Đột Quỵ
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn khiến cơ quan này không nhận được đủ máu và oxy. Khi bị đột quỵ, một phần não trong cơ thể bắt đầu chết dần và có thể khiến người bệnh tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nội dung dưới đây, DrVitamin sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (stroke) còn được biết đến với tên gọi là tai biến mạch máu não. Bệnh thường xảy ra đột ngột do máu và oxy không lưu thông lên não kịp thời. Khi đó các tế bào trong não bắt đầu chết trong vài phút. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể sẽ bị tử vong.
Ngay cả khi người bệnh được cấp cứu và qua khỏi cơn nguy hiểm thì sức khỏe cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Một số người có thể gặp phải các di chứng như: Liệt nửa người, sống thực vật, nói ngọng, méo mặt, rối loạn cảm xúc, khó vận động, thị lực suy giảm,...
Đột quỵ là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm và rất khó để lường trước khi nào bệnh sẽ diễn ra. Chưa kể, căn bệnh này đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là những người trẻ tuổi có lối sống không lành mạnh, khoa học rất dễ gặp phải tình trạng này.
Phân loại bệnh thường gặp
Có thể phân chia bệnh đột quỵ ra thành nhiều nhóm khác nhau, bao gồm:
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Thiếu máu cục bộ là tình trạng tắc nghẽn trong động mạch do huyết khối hoặc do thuyên tắc mạch máu. Hiện nay, phần lớn các ca bệnh đột quỵ đều thuộc nhóm này. Tuy nhiên cũng có trường hợp chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến đột quỵ
- Đột quỵ do huyết khối: Huyết khối của các mảng xơ vữa ở thành mạch có thể phát triển khiến lòng mạch bị hẹp dần. Những tổn thương này có thể khiến tiểu cầu kết tập lại ở vị trí hẹp, làm lòng mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn. Tình trạng này khiến máu không được lưu thông lên não, dẫn đến thiếu máu và đột quỵ.
- Đột quỵ do thuyên tắc: Các cụ máu đông từ nơi khác có thể di chuyển đến động mạch, gây lấp mạch. Huyết khối này có thể được hình thành từ tim hoặc mảng xơ vữa động mạch bong ra. Điều này khiến cho việc cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào não bị ngưng trệ, từ đó dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ do xuất huyết não
Vỡ mạch máu gây ra tình trạng xuất huyết trong não. Có rất nhiều nguyên nhân gây vỡ mạch máu, trong đó phải kể đến bệnh huyết áp cao, vỡ túi phình mạch máu não, vỡ dị dạng mạch máu não, vỡ các thông động tĩnh mạch trong sọ, rối loạn đông máu,...
Khi mạch máu bị vỡ, máu sẽ thoát ra ngoài lòng mạch và hình thành các cục máu đông xung quanh. Chúng chèn ép vào các vùng não lành kế bên, gây suy giảm chức năng tế bào não từ đó dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ có triệu chứng gì?
Theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ với tỷ lệ tử vong là 10-20%. Trong đó, cứ 4 ca bệnh thì có 1 ca là có thể phục hồi sau đột quỵ. Vì vậy việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh là điều vô cùng quan trọng, giúp người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng.
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ có thể kể đến như:
- Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, cơ thể bị mất thăng bằng.
- Cử động khó khăn, không thể phối hợp với các động tác.
- Đau đầu dữ dội, cơn đau diễn ra rất nhanh, kèm theo tình trạng buồn nôn và nôn mửa.
- Thị lực suy giảm, có thể mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.
- Liệt một bên cơ thể hoặc không thể cử động một bên tay chân.
- Cơ thể mệt mỏi, cảm thấy mất sức.
- Liệt một nửa mặt, nụ cười méo mó, cơ mặt xệ xuống, nhân trung bị lệch.
- Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, không diễn tả được, cảm giác mơ hồ.
- Không thể nói chuyện, á khẩu, môi lưỡi tê cứng, phát âm không rõ chữ, bị ngọng bất thường.
Trong y học có một quy tắc để nhận biết sớm căn bệnh đột quỵ đó là quy tắc FAST, có nghĩa là:
- Face (Khuôn mặt): Gương mặt đột nhiên bị mất cân đối khi cười hoặc khi nói chuyện, một bên gương mặt bị trùng xuống.
- Arm (Tay): Cơ tay yếu dần, có dấu hiệu bị liệt, không thể giơ lên như bình thường.
- Speech (Lời nói): Nói không rõ lời, lắp bắp, mất khả năng diễn đạt ngôn ngữ.
- Time (Thời gian): Khi xuất hiện 1 trong 3 dấu hiệu trên, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều và các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ, có thể kể đến như:
Tăng huyết áp
Những người bị huyết áp cao thường dễ gặp các vấn đề về mạch máu như: Xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, hình thành cục máu đông, xuất huyết não, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến đột quỵ. Cụ thể, huyết áp cao làm tăng áp lực lên thành mạch máu, dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu. Những mảng xơ vữa này sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông gây tắc mạch máu não và dẫn đến nhồi máu não, xuất huyết não và đột quỵ.
Các bệnh lý tim mạch
Những người bị mắc các bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, bệnh động mạch vành,... có thể khiến cho tim co bóp bất thường. Theo thời gian nếu không được điều trị sẽ hình thành các cục máu đông trong buồng tim. Những cục máu đông này có thể theo mạch máu và di chuyển đến não. Từ đó gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến đột quỵ.
Tiểu đường
Tiểu đường là một căn bệnh mạn tính, thường diễn ra âm thần và gây ra những ảnh hưởng đến tim, thận, mắt, não, xương khớp,... Khi lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao sẽ làm tăng quá trình xơ vữa mạch máu, hình thành các cục máu đông trong lòng động mạch, gây bít tắc lòng mạch. Điều này không chỉ ngăn cản lượng máu và oxy đến não mà còn gây tổn thương não, nhồi máu cơ tim và gây ra những cơn co thắt ngực. Vì vậy những người bị tiểu đường thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn từ 2-4 lần so với bình thường.
Bị căng thẳng, stress
Thường xuyên áp lực, căng thẳng, stress, lo âu, mất ngủ,... sẽ làm tăng huyết áp, tăng lượng đường huyết. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người trẻ từ 18-30 tuổi.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi mà còn gây viêm mạch máu, làm tăng quá trình xơ vữa mạch máu và hình thành các cục máu đông. Những mảng xơ vữa này khiến cho lòng mạch dần hẹp lại, thậm chí là bít tắc hoàn toàn, ngăn cản việc cung cấp máu và oxy đến các cơ quan. Vì vậy thường xuyên hút thuốc lá sẽ khiến người bệnh phải đối mặt với những nguy cơ như: Nhồi máu cơ tim, nhồi máu thận, tắc cấp tính các mạch chi dưới, đột quỵ.
Uống nhiều rượu bia
Lạm dụng rượu bia quá mức sẽ làm tăng nguy cơ bị các bệnh về huyết áp, tim mạch, thần kinh, xơ gan, ung thư gan,... Bởi rượu bia có tác động tới hệ tuần hoàn, khiến cho tim giãn nở hơn so với bình thường. Khi cơ tim bị giãn nở sẽ khiến các chức năng làm việc của tim bị suy giảm, khả năng bơm máu kém dẫn đến đau tim, thiếu máu, đột quỵ.
Mỡ máu cao
Hàm lượng cholesterol trong máu quá cao sẽ phá hủy lớp vỏ bên ngoài của mạch máu, khiến các mảng xơ cứng dễ bám vào mạch máu và cản trở việc lưu thông máu lên não. Theo thời gian, người bệnh dễ gặp phải tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, làm tăng nguy cơ bị bệnh nhồi máu não và các bệnh lý có liên quan khác, bao gồm cả đột quỵ.
Bên cạnh đó còn có các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ người bệnh cần biết:
- Tuổi tác: Tuổi tác càng lớn càng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Theo ghi nhận những người trong độ tuổi từ 60 trở lên thường dễ bị đột quỵ hơn những nhóm độ tuổi còn lại. Tuy nhiên ngày nay độ tuổi bị đột quỵ đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa ở độ tuổi 30.
- Giới tính: Các nghiên cứu cho thấy nam giới có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn so với nữ giới gấp 1,25 lần.
- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người thân như ông bà cha mẹ bị đột quỵ thì con cái cũng sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
- Người có tiền sử bị đột quỵ: Người đã từng bị đột quỵ thì khả năng tái phát bệnh sẽ cao hơn người bình thường gấp 7 lần. Đột quỵ tái phát trở lại sớm hay muộn còn phụ thuộc vào yếu tố sinh hoạt, dinh dưỡng và có tuân thủ việc điều trị hay không.
Đột quỵ có nguy hiểm thế nào?
Như chúng ta đã biết, bệnh đột quỵ có nguy cơ tử vong rất cao. Nếu may mắn sống sót thì người bệnh cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nặng nề. Tùy theo thời gian người bệnh được cấp cứu mà mức độ tổn thương sẽ khác nhau.
Khi bị đột quỵ, càng cấp cứu sớm thì thì tỷ lệ phục hồi càng cao và ngược lại, nếu chậm trễ trong việc cấp cứu thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Thông thường người bệnh sẽ mất khoảng 30 ngày để cơ thể phục hồi trở lại. Tuy nhiên cũng có trường hợp những tổn thương gặp phải là vĩnh viễn và không thể điều trị.
Dưới đây là một số biến chứng thường gặp sau khi bị đột quỵ, có thể kể đến như:
- Tay chân co cứng, khó vận động, bị liệt 1 bên tay hoặc tứ chi.
- Khả năng vận động yếu, khó cử động tay chân, lâu dần hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch chân, gây nghẽn mạch máu.
- Người bệnh bị phù nề não.
- Đau tim, xơ vữa động mạch, động mạch bị xơ cứng, thường xuyên bị đau tim.
- Gây táo bón, hạn chế hoặc mất chức năng ruột.
- Mất ngôn ngữ, nói ngọng, khó khăn trong giao tiếp.
- Rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
- Mất khả năng cảm nhận nóng, lạnh, đau đớn…
- Gặp vấn đề về thị giác, tầm nhìn yếu.
- Viêm phổi.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang, khiến bệnh nhân bị tiểu rắt, tiểu tiện dầm dề, không tự chủ.
- Có thể sống thực vật đến suốt đời.
Ai có nguy cơ dễ bị đột quỵ?
Các đối tượng sau đây nên cẩn trọng bởi những người này có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với bình thường, bao gồm:
- Những người lười vận động, không thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
- Người bị thừa cân, béo phì.
- Người bị tiểu đường.
- Người bị huyết áp cao và các bệnh lý về tim mạch.
- Người có các thành viên trong gia đình từng bị đột quỵ.
- Người trung niên ngoài 40 và người cao tuổi.
- Người có thói quen nghiện rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
- Người ăn quá nhiều đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều đường, muối, ít ăn rau củ quả.
Chẩn đoán bệnh đột quỵ
Việc chẩn đoán bệnh đột quỵ không quá phức tạp, bác sĩ sẽ căn cứ vào bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng để biết được người bệnh đang gặp phải vấn đề gì:
Chẩn đoán dựa trên bệnh sử: Khởi phát đột ngột, liệt nửa người, méo miệng, nói ngọng,...
Chẩn đoán dựa trên lâm sàng:
- Liệt dây thần kinh số 7.
- Liệt nửa người.
- Tê ở tay và chân cùng bên.
- Đau đầu chóng mặt.
- Rối loạn tri giác.
- Rối loạn ngôn ngữ, nói khó.
- Rối loạn thị giác.
Chẩn đoán cận lâm sàng bằng các xét nghiệm chuyên sâu:
- Xét nghiệm công thức máu để kiểm tra tình trạng đông máu, đường huyết và mỡ máu, điện giải đồ máu, kiểm tra chức năng gan thận, men tim, bilan lipid máu.
- Đo điện tim đồ.
- Chụp X-quang ngực.
- Chụp CT scan không cản quang để phân biệt rõ đột quỵ xuất huyết não với thiếu máu não cục bộ.
- Chụp CT scan mạch máu não với thuốc cản quang để khảo sát hình ảnh của toàn bộ động mạch não, nhằm phát hiện các bất thường ở mạch máu, trong và ngoài sọ.
- Chụp cộng hưởng từ MRI.
- Siêu âm động mạch vành để xác định tình trạng tắc/hẹp động mạch ngoài sọ.
- Siêu âm Doppler xuyên sọ để xác định tình trạng hẹp/tắc mạch máu ở trong sọ.
- Siêu âm tim để kiểm tra những bất thường tại tim.
Phương pháp điều trị bệnh
Người bệnh bị đột quỵ sẽ được điều trị bằng thuốc kết hợp với một số phương pháp khác, cụ thể như:
- Đối với trường hợp bị đột quỵ nhồi máu não, trong vòng 4,5 tiếng đầu tiên, người bệnh cần được điều trị tái thông mạch máu não bằng thuốc tiêu huyết khối. Trường hợp có tắc động mạch não lớn, bác sĩ có thể kết hợp thêm phương pháp lấy cục máu đông bằng dụng cụ cơ học.
- Đối với đột quỵ xuất huyết não do tăng huyết áp, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện. Sau đó, người bệnh sẽ được điều trị phòng ngừa bằng các loại thuốc vụ thể tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Đối với trường hợp này, người bệnh buộc phải uống thuốc trong thời gian kéo dài, nếu tự ý ngưng dùng thuốc thì tình trạng đột quỵ sẽ lại tái phát.
Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị đột quỵ bao gồm:
- Thuốc chống ngưng tập kết tiểu cầu: Clopidogrel, Aspirin, Cilostazol.
- Thuốc chống đông máu: Dabigatran, Warfarin, Rivaroxaban.
- Thuốc chống xơ vữa mạch máu, giảm mỡ máu: Các thuốc thuộc nhóm statin.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp: Bao gồm các thuốc ức chế giao cảm (Bisoprolol, Atenolol), thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể (Perindopril, Losartan, Valsartan), thuốc chẹn kênh canxi (Amlodipine, Felodipine), thuốc lợi tiểu,...
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể kết hợp với tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, phẫu thuật mở sọ giải áp,....
Sơ cứu nhanh cho người có dấu hiệu đột quỵ:
Đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ khi nào và ở đâu mà chúng ta đều không có sự đề phòng từ trước. Hơn nữa, 10 phút sau khi bị đột quỵ là thời điểm vàng để bạn sơ cứu cho người bệnh trong thời gian chờ xe cấp cứu đến. Dưới đây là một vài điểm quan trọng bạn cần làm nếu có người xung quanh xuất hiện dấu hiệu đột quỵ.
- Đỡ người bệnh, không để người bệnh té ngã.
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng để bảo vệ đường thở cho người bệnh.
- Nếu người bệnh nôn cần móc hết đàm, nhớt trong cổ họng để tránh gây ngạt đường thở cho người bệnh.
- Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của người bệnh như nôn mửa, suy giảm thị lực, co giật hoặc khó cử động, líu lưỡi....
- Không được tự ý bấm huyệt, hô hấp nhân tạo, ép ngực, châm cứu, đánh gió cho người bệnh.
- Không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì để tránh bị sặc và tắc nghẽn đường thở.
- Không cho dùng bất cứ loại thuốc gì khác.
Những câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này:
Tắm đêm có bị đột quỵ không?
Tắm đêm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ, nhưng nó là yếu tố tác động tới tình trạng này. Bởi ban đêm là thời điểm nhiệt độ trong ngày xuống thấp và huyết áp tăng cao. Sự thay đổi về nhiệt độ và huyết áp cơ thể sẽ khiến các mạch máu bị co lại, gây thiếu máu cục bộ, dẫn đến tai biến mạch máu não. Vì vậy bạn không nên tắm khuya sau 23h.
Vì sao ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh đột quỵ?
Đột quỵ đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa do các bạn trẻ có lối sống sinh hoạt thiếu khoa học, lành mạnh. Thường xuyên thức khuya, bỏ bữa, uống nhiều bia rượu, hút thuốc, lười vận động, béo phì,... Điều này khiến cho các bạn trẻ dễ bị mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,... Đây đều là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đột quỵ.
Đột quỵ có mang tính di truyền không?
Đột quỵ không có tính di truyền, nhưng những yếu tố như huyết áp cao, tiểu đường, máu nhiễm mỡ thường mang tính gia đình. Vì vậy những người có người thân từng bị đột quỵ thì cũng sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
Đột quỵ có chữa được không?
Theo thông tin ghi nhận của tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6,5 triệu người chết do đột quỵ. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong vô cùng cao. Tuy nhiên không phải ai bị đột quỵ cũng như vậy. Nếu người bệnh được phát hiện sớm và can thiệp y tế kịp thời ngay khi có dấu hiệu thì có thể hạn chế được nguy cơ tử vong.
Phòng ngừa bệnh đột quỵ
Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh đột quỵ bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Dưới đây là một số vấn đề bạn cần thực hiện để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Thường xuyên tập thể dục
Tập thể dục thể thao là không chỉ có tác dụng giảm cân, tăng cường sức mạnh cơ bắp và xương khớp mà còn phòng ngừa bệnh đột quỵ và tim mạch hiệu quả. Mỗi lần bạn cần tập ít nhất 30 phút, duy trì khoảng 5 lần/tuần. Chỉ nên tập những bộ môn theo khả năng, không nên tập quá sức. Một số bộ môn thể thao bạn nên áp dụng như: Gym, bơi lội, đạp xe, đi bộ, yoga,...
Chế độ ăn uống khoa học
Ăn uống đủ chất là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp bạn luôn duy trì được sức khỏe tốt. Bạn nên bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm như chất đạm, tinh bột, vitamin, khoáng chất, protein,... Đồng thời nên ăn ít chất béo động vật, giảm đường và muối trong khẩu phần ăn của mình để tránh làm tăng đường huyết và tăng huyết áp. Nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước trái cây và nước điện giải.
Luôn giữ ấm cơ thể
Khi cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ làm tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu dễ bị đứt/vỡ. Vì vậy bạn cần giữ ấm cho cơ thể, nhất là vào thời điểm giao mùa hoặc vào những ngày nhiệt độ xuống thấp.
Kiểm soát huyết áp
Mức huyết áp bình thường là dưới 140/90 mmHg, ở những bệnh nhân bị tiểu đường hoặc bệnh thận, huyết áp thường dưới 130/80 mmHg. Huyết áp tăng chính là yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ. Vì vậy bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng muối, duy trì cân nặng và có lối sống vui vẻ thoải mái để cải thiện tâm trạng.
Kiểm soát mỡ máu
Mỡ máu tăng cao là nguyên nhân gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Với những người đã bị đột quỵ thì lượng cholesterol xấu cần hạ xuống dưới 70 mg/dl và cholesterol tốt phải trên 50 mg/dl. Việc mỡ máu tích tụ trong thành mạch sẽ khiến cho thành mạch bị xơ vữa và hẹp đi. Điều này làm tăng nguy cơ bị thiếu máu não.
Ngưng sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá
Hút thuốc và uống rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi và các bệnh tim mạch. Không những người hút mà người ngửi phải khói thuốc cũng bị ảnh hưởng. Nếu bạn bỏ thuốc lá và rượu bia sẽ làm giảm nguy cơ bị bệnh đột quỵ và các bệnh tim mạch một cách đáng kể. Vì thế hãy hạn chế rượu bia để có một sức khỏe tốt hơn.
Kiểm soát đường huyết
Tiểu đường không chỉ gây ra các biến chứng nguy hiểm về mắt, thận, tim mạch,... mà còn làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên đến 4 lần so với bình thường. Vì vậy việc kiểm soát lượng đường huyết là điều vô cùng quan trọng.
Người có sức khỏe bình thường cần duy trì HbA1C dưới 6.5% và lượng đường huyết lúc đói < 126 mg/dl. Còn đối với người cao tuổi mắc các bệnh như suy thận, suy tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não,... thì nên giữ mức HbA1C dưới 7,5 – 8% và đường huyết đói < 180 mg/dl.
Người bệnh nên tăng các hoạt động thể thao, dùng thuốc do bác sĩ kê đơn và hạn chế sử dụng các loại bánh ngọt, kẹo, mứt, hoa quả sấy và những thực phẩm có lượng đường cao để kiểm soát lượng đường trong cơ thể.
Duy trì cân nặng
Người thừa cân sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với người có cân nặng đạt chuẩn. Mỗi khi chỉ số BMI tăng thêm 5kg/m2 tức là bạn sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 40%.
- Chỉ số BMI = Cân nặng/(chiều cao)2.
- Cân nặng (kg); Chiều cao (mét); BMI bình thường: 18 – 24.
Vòng eo ở nam giới nên <90cm và nữ giới <80cm. Nếu vòng eo càng tăng cao thì nguy cơ bị đột quỵ của bạn càng tăng. Để duy trì cân nặng thích hợp bạn cần ăn uống hợp lý, tránh sử dụng thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, ngủ đủ giấc và thường xuyên tập thể dục để cải thiện cân nặng của mình.
Trên đây là những thông tin về bệnh đột quỵ và các vấn đề có liên quan tới căn bệnh này. Hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích để từ đó bảo vệ sức khỏe của mình và người thân được tốt hơn. Bạn hãy phòng ngừa bệnh đột quỵ ngay từ hôm nay bằng cách xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh và thường xuyên đi khám định kỳ 6 tháng một lần.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!