7+ Cách Nấu Cháo Đông Trùng Hạ Thảo Và Lưu Ý Cần Nhớ
Đông trùng hạ thảo có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, trong đó phổ biến nhất là cháo. Cháo đông trùng hạ thảo không chỉ thơm ngon, dễ ăn mà còn giúp an thần, phục hồi sức khỏe. Hãy theo dõi ngay bài viết sau đây để biết cách chế biến món ăn này sao cho hợp khẩu vị nhất.
Ai nên ăn cháo đông trùng hạ thảo để bồi bổ sức khỏe?
Cháo đông trùng hạ thảo có thể mang tới rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Những đối tượng được chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích ăn món này thường xuyên bao gồm:
- Người cao tuổi.
- Người bị suy nhược cơ thể.
- Người mới ốm dậy.
- Người bị thiếu chất do ăn uống, hấp thu dưỡng chất kém.
- Trẻ trên 10 tuổi cần tăng cường sức khỏe phục vụ quá trình học tập, thi cử.
- Nam, nữ giới muốn tăng cường sinh lực.
7 cách nấu cháo đông trùng hạ thảo thơm ngon, dễ thực hiện
Trùng thảo có thể nấu cháo chay hoặc kết hợp thêm một số loại dược liệu hay thực phẩm khác để tăng thêm hương vị. Tùy thuộc vào sở thích cũng như khẩu vị mà bạn có thể áp dụng một trong những công thức nấu cháo đông trùng hạ thảo sau đây:
1. Cách nấu cháo đông trùng hạ thảo nguyên vị
Món cháo đông trùng hạ thảo nguyên vị phù hợp với những người có sở thích ăn thanh đạm. Bên cạnh đó, những người cao tuổi đang mắc bệnh tiểu đường, huyết áp muốn bổ sung dưỡng chất cho cơ thể một cách an toàn cũng nên ưu tiên sử dụng loại cháo này.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 5 sợi đông trùng hạ thảo, 100g gạo nếp và các gia vị nêm nếm.
- Bước 2: Rửa qua đông trùng hạ thảo với nước ấm để loại bỏ bụi bẩn.
- Bước 3: Rang gạo nếp với lửa nhỏ cho thơm rồi đổ nước vào ninh khoảng 30 phút cho nhừ.
- Bước 4: Khi cháo chín thì cho đông trùng hạ thảo vào, tiếp tục đun nhỏ lửa thêm 10 phút nữa, sau đó nếm gia vị sao cho vừa ăn rồi tắt bếp là hoàn thành.
2. Cách nấu cháo trùng thảo cùng long nhãn, câu kỷ và táo đỏ
Cháo trùng thảo khô với long nhãn, câu kỷ và táo đỏ phù hợp với những người có sở thích ăn chay. Tất cả các nguyên liệu được sử dụng đều là những dược liệu tốt cho sức khỏe, giúp gia tăng dưỡng chất và tạo cho món cháo có vị ngọt thanh tự nhiên.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 5 con đông trùng hạ thảo tươi, 100g gạo nếp, 15g long nhãn, 10g câu kỷ và 5 quả táo đỏ.
- Bước 2: Rửa qua các nguyên liệu trùng thảo, long nhãn, câu kỷ và táo đỏ với nước ấm.
- Bước 3: Vo sạch gạo nếp đã chuẩn bị và rang chín vàng đều.
- Bước 4: Cho gạo nếp đã rang vào nồi, đổ ngập nước, đun được khoảng 10 phút thì cho thêm táo đỏ và câu kỷ.
- Bước 5: Tiếp tục đun thêm 15 phút rồi cho đông trùng hạ thảo, long nhãn, sau đó dùng thìa khuấy đều. Khoảng 5 phút sau thì tắt bếp, nêm nếm lại gia vị và thưởng thức món cháo khi còn nóng.
3. Nấu cháo trùng thảo, hoàng kỳ và sơn dược
Cháo đông trùng hạ thảo nấu cùng hoàng kỳ, sơn dược có tác dụng bổ trợ sức khỏe cho người mệt mỏi, suy nhược cơ thể vô cùng tốt. Món ăn này cũng phù hợp với những người bị máu nhiễm mỡ, mới ốm dậy hay thường xuyên phải làm việc căng thẳng, mệt mỏi.
Nguyên liệu hoàng kỳ dùng để nấu cháo trùng thảo
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 5 con đông trùng hạ thảo, 20g hoàng kỳ, 20g sơn dược, 100g gạo nếp và các loại gia vị nêm nếm.
- Bước 2: Cho hoàng kỳ vào nồi, đổ thêm nước nấu sôi khoảng 15 phút thì lọc bỏ bã.
- Bước 3: Cho gạo nếp và sơn dược vào nước hoàng kỳ vừa sắc. Bật lửa để ninh cho tới khi cháo chín nhừ.
- Bước 4: Bạn thêm đông trùng hạ thảo vào nồi cháo, nấu thêm 15 phút thì tắt bếp, nêm nếm gia vị và thưởng thức.
4. Công thức nấu cháo chim bồ câu và trùng thảo
Chim bồ câu thường xuyên được sử dụng để làm các món cháo bổ dưỡng giúp phục hồi sức khỏe cho người mới ốm dậy. Do đó, để tăng thêm công dụng, bạn hoàn toàn có thể cho thêm đông trùng hạ thảo vào để nấu cùng.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 2 con chim bồ câu, 15g đông trùng hạ thảo, 100g gạo tẻ, một chút hạt sen, gừng đường phèn và muối.
- Bước 2: Chim bồ câu làm sạch, bỏ phần nội tạng rồi xát muối để khử mùi tanh. Hạt sen luộc sơ qua với nước sôi và vớt ra để ráo.
- Bước 3: Cho chim, hạt sen và vài lát gừng vào nồi, đổ ngập nước đun cho đến khi chín nhừ.
- Bước 4: Cho đông trùng hạ thảo vào nồi cháo vừa chín, tiếp tục đun lửa nhỏ trong vòng 10 – 15 phút thì tắt bếp. Nêm nếm thêm gia vị sao cho vừa ăn rồi thưởng thức cháo khi còn ấm nóng.
5. Các bước nấu cháo gà với đông trùng hạ thảo
Nếu không thích ăn chim bồ câu, bạn cũng có thể thay thế bằng gà để nấu cháo trùng thảo. Đây là không chỉ là nguyên liệu dễ tìm, chứa giá trị dinh dưỡng cao mà còn phù hợp với khẩu vị của rất nhiều người, từ già đến trẻ.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 300g thịt gà, 100g gạo tẻ, 5 con đông trùng hạ thảo tươi, các loại gia vị (hành tím, hạt nêm, tiêu, bột ngọt, muối,…)
- Bước 2: Vo gạo với 2, 3 lần nước rồi để ráo. Thịt gà rửa sạch, lọc xương, băm nhuyễn sau đó ướp cùng tiêu và hạt nêm mỗi loại 1 thìa cà phê. Đông trùng hạ thảo rửa qua với nước ấm.
- Bước 3: Rang gạo với lửa nhỏ cho đến khi có mùi thơm và chín vàng đều.
- Bước 4: Cho gạo và gà vào nồi sứ, đổ ngập nước và ninh tới khi chín nhừ thì cho thêm đông trùng hạ thảo. Tiến hành nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn rồi đun nhỏ lửa thêm 10 phút. Trong suốt quá trình nấu chú ý đảo đều tay để cháo được dẻo và không bị dính nồi.
- Bước 5: Múc cháo ra bát, thêm hành tím băm nhỏ và thưởng thức khi còn nóng.
6. Công thức nấu cháo cá đông trùng hạ thảo
Cá cũng có thể áp dụng để nấu cháo cùng với đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, bạn chỉ nên lựa chọn các loại cá nước ngọt như cá trắm, cá chuối hay cá chép,…
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 500g loại cá nước ngọt bất kỳ tùy theo sở thích, 100g gạo tẻ, 5g đông trùng hạ thảo, 10 quả táo đỏ và gừng tươi.
- Bước 2: Cá sơ chế sạch, vứt bỏ nội tạng. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập dập hoặc thái thành từng sợi nhỏ. Gạo vo sạch, để ráo rồi rang nhỏ lửa tới khi ngả vàng.
- Bước 3: Ướp cá với các gia vị muối, mắm, tiêu sao cho vừa ăn.
- Bước 4: Cho gạo, cá, gừng vào nồi, đổ ngập nước và ninh cho tới khi chín nhừ.
- Bước 5: Khi chào chín thì cho thêm 5g đông trùng hạ thảo đã chuẩn bị, đun nhỏ lửa thêm 10 phút thì tắt bếp và thưởng thức.
7. Cách nấu cháo sườn heo và đông trùng hạ thảo
Sườn heo cũng là nguyên liệu thường xuyên được áp dụng để nấu cháo đông trùng hạ thảo. Món cháo này có hàm lượng Protein cực cao chắc chắn sẽ giúp bạn bổ sung hiệu quả nguồn năng lượng phục vụ cho công việc hàng ngày.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 0,5kg sườn heo, 5 con đông trùng hạ thảo, 10g nhân sâm, 10g đương quy, 10g kỷ tử, 100g gạo tẻ và các loại gia vị mắm, muối, hạt tiêu,…
- Bước 2: Rửa sạch sườn heo và chần qua nước sôi để khử mùi tanh và loại sạch chất bẩn. Đông trùng hạ thảo rửa sơ với nước ấm rồi để ráo.
- Bước 3: Gạo vo sạch, để thật ráo nước rồi sao vàng cho thơm.
- Bước 4: Cho gạo cùng các nguyên liệu sườn heo, nhân sâm, đương quy và kỷ tử vào nồi, đổ ngập nước để hầm trong 30 phút.
- Bước 5: Khi cháo chín nhừ thì cho thêm đông trùng hạ thảo vào, ninh thêm 10 phút thì tắt bếp và nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn là hoàn thành.
Một số lưu ý trong cách sử dụng và chế biến cháo đông trùng hạ thảo
Cháo đông trùng hạ thảo mặc dù rất bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng phù hợp để sử dụng. Một số đối tượng không nên ăn món cháo này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bao gồm:
- Trẻ dưới 5 tuổi: Do cơ thể của bé còn non yếu, rất khó có thể hấp thụ hết được các dưỡng chất có trong đông trùng hạ thảo.
- Người bị máu khó đông: Hoạt chất Cordyceps có trong đông trùng hạ thảo chính là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng chảy máu ở người bị chứng máu khó đông.
- Người chuẩn bị phẫu thuật: Các bác sĩ đã khuyến cáo rằng, những người trước khi phẫu thuật 2 tuần tuyệt đối không nên dùng đông trùng hạ thảo dưới bất cứ hình thức nào. Điều này sẽ giúp đảm bảo cơ thể ở trạng thái an toàn nhất, hạn chế nguy cơ mất máu quá nhiều trong quá trình mổ.
- Người có cơ địa dị ứng với hải sản hoặc nước hoa: Đây là những đối tượng có nguy cơ cao cũng bị dị ứng với đông trùng hạ thảo dạng ký chủ nhộng tằm.
Ngoài ra, trong cách sử dụng và chế biến cháo trùng thảo, chúng ta cũng cần lưu ý đồng thời một số vấn đề sau:
- Đông trùng hạ thảo dù được chế biến theo hình thức nào cũng nên được dùng với tần suất ít nhất từ 2 – 3 lần mỗi tuần để có thể đạt hiệu quả cao. Đối với những người có sức khỏe suy kiệt hoặc mắc bệnh nặng vẫn có thể sử dụng dược liệu này mỗi ngày nhưng chỉ với liều lượng vừa đủ.
- Trong đông trùng hạ thảo rất nhiều dưỡng chất nên khi sử dụng nó để nấu cháo, bạn chỉ cần dùng khoảng 3 – 5 con là đủ.
- Đông trùng hạ thảo khi nấu ở nhiệt độ cao quá lâu có thể bị hao hụt dưỡng chất. Do đó khi nấu cháo, bạn chỉ nên cho dược liệu này vào cuối cùng.
- Cháo trùng thảo chỉ có tác dụng bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng của một số bệnh nên hoàn toàn không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
- Hạn chế sử dụng các món cháo nấu cùng đông trùng hạ thảo vào buổi tối để tránh gây mất ngủ.
Để mang lại bát cháo đông trùng hạ thảo thơm ngon nhất, ngoài những thành phần như gạo, thịt thì đông trùng hạ thảo đóng vai trò quyết định rất cao. Hiện nay nhu cầu sử dụng trùng thảo của người Việt ngày càng tăng cao, dẫn đến thị trường cũng “hỗn loạn” hơn với nhiều thương hiệu, nhiều mức giá.
Lời khuyên là người dùng chỉ nên đặt mua trùng thảo nuôi cấy ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, giấy kiểm định hàm lượng dưỡng chất cũng như phải được nhiều người sử dụng và có đánh giá tốt. Bởi nếu không bạn mua nhầm hàng kém chất lượng, vừa không có tác dụng còn tiền mất tật mang.
Trên đây là 7 cách nấu cháo đông trùng hạ thảo thơm ngon, bổ dưỡng mà bạn có thể tham khảo và áp dụng. Dù lựa chọn cách chế biến nào thì bạn cũng đừng quên những lưu ý mà Dr Vitamin đã đề cập trong bài viết này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!