Đột Quỵ Khi Chạy Bộ Do Đâu? Cách Nhận Biết Và Phòng Ngừa

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh nhân xảy ra sự cố đột quỵ sau khi chơi thể thao chủ yếu liên quan tới huyết áp hoặc các vấn đề tim mạch. Khi cơ thể phải hoạt động quá sức sẽ khiến bệnh lý tái phát và dẫn tới đột quỵ. Để hiểu rõ hơn về tình trạng đột quỵ khi chạy bộ, cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây đột quỵ khi chạy bộ

Đột quỵ thậm chí ngừng tim và dẫn đến tử vong khi đang chạy bộ hoàn toàn không hiếm gặp. Mặc dù bộ môn thể thao này mang nhiều lợi ích sức khỏe song đôi khi cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định nếu không nắm được những kiến thức cơ bản.

Tình trạng đột quỵ khi vận động thể thao rất dễ gặp
Tình trạng đột quỵ khi vận động thể thao rất dễ gặp

Nguyên nhân gây đột quỵ trong quá trình chạy bộ được cho là có liên quan tới 4 yếu tố sau:

  • Nhồi máu cơ tim: Chạy bộ, vận động mạnh quá sức làm cho bệnh mạch vành tái phát và dẫn tới đột quỵ.
  • Bản thân không biết mình mắc bệnh lý tim mạch/Mạch máu bẩm sinh: Do không nhận biết được bệnh lý của bản thân nên người bệnh vẫn tham gia chạy bộ, vận động mạnh dẫn đến đột quỵ. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ khi chạy bộ ở người trẻ tuổi.
  • Sốc nhiệt: Hiện tượng rối loạn thân nhiệt khi chạy bộ do thời tiết quá oi bức nhưng không được xử lý, cấp cứu kịp thời cũng có thể dẫn tới đột quỵ.
  • Sự tích tụ axit lactic quá mức ở cơ bắp: Khi cơ thể chạy bộ liên tục, lượng oxy được hít vào không đủ để cung cấp cho cơ bắp. Lúc này, cơ bắp sẽ tận dụng glucose từ tế bào duy trì hoạt động, tuy nhiên việc sử dụng nguồn năng lượng không có oxy này lại tạo ra axit lactic – chất gây đau, mỏi nhức cơ bắp. Khi axit lactic tích tụ càng nhiều càng làm tăng cảm giác nóng rát, nhức mỏi cơ, gây co rút… Nghiêm trọng hơn, axit lactic có thể gây ức chế thần kinh khiến nhịp tim chậm lại, dẫn đến ngưng tim và gây đột quỵ.

Bên cạnh đó, một số sai lầm trong quá trình chạy bộ cũng có thể dẫn đến đột quỵ. Điển hình như:

  • Sải chân quá dài khiến cơ thể hao tổn năng lượng, ảnh hưởng tới tư thế chạy, tăng nguy cơ chấn thương, nhất là đột quỵ và tai biến.
  • Chạy bộ với tốc độ quá nhanh, cường độ cao không phù hợp với thể lực làm phát sinh tình trạng thiếu oxy gây giảm huyết áp đột ngột.
  • Để tay sai tư thế, 2 tay vung sang 2 bên khi chạy làm cơ thể bị trùng, ảnh hưởng tới hoạt động thở. Điều này không chỉ gây khó chịu, giảm sức chạy mà còn làm căng cơ vai, ngực, tăng nguy cơ chấn thương.
  • Tắm ngay sau khi chạy, thời điểm cơ thể còn nhiều mồ hôi gây chóng mặt, đau đầu, đột quỵ do sự thay đổi đột ngột của thân nhiệt.

Dấu hiệu nhận biết

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn. Lúc này, não thiếu oxy, dinh dưỡng, tế bào não cũng bắt đầu chết chỉ trong vài phút. Bệnh nhân đột quỵ có thể tử vong ngay sau đó nếu không được sơ cứu kịp thời, đúng cách.

Sau khi chạy bộ, nếu xuất hiện các triệu chứng dưới đây rất có thể tình trạng đột quỵ đã xảy đến với bạn:

  • Đột ngột tê/yếu liệt cánh tay, chân hoặc mặt thuộc ở cùng phần nửa cơ thể.
  • Căng cứng cơ tay/chân, khó hoặc không thể cầm nắm.
  • Choáng váng, buồn nôn.
  • Mặt mũi xây xẩm, hoa mắt, chóng mặt, không giữ được thăng bằng hoặc không thể điều chỉnh vận động theo ý muốn.
  • Không nói được hoặc cố gắng nói nhưng giọng không rõ, miệng méo, lời nói không có nghĩa.
  • Mất thị lực đột ngột một bên mắt, đau đầu dữ dội.

Tuy nhiên, đây chỉ là những triệu chứng điển hình nhất ở bệnh nhân đột quỵ sau chơi thể thao, chạy bộ. Đối với cơ địa mỗi người các dấu hiệu sẽ có sự khác biệt, không phải ai cũng xuất hiện đầy đủ các triệu chứng kể trên.

Đôi khi các triệu chứng đột quỵ khi tập luyện không quá điển hình
Đôi khi các triệu chứng đột quỵ khi tập luyện không quá điển hình

Đối tượng dễ bị đột quỵ khi chạy bộ

Thống kê của WHO cho thấy, tỷ lệ tử vong do đột quỵ vượt xa nhóm bệnh tim mạch và ung thư. Vì vậy, nhiều người vì mong muốn rèn luyện sức khỏe, phòng tránh đột quỵ đã lựa chọn chạy bộ hoặc một số môn thể thao nhẹ nhàng. Tuy nhiên, hiện nay số ca đột quỵ sau chạy bộ đang có xu hướng tăng lên khiến không ít người hoang mang. 

Tuy nhiên, nếu là người có sức khoẻ bình thường và đã quen với việc tập luyện thì bạn không cần quá lo lắng. Đột quỵ sau chạy bộ thường xảy ra ở nhóm đối tượng sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử gặp các vấn đề về huyết áp, tim mạch.
  • Người có tiền sử đột quỵ, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao.
  • Nhóm đối tượng ít vận động.
  • Người sử dụng rượu bia, hút thuốc lá hoặc một số chất kích thích cùng nhóm.
  • Những người có thói quen chạy bộ với cường độ cao vào sáng sớm, tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết não và dẫn đến đột quỵ.
Nhóm đối tượng dễ đột quỵ tương đối rộng
Nhóm đối tượng dễ đột quỵ tương đối rộng

Đột quỵ sau khi chạy bộ xử lý thế nào?

Nếu phát hiện một người bị đột quỵ ngay khi tập thể dục, chạy bộ cần gọi ngay cấp cứu để không bỏ lỡ “khung giờ vàng” chữa trị. Trong thời gian chờ nhân viên y tế, nên chủ động sơ cứu cho bệnh nhân và phải tuân thủ đúng kỹ thuật, tránh phát sinh rủi ro khiến tình trạng trở nặng.

  • Đặt bệnh nhân nằm nghỉ ngơi trên giường với tư thế đầu và lưng chếch một góc 45 độ so với cơ thể. Tư thế này đặc biệt hữu ích nếu bệnh nhân nôn hoặc bị suy giảm ý thức.
  • Nới rộng quần áo cho bệnh nhân, chú ý nhiều vào phần cổ.
  • Lấy đờm trong miệng người bệnh bằng cách quấn khăn vào đầu ngón trỏ. 
  • Nếu bệnh nhân bị co giật, dùng khăn bông quấn quanh chiếc đũa và chặn ngang miệng để ngăn cắn lưỡi.
  • Ghi nhớ tất cả các triệu chứng ở bệnh nhân và thời điểm chúng xuất hiện để thông báo cho nhân viên y tế.
  • Trường hợp bệnh nhân ngừng thở cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.

Lưu ý: TUYỆT ĐỐI KHÔNG SỬ DỤNG phương pháp bấm huyệt/đánh gió. Các phương pháp này có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ.

Việc sơ cứu cho bệnh nhân đột quỵ đúng kỹ thuật là điều vô cùng cần thiết
Việc sơ cứu cho bệnh nhân đột quỵ đúng kỹ thuật là điều vô cùng cần thiết

Phòng tránh đột quỵ khi chạy bộ

Đột quỵ, ngừng tim khi chạy bộ hết sức nguy hiểm. Vì vậy, khi tập luyện mỗi người nên chủ động tìm hiểu kỹ thuật chạy, lựa chọn cự ly phù hợp với sức khỏe, tuyệt đối không gắng sức.

Để ngăn chặn đột quỵ khi tham gia môn thể thao này, hãy lưu ý một số vấn đề sau:

  • Uống đủ 2l nước/ngày để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, tránh mất nước khi chạy bộ.
  • Duy trì đều đặn việc uống 1 ly nước ấm trước khi đi ngủ để hạn chế tình trạng mất nước vào buổi sáng. Đồng thời, ly nước ấm cũng giảm độ keo nhớt trong máu, cải thiện đáng kể áp lực lên tim.
  • Luôn duy trì cường độ tập luyện phù hợp với thể trạng. 
  • Chủ động theo dõi nhịp tim, chỉ số huyết áp để ngăn chặn đột quỵ. Nếu có điều kiện có thể thuê huấn luyện viên riêng để được theo sát quá trình tập luyện, tư vấn chi tiết các bài tập phù hợp với thể lực.
  • Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường của cơ thể sau khi chạy bộ nên dành ít nhất 3 ngày để nghỉ ngơi. Đồng thời nên chú ý điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng để cân bằng sức khỏe và thể trạng.

Tình trạng đột quỵ khi chạy bộ rất dễ gặp và luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe. Vì vậy, mỗi người nên chủ động theo dõi thể lực, tránh tập luyện quá sức, ăn uống đầy đủ và khoa học.

Không nên bỏ lỡ: 

Chia sẻ
Bỏ qua