tổn thương mà người bệnh có thể được chỉ định 1 trong 2 phương pháp này. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ là giải pháp cuối cùng khi tình trạng viêm đã nghiêm trọng và không thể điều trị bằng bất kỳ phương pháp nào khác.
Điều trị viêm đại tràng bằng các nguyên liệu dân gian
Với các trường hợp viêm đại tràng nhẹ, phương pháp dân gian được nhiều người bệnh lựa chọn bởi sự an toàn, lành tính. Dưới đây là một số phương pháp người bệnh có thể dễ dàng thực hiện tại nhà như:
Điều trị viêm đại tràng với nha đam và mật ong
Nha đam còn có khả năng sát khuẩn tốt, chống viêm mạnh kết hợp với mật ong giúp giải độc, giảm đau nên có thể điều chế bài thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Chuẩn bị nguyên liệu: Nha đam, mật ong, lọ thủy tinh sạch.
Cách thực hiện:
- Bạn hãy lọc sạch và lấy phần thịt trắng bên trong của nha đam.
- Sau đó hãy cho phần thịt nha đam đã lọc cho vào máy xay cùng với mật ong.
- Cho hỗn hợp vào lọ thủy tinh và đậy nắp kín lại.
- Ngày uống 2 - 3 lần sẽ cải thiện được những triệu chứng của bệnh.
Điều trị viêm đại tràng bằng nghệ vàng và mật ong
Người bệnh có thể kết hợp mật ong với nghệ vàng bởi tác dụng chữa lành và giảm đau của chúng. Nghệ vàng rất giàu chất curcumin – có tác dụng chống và làm lành vết viêm loét, hỗ trợ tốt cho quá trình tiêu hóa. Mật ong giúp bổ tỳ vị, giải độc, giảm đau, sát khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nguyên liệu: Nghệ tươi (bột nghệ), mật ong nguyên chất
Cách thực hiện:
- Bạn hãy rửa sạch nghệ tươi sau khi cạo bỏ vỏ.
- Cho nghệ đã cạo vỏ, bỏ vào cối giã nát, vắt lấy nước cốt.
- Cho thêm 3 thìa mật ong nguyên chất khuấy đều với nước nghệ, uống 2 lần mỗi ngày trước bữa ăn khoảng 15 phút.
- Đối với bột nghệ: người bệnh chỉ cần lấy 2 thìa cà phê bột nghệ trộn với 1 - 2 thìa mật ong.
- Kiên trì áp dụng khoảng 1 tháng, người bệnh sẽ nhận được những hiệu quả điều trị nhất định.
Điều trị viêm đại tràng với lá ổi non
Trong lá ổi chứa chất flavonoid – có tác dụng kích thích cơ trơn ruột, làm giảm đau, kháng khuẩn hiệu quả. Chính vì vậy lá ổi là một giải pháp tuyệt vời để cải thiện tình trạng tiêu chảy ở người bệnh.
Chuẩn bị nguyên liệu: Búp ổi non.
Cách thực hiện:
- Búp ổi rửa sạch, ngâm với nước muối loãng để loại bỏ bụi bẩn.
- Cho búp ổi vào nồi cùng 2 bát nước, đun sôi trong 15 - 20 phút rồi tắt bếp.
- Mỗi lần uống 1 chén, sử dụng hết trong ngày.
Điều trị viêm đại tràng cùng lá mơ lông
Theo Đông y, lá mơ lông có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây nguy hại cho đại tràng. Bên cạnh đó, lá mơ lông còn có tác dụng giảm đầy hơi, khó tiêu, cải thiện những triệu chứng của bệnh.
Chuẩn bị nguyên liệu: Lá mơ lông (50g), lòng đỏ trứng gà (2 quả), lá chuối tươi.
Cách thực hiện:
- Bạn hãy rửa sạch lá mơ lông, ngâm với nước muối loãng để loại bỏ bụi bẩn.
- Thái nhỏ lá mơ, trộn đều với lòng đỏ trứng gà.
- Đặt chảo lên bếp, vặn nhỏ lửa, lót đáy chảo bằng lá chuối, dàn đều hỗn hợp lá mơ, trứng gà lên.
- Lót thêm một lớp lá chuối ở bên trên, lật đều 2 mặt tới khi trứng lá mơ chín thì cho ra đĩa dùng khi nóng.
Điều trị viêm đại tràng với lá vối
Lá vối có khả năng chống lại các vi khuẩn có hại cho dạ dày, đại tràng bởi có chứa chứa tanin - một chất có tác dụng bảo vệ lớp niêm mạc. Thêm vào đó, một số nghiên cứu cũng chỉ ra trong lá vối có khả năng tiêu diệt mầm mống gây bệnh nhờ có chứa các chất kháng sinh thực vật khác.
Chuẩn bị nguyên liệu: Lá vối tươi.
Cách thực hiện:
- Bạn hãy chọn những lá vối tươi, không bị giập nát, mang đi rửa sạch.
- Tiếp theo hãy vò nát lá vối cho vào ấm cùng 2 lít nước.
- Sau đó tiến hành đun sôi khoảng 20 phút rồi tắt bếp.
- Bạn hãy sử dụng uống thay nước lọc hàng ngày để cải thiện triệu chứng của bệnh.
Cách ăn uống cho người bị bệnh viêm đại tràng
Bị bệnh đại tràng thì nên ăn gì và không nên ăn gì? Sau đây là những thực phẩm mà người bệnh cần lưu ý:
Các thực phẩm nên bổ sung
Khi bị viêm đại tràng, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm tốt cho đại tràng để tăng cường sức khỏe cho đường ruột và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu của bệnh. Những thực phẩm này thường giàu protein, kali, axit folic, omega 3, magie, canxi, sắt... rất tốt cho người viêm đại tràng như:
- Các loại cá.
- Thịt nạc.
- Quả bơ.
- Ngũ cốc, yến mạch.
- Trứng gà.
- Probiotic trong sữa chua, thức uống men sống….
- Rau củ quả được nấu chín.
Người bệnh cũng cần chú ý bổ sung đầy đủ nước, muối khoáng và các vitamin cần thiết cho cơ thể. Khi đang có các triệu chứng viêm loét đại tráng, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều phần trong ngày. Ăn những khẩu phần ăn nhỏ cách đều nhau và ăn chậm giúp hạn chế hoạt động quá tải cho đường tiêu hóa.
Các thực phẩm cần tránh
Trên thực tế, có một số loại thực phẩm có thể làm nặng thêm các triệu chứng bệnh. Dưới đây là những thực phẩm phổ biến có tiềm năng gây kích thích đường tiêu hóa nhiều mà bệnh nhân viêm đại tràng cần nên tránh:
- Sản phẩm từ sữa.
- Khoai tây.
- Các loại hạt, quả hạch.
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Đồ ăn cay nóng.
- Thực phẩm có sulfur hay sulfit như bia, rượu, hạnh nhân, bánh mì, đậu phộng…
- Các thức uống có gas, cồn, đồ uống nhiều đường.
- Các thức uống chứa cafein như cà phê, trà, soda và chocolate.
Lưu ý phòng ngừa và hạn chế bệnh viêm đại tràng
Nguyên nhân chính hình thành bệnh là do vấn đề vệ sinh thực phẩm và những thói quen sinh hoạt không lành mạnh gây nên. Chính vì vậy, bạn cần lưu ý một số điều sau đây để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng:
- Xây dựng thời gian biểu sinh hoạt một cách khoa học, phân chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh tình trạng căng thẳng;
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng như protein, axit omega-3, probiotics... và ghi nhớ việc ăn chín, uống sôi.
- Bổ sung nước mỗi ngày để tránh để cơ thể mất nước, tuy nhiên cần chia thời điểm uống nước hợp lý để không bị đầy bụng, trướng hơi.
- Tăng cường các hoạt động thể chất sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và nâng cao đề kháng, giúp tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng và áp lực cuộc sống.
Viêm đại tràng là căn bệnh phổ biến, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị và có nguy cơ tái phát rất cao. Do đó, người bệnh nên chủ động nắm vững những khiến thức về căn bệnh này. Từ đó chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị, nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Ngay khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên chủ động tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán, xét nghiệm, nhằm tìm ra phương án điều trị thích hợp nhất.
ĐỪNG BỎ LỠ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!