6 Mẹo Dùng Lá Đinh Lăng Chữa Mề Đay, Ngứa Ngáy Hiệu Quả
Sử dụng lá đinh lăng chữa mề đay là bài thuốc dân gian được nhiều người áp dụng để giảm cơn ngứa ngáy, giải độc và chống dị ứng lan rộng. Tuy nhiên, làm sao để tận dụng được tính năng này của đinh lăng, cần lưu ý gì khi sử dụng? Nếu bạn đang quan tâm về vấn đề này, hãy dành một chút thời gian tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi.
Tác dụng chữa mề đay từ lá đinh lăng
Nổi mề đay là tình trạng phản ứng của các mao mạch dưới da trước các tác nhân gây dị ứng bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Từ đó gây nên hiện tượng phù nề, khiến da bị sưng phồng, kèm theo cảm giác đau rát, ngứa ngáy rất khó chịu. Mề đay có thể xuất hiện ở một vài vị trí nhất định hoặc lây lan và phát ban ra toàn cơ thể.
Bên cạnh việc dùng thuốc để nhanh chóng kiểm soát bệnh thì nhiều người lại lựa chọn cách điều trị bằng mẹo dân gian. Các mẹo này tuy không cho hiệu quả ngay tức khắc nhưng rất an toàn và dễ áp dụng, giúp tiết kiệm chi phí tối đa. Một trong những bài thuốc nổi bật nhất chính là dùng lá đinh lăng chữa mề đay tại nhà. Vậy chữa đinh lăng tại nhà có thực sự mang lại hiệu quả tốt không?
Đinh lăng hay còn được gọi là cây nam dương sâm, cây gỏi cá với tên khoa học là Polyscias fruticosa thuộc họ nhân sâm. Loại cây này được trồng khá phổ biến ở Việt Nam, ngoài việc được dùng như thực phẩm thì chúng còn được bào chế thành thuốc chữa bệnh. Lá, thân hay rễ của đinh lăng được sử dụng theo nhiều cách khác nhau với những công dụng riêng nên chúng đều được tận dụng để điều chế thành thuốc trị bệnh.
Lá đinh lăng thường có màu xanh lục, mọc so le với nhau, lá có cưa nhọn, mọc kép long chim. Trong Y học cổ truyền, đây là loại dược liệu có vị đắng, tính mát, có khả năng hỗ trợ thanh lọc cơ thể, giảm ngứa, lợi tiểu và điều trị một số bệnh ngoài da gây ngứa ngáy.
Y học hiện đại cũng tìm thấy trong lá đinh lăng có chứa nhiều thành phần có tác dụng giảm ngứa, tiêu viêm, hỗ trợ hồi phục vùng da đang bị tổn thương. Sở dĩ có được điều này là do hàm lượng saponin, vitamin C, axit amin, nhóm vitamin B có trong lá đinh lăng.
Với những ưu điểm này, cộng với đặc tính an toàn, lá đinh lăng thường được dùng để hỗ trợ điều trị chứng ngộ độc thức ăn, ho ra máu, chữa tắc sữa, kiết lị,… Nổi bật nhất là khả năng chữa bệnh ngoài da, chẳng hạn như nổi mề đay.
Tuy nhiên cũng tương tự như những nguyên liệu tự nhiên khác như lá trầu, lá khế, lá đơn đỏ,… lá đinh lăng chỉ có thể đạt hiệu quả tốt với những đối tượng có bệnh lý nhẹ. Trường hợp bệnh mề đay đã lan khắp người hoặc kèm theo các triệu chứng ngứa ngáy dữ dội, sốt nhẹ, khó thở thì dường như không mang lại hiệu quả. Lúc này, bạn nên tới bệnh viện uy tín để thăm khám và xử lý bệnh mề đay theo tư vấn của bác sĩ.
6 mẹo dùng lá đinh lăng chữa mề đay cho hiệu quả tốt nhất
Các mẹo dùng lá đinh lăng chữa mề đay khá đa dạng, ngoài việc sử dụng để nấu nước tắm, uống trực tiếp hoặc chườm nóng. Bạn cũng có thể tận dụng loại lá này để chế biến thành những món ăn ngon và bổ sung theo công thức sau:
Tắm lá đinh lăng
Ngoài tác dụng làm giảm cảm giác ngứa ngáy, tắm nước lá đinh lăng còn giúp cải thiện tình trạng rôm sảy, mụn nhọt, phát ban, viêm da cơ địa, viêm da dị ứng thời tiết,… Thông thường, dân gian sẽ sử dụng thêm một chút muối để tăng hiệu quả sát trùng, tiêu viêm và giảm ngứa tự nhiên vào nước lá tắm.
Hướng dẫn thực hiện:
- Dùng 1 nắm lá đinh lăng tươi đã được rửa sạch, ngâm qua nước muối.
- Đun sôi 2 lít nước rồi cho lá đinh lăng vào, đun thêm 5 phút rồi tắt bếp.
- Cho nước và lá đinh lăng ra chậu, đổ thêm 3 lít nước nữa rồi bỏ thêm 2 thìa muối vào tắm.
- Thực hiện ngày 1 lần, tận dụng bã lá đinh lăng để thoa lên da cho tới khi các triệu chứng biến của bệnh mề đay biến mất hoàn toàn.
Dùng lá đinh lăng kết hợp với lá khế chữa mề đay
Lá khế được nhận định có vị chua nhẹ, tính bình với công dụng tiêu viêm, giảm ngứa và kháng dị ứng. Dân gian thường sử dụng loại lá này để làm giảm tình trạng rôm sảy, dị ứng thời tiết, mụn nhọt, viêm da, mề đay,…. ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Nếu việc sử dụng mình lá đinh lăng chữa mề đay không mang lại hiệu quả như mong muốn thì bạn có thể kết hợp thêm với lá khế. Cả hai thảo dược này đều khá lành tính và an toàn nên bạn có thể yên tâm áp dụng, ngay cả khi cơ địa đang rất nhạy cảm.
Hướng dẫn thực hiện:
- Hãy chuẩn bị 1 nắm lá đinh lăng, 1 nắm lá khế.
- Bỏ hết những lá hư hỏng, héo úa và tiến hành rửa sạch rồi ngâm cùng nước muối pha loãng trong 5 phút.
- Cho nguyên liệu vào đun với 2 lít nước, khi nước sôi, bạn đun thêm 5 phút rồi tắt bếp.
- Chắt nước lá khế và đinh lăng ra chậu, hòa thêm nước mát để tắm ngày 1 lần.
Chườm đắp lá đinh lăng cùng muối biển
Chườm lá đinh lăng với muối biển lên vùng da bị mề đay sẽ giúp làm giảm nhanh chóng cơn ngứa ngáy khó chịu. Nhiệt độ cao sẽ làm ức chế quá trình dẫn truyền của các dây thần kinh, từ đó làm giảm cảm giác đau rát, ngứa ngáy. Đồng thời hỗ trợ trị viêm, kháng khuẩn nhờ tinh chất từ muối và đinh lăng.
Hướng dẫn sử dụng:
- Chuẩn bị 100g lá đinh lăng tươi, 50g muối biển.
- Rửa sạch đinh lăng, để ráo nước trước khi cho lên chảo sao nóng với muối biển.
- Bạn sao lá đinh lăng với muối cho tới khi lá chuyển qua màu vàng và có mùi thơm thì tắt bếp.
- Cho hết phần nguyên liệu vừa được sao nóng vào túi chườm và đắp trực tiếp lên vùng da bị mề đay.
- Nếu ngứa nhiều, hãy thực hiện ngày 2 – 3 lần và giảm liều lượng xuống ngày 1 lần trong trường hợp bị ngứa ít.
Uống nước lá đinh lăng chữa mề đay
Đây là cách chữa mề đay tại nhà đơn giản, dễ thực hiện lại mang đến hiệu quả nhanh chóng. Không chỉ có tác dụng làm mát cơ thể, thanh nhiệt, uống nước lá đinh lăng còn hỗ trợ tiêu viêm, chống ngứa và trị bệnh mề đay từ sâu bên trong cơ thể. Tuy nhiên, cách dùng lá đinh lăng đun thành nước uống không phải đối tượng nào cũng có thể áp dụng, nhất là với trẻ em và phụ nữ có thai nên mọi người cần hết sức lưu ý.
Bên cạnh đó, dùng nước lá đinh lăng sẽ thích hợp với những người bị nóng trong, cơ thể thường xuyên bị mề đay, nổi mẩn ngứa, mụn nhọt. Lúc này, bạn nên uống nước lá đinh lăng đều đặn trong vài ngày để loại bỏ độc tốt, làm mát cơ thể. Ngoài những lợi ích trên thì nước lá đinh lăng còn giúp cải thiện sức khỏe, an thần, thông tia sữa và giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 200g lá đinh lăng tươi, rửa sạch ngâm qua nước muối pha loãng trong ít nhất 5 phút.
- Đun sôi 1 lít nước, bỏ đinh lăng và đun thêm 7 phút.
- Tắt bếp và dùng bã đinh lăng nấu thêm 300ml nước để lấy nước lần 2.
- Sau đó bạn chắt nước ra cốc, chia thành nhiều lần và uống hết trong ngày.
- Nên uống nước lá đinh lăng liên tục trong 3 ngày nếu không thấy đỡ thì chuyển qua áp dụng biện pháp khác.
Kết hợp lá đinh lăng, rau ngổ với bông lúa rài
Công thức này thường được sử dụng để giảm ngứa, mẩn đỏ trên da do mề đay gây nên. Do có nhiều nguyên liệu, đặc biệt là bông lúa rài nên cách làm này không được áp dụng rộng rãi do tính thời vụ khi trồng lúa. Tuy nhiên, nếu có sẵn những nguyên liệu kể trên thì bạn hoàn toàn có thể áp dụng để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 50g lá đinh lăng, 6 bông lúa rài và 50g rau ngổ điếc.
- Rửa sạch 3 nguyên liệu trên rồi cho vào nồi đun với 1.5 lít nước trong 20 phút.
- Lọc lấy phần nước rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản để uống trong ngày.
- Uống liên tục cho tới khi bệnh mề đay được cải thiện, nhất là tình trạng ngứa ngáy.
Chế biến đinh lăng thành các món ăn
Ngoài những mẹo chữa trên, các bạn có thể tận dụng lá đinh lăng để chế biến thành các món ăn giàu dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Do lá đinh lăng có tính mát nên chúng thường được chế biến kèm với thịt, cá để làm tăng khả năng hấp thu dưỡng chất của cơ thể. Song song với đó, chúng còn được dùng kèm với các loại thực phẩm dễ gây dị ứng để tránh nguy cơ bị ngộ độc, tiêu chảy, đau bụng dữ dội.
Những món ăn được chế biến cùng với lá đinh lăng sẽ thích hợp với những người bị nổi mề đay do nóng trong, suy nhược cơ thể hoặc do dị ứng thức ăn. Dưới đây là 3 công thức chế biến lá đinh lăng thành món ăn được nhiều người áp dụng nhất:
- Canh đinh lăng nấu tôm: Chuẩn bị 100g tôm đã được sơ chế, 1 nắm lá đinh lăng tươi. Tôm đem ướp với tiêu, bột ngọt, chút muối trong 5 – 7 phút. Đun sôi khoảng 1 lít nước, cho tôm vào, khi nước sôi, bạn vớt bọt rồi cho lá đinh lăng vào, đậy kín nắp và tắt bếp. 3 – 5 phút sau, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi dùng ngay khi canh còn nóng. Lưu ý không dùng canh nấu tôm cho người bị dị ứng hải sản.
- Nấu cháo đinh lăng cùng tim heo: Nguyên liệu gồm có 1 quả tim heo, 1 nắm lá đinh lăng, 3 nắm gạo tẻ cùng các gia vị liên quan. Bỏ gạo và nước vào nồi nấu cho chín, bỏ tim heo đã được sơ chế, cắt lát vào hầm đến khi mềm. Tiếp đó, bạn cho lá đinh lăng đã được thái nhỏ vào, khuấy đều, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp. Hãy dùng cháo nấu cùng đinh lăng và tim heo khi còn nóng sẽ giúp hỗ trợ trị bệnh tốt hơn.
- Món canh sườn non đinh lăng: Hãy chuẩn bị 200g sườn ngon, 200g lá đinh lăng tươi cùng hành khô và gia vị mắm, muối cần thiết. Tiến hành sơ chế nguyên liệu bằng cách đun sôi sườn cho chín mềm , cho hành và gia vị vừa ăn. Khi nước sôi cần vớt bọt để nước sườn được trong hơn (nếu có). Tiếp đó, bạn cho lá đinh lăng vào, đậy kín nắp và tắt bếp. 5 phút sau lấy canh sườn non với đinh lăng ra bát và ăn cùng cơm nóng.
Cần lưu ý gì khi dùng lá đinh lăng chữa mề đay?
Khi áp dụng các mẹo chữa mề đay bằng lá đinh lăng, ngoài việc tuân thủ theo hướng dẫn, đảm bảo sử dụng đúng tần suất, liều lượng thì bạn cần nắm thêm những lưu ý sau:
- Lựa chọn nguyên liệu sạch, không dùng lá đinh lăng đã bị hư hỏng, sâu bệnh. Bên cạnh đó nên rửa sạch lá trước khi áp dụng các biện pháp để tránh bị kích ứng, viêm nhiễm.
- Hiệu quả chữa mề đay bằng lá đinh lăng bị hạn chế do đây là nguyên liệu tự nhiên. Do đó, chúng chỉ thích hợp để áp dụng cho những trường hợp bị mề đay nhẹ, nếu bạn bị ngứa ngáy dữ dội kèm theo các triệu chứng bất thường khác thì nên tới bệnh viện để được hỗ trợ xử lý.
- Tuyệt đối không dùng lá đinh lăng chữa mề đay với những trường hợp đang bị lở loét, nổi mụn mủ hoặc có vết thương hở.
- Sau một thời gian áp dụng các mẹo chữa mề đay tại nhà mà không có dấu hiệu cải thiện tốt hoặc bệnh có xu hướng tiến triển nặng thêm thì nên ngừng sử dụng. Đồng thời tới bệnh viện để thăm khám và dùng thuốc trị mề đay theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài những lưu ý trên, để bệnh nhanh chóng được cải thiện cũng như hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, mọi người cần:
- Nắm rõ các nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh mề đay để tìm cách điều trị hiệu quả, tránh biến chứng không mong muốn. Bởi trong một vài trường hợp, người bị nổi mề đay có thể có hiện tượng khó thở, sốt nhẹ, sốc phản vệ và nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ cao có thể dẫn tới tử vong. Do đó, các bạn cần nắm rõ triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh để có hướng xử lý kịp thời.
- Chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn để tránh gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
- Cần ăn uống khoa học, thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất rất tốt cho sức khỏe cũng như sức đề kháng. Vậy nên bạn nên ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh để giúp cải thiện thể trạng tốt hơn. Đồng thời nên tránh bổ sung những thực phẩm dễ gây dị ứng hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, chất kích thích, nước ngọt có ga,…
- Cân bằng giữa thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi, nên dành mỗi ngày 30 phút để tập luyện thể dục nhằm hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị.
- Vệ sinh cơ thể, phòng ngủ, nhà cửa sạch sẽ và chủ động cách ly với các yếu tố gây dị ứng (nếu có) như lông động vật, phấn hoa, côn trùng,…
- Không mặc đồ quá bó sát, quá chật, hạn chế mặc đồ len và đặc biệt không mặc quần áo khi còn ướt. Lưu ý, cần thấm khô nước trên da sau khi tắm rồi mới mặc quần áo nhằm phòng tránh nguy cơ gây bệnh da liễu khác.
Nhìn chung mẹo dùng lá đinh lăng chữa mề đay là bài thuốc dân gian đơn giản, an toàn mà bạn có thể áp dụng tại nhà để hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh. Để tránh nguy cơ bị mề đay mãn tính, tái phát nhiều lần, mọi người nên tiến hành điều trị ngay khi bệnh mới xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên. Với những trường hợp nặng hơn, người bệnh nên tìm tới các biện pháp điều trị đặc hiệu theo sự tư vấn từ bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!