Nổi Mề Đay
Nổi mề đay là một trong những bệnh dị ứng thường gặp ở mọi lứa tuổi. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng chúng khiến da nổi mẩn kém thẩm mỹ. Kèm theo đó là những cơn ngứa ngáy vô cùng khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt và công việc của người bệnh. Dưới đây là những thông tin chi tiết về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị mề đay hiệu quả.
Nổi mề đay là gì, có bao nhiêu loại?
Mề đay chính là tình trạng cơ thể phản ứng với các tác nhân bên trong hoặc từ bên ngoài gây nên hiện tượng phù tại chỗ. Làn da lúc này sẽ phồng lên, kèm theo triệu chứng ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Nổi mề đay có thể xuất hiện tại một vùng da nhất định hoặc tại nhiều khu vực khác nhau cùng lúc. Chúng thường tồn tại trong khoảng từ 30 phút cho tới 36 giờ.
Bệnh nổi mề đay có 2 giai đoạn là cấp tính và mãn tính. Ở thể cấp tính, bệnh kéo dài không quá 6 tuần và thường bùng phát đột ngột rồi tự biến mất. Còn giai đoạn mãn tính, bệnh kéo dài trên 6 tuần, ngắt quãng theo từng đợt và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn nên cực kỳ khó để điều trị dứt điểm.
Triệu chứng điển hình
Để tránh nhầm lẫn giữa nổi mề đay và các bệnh lý ngoài da khác, các bạn có thể nhận biết bệnh dựa trên những triệu chứng điển hình dưới đây:
- Nổi mẩn đỏ trên da: Nổi mề đay rất dễ nhận biết, bởi trên da sẽ xuất hiện các nốt ban có màu đỏ hoặc trắng. Những nốt mề đay này có nhiều kích thước khác nhau, mới đầu trông khá giống vết muỗi cắn, vết lằn hoặc chằng chịt như màng nhện. Các nốt mẩn sẽ nổi rõ và hằn lên da khi gãi, vuốt ce hoặc cọ sát.
- Ngứa ngáy khó chịu: Tại các vị trí xuất hiện mề đay, người bệnh có cảm giác ngứa ngáy điên cuồng, dữ dội nhất là vào ban đêm, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân, bụng hoặc lưng.
- Nổi mụn nước: Đây là triệu chứng ít gặp, tuy nhiên nếu bệnh trở nặng thì chúng có thể hình thành mụn nước, chảy dịch, gây ra hiện tượng lây lan qua các vùng da bên cạnh.
- Khó thở: Sốc phản vệ, khó thở khi vùng khí quản, thanh quản bị thu hẹp. Điều này sẽ đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu người bệnh không được cấp cứu, chữa trị kịp thời.
- Nhiễm trùng: Là dấu hiệu cho thấy bệnh đang ở giai đoạn báo động, do gãi nhiều, vùng da bị nổi mề đay sẽ trầy xước, tổn thương và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm, hoại tử.
Nguyên nhân nổi mề đay
Tùy theo cơ địa của mỗi người mà những tác nhân gây mề đay cũng có sự khác nhau. Một trong số những nguyên nhân chủ yếu được ghi nhận là:
- Ong, kiến,... là những loại côn trùng có chứa chất độc trong vòi nên khi đốt người, chúng có thể gây ra hiện tượng mề đay.
- Với những người có cơ địa nhạy cảm, họ thường bị dị ứng thời tiết, lông vật nuôi, thuốc, mỹ phẩm hoặc thậm chí là thực phẩm. Sau khi tiếp xúc với các dị nguyên này, người bệnh lập tức có các dấu hiệu dị ứng như nổi mề đay.
- Một số loại vi khuẩn, ký sinh trùng, các loại giun khi xâm nhập vào cơ thể người có thể gây nên hiện tượng mề đay.
- Bệnh tuyến giáp tự miễn, cryoglobulinemia, lupus ban đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh da liễu này.
- Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ bị mề đay hơn so với những trường hợp có bố mẹ, ông bà không có tiền sử mắc bệnh.
Vị trí dễ bị mề đay và đối tượng hay mắc phải
Mề đay xuất hiện ngoài da và chúng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, thông thường chúng sẽ phát triển chủ yếu ở các vùng như: Mặt, mông, chân, tay, cổ. Mề đay có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc lan rộng khắp người, tức nổi mề đay toàn thân.
Dựa theo các số liệu được ghi nhận, trẻ em, phụ nữ mang thai và mẹ bỉm là những đối tượng dễ bị mề đay. Nguyên nhân được cho là do miễn dịch của những đối tượng này chưa hoàn thiện (trẻ em) hoặc đang bị suy giảm, sức khỏe còn yếu (phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh).
Nổi mề đay có nguy hiểm không? Mề đay có lây không?
Do là bệnh lý phổ biến nên nhiều người thường có tâm lý chủ quan trong việc chăm sóc và điều trị. Chỉ tới khi bệnh trở nặng, những bệnh nhân này mới tới bệnh viện để thăm khám và xử lý. Tuy nhiên lúc này, người bệnh có thể phải đối diện với những biến chứng nguy hiểm như:
Cơ thể suy nhược: Cũng bởi các triệu chứng của bệnh khiến người mắc rơi vào tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” nên dễ làm cơ thể bị suy nhược. Bên cạnh đó, năng suất làm việc, học tập cũng bị giảm sút theo.
Nhiễm trùng da: Gãi, chà xát da khi bị ngứa ngáy dễ làm da bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây nên hiện tượng nhiễm trùng, lở loét.
- Bệnh tuyến giáp: Bệnh tuyến giáp tự miễn, suy tuyến giáp thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, đặc biệt là với những đối tượng bị mề đay mãn tính.
- Phù mạch: Là tình trạng mí mắt, môi và miệng sưng phù do phản ứng lại khi cơ thể bị mề đay.,
- Sốc phản vệ: Đây là biến chứng nghiêm trọng gây mề đay, chúng có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng người mắc. Khi xảy ra hiện tượng này, cơ thể bạn sẽ gặp phải các triệu chứng nguy hiểm như khí quản hẹp, huyết áp giảm đột ngột, khó khăn trong việc hô hấp,...
Tuy nhiên, mề đay không phải là bệnh lây nhiễm từ người này qua người khác. Nhưng chúng có thể phát triển thành bệnh mãn tính, gây ra các biến chứng trầm trọng nếu không được can thiệp xử lý, điều trị kịp thời.
Nổi mề đay khi nào cần gặp bác sĩ?
Bị nổi mề đay khi nào cần gặp bác sĩ là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Theo đó, bệnh mề đay được chia thành từng mức độ cụ thể, từ nhẹ tới mức báo động. Nếu da chỉ xuất hiện các triệu chứng gây ngứa ngáy, có các nốt mề đay trên da thì chỉ cần chủ động điều trị ở nhà. Tuy nhiên, nếu mề đay có các dấu hiệu bất thường dưới đây thì bạn cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị. Cụ thể như sau:
- Các triệu chứng nổi mề đay không được cải thiện sau 2 ngày mà có dấu hiệu lan rộng, liên tục tái phát.
- Người bệnh cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, cảm thấy lạnh.
- Có cảm giác khó thở, nhịp tim rối loạn.
- Cảm thấy bất an, bồn chồn.
- Niêm mạc ở vùng miệng, lưỡi, cổ họng, môi sưng to.
- Ngất xỉu.
Nếu gặp các triệu chứng kể trên, rất có khả năng bạn đã rơi vào trạng thái sốc phản vệ và cần được tiến hành cấp cứu ngay lập tức. Để tránh điều đáng tiếc xảy ra, tốt nhất bạn nên chủ động tới gặp bác sĩ khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường.
Phương pháp chẩn đoán
Thăm khám và chẩn đoán sẽ biết chính xác đâu là nguyên nhân gây bệnh, đồng thời đưa ra được phương án điều trị phù hợp, hiệu quả. Được biết, để chẩn đoán mề đay, bác sĩ cần tiến hành cả chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, cụ thể như sau:
Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ da liễu sẽ chẩn đoán lâm sàng thông qua các dấu hiệu sau:
- Tổn thương trên da: Là những nốt phù có kích thích khác nhau, xuất hiện ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Nốt phù có màu hơi đỏ hoặc nhợt nhạt hơn vùng da xung quanh, kích thích lúc to, lúc nhỏ, xuất hiện nhanh và biến mất cũng rất nhanh chóng.
- Mức độ phân bố: Có thể khu trú tại một vài vị trí hoặc lan rộng toàn thân.
- Phù mạch hay phù quincke: Xuất hiện các ban đỏ đột ngột, khiến các khu vực có tổ chức lỏng lẻo như môi, mí mắt, bộ phận sinh dục ngoài bị sưng to. Nếu phù mạch xuất hiện ở thanh quản, ống tiêu hóa sẽ gây ra triệu chứng khó thở, tiêu chảy, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch, đau quặn bụng, nguy hiểm hơn là sốc phản vệ.
- Ngứa ngáy: Phần lớn các trường hợp bị mề đay đều cảm thấy ngứa ngáy, càng gãi càng ngứa và nổi thêm nhiều nốt mẩn khác. Một vài trường hợp bệnh nhân chỉ có cảm giác châm chích hoặc rát bỏng.
- Mức độ tiến triển: Bệnh tái phát thành từng đợt và được chia thành 2 cấp độ, mề đay cấp tính và mãn tính.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Sau khi đã chẩn đoán lâm sàng, để có được kết quả chuẩn xác hơn, các bác sĩ cần tiến hành kiểm tra cận lâm sàng bằng cách:
- Xét nghiệm máu xác định bạch cầu: Nếu chỉ số bạch cầu đa múi ưa axit (EOS) tăng quá ngưỡng 7% cho thấy bạn đang có dấu hiệu bị nhiễm ký sinh trùng, dị ứng. Còn nếu chỉ số bạch cầu múi ưa kiềm (BASO) cao hơn 1.5% cho thấy cơ thể đang bị dị ứng, mắc bệnh bạch cầu hoặc suy giáp.
- Prick test: Là thử nghiệm lẩy da với dị nguyên nghi ngờ như mạt bụi nhà, phấn hoa, lông động vật,...
Cách chữa mề đay hiệu quả, an toàn
Mề đay có thể biến mất hoàn toàn sau vài ngày hoặc không quá 6 tuần. Tuy nhiên nếu là bệnh mề đay mãn tính thì rất khó để điều trị dứt điểm, thay vào đó chỉ có thể điều trị phòng bệnh và hạn chế để bệnh tiến triển nặng hơn. Dưới đây là thông tin hướng dẫn cách chữa mề đay hiệu quả, an toàn mà bạn có thể áp dụng theo:
Mẹo dân gian chữa mề đay an toàn
Với tình trạng mề đay nhẹ, khu trú tại một vài vị trí và không có dấu hiệu lây lan khắp cơ thể. bạn hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, để giúp xoa dịu các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là cảm giác ngứa ngáy, bệnh nhân có thể áp dụng một số mẹo chữa như sau:
- Dùng nha đam: Là nguyên liệu có tác dụng làm mát, thanh nhiệt, giải độc, chống viêm. Cách chữa mề đay bằng nha đam khá đơn giản, người bệnh chỉ cần bỏ vỏ, cạo lấy phần thịt nha đam đắp hoặc bôi lên vùng da đang bị mề đay. Bạn nên thực hiện nhiều lần trong ngày ( 2 - 3 lần) để làm giảm ngứa, loại bỏ các nốt sần.
- Chườm lạnh: Để giảm các cơn ngứa ngáy, bệnh nhân có thể sử dụng khăn vải bọc đá viên rồi chườm lên vùng da bị mề đay trong 15 phút để làm mát da. Cách chườm lạnh giảm ngứa này thích hợp với những trường hợp bị mề đay do da nhạy cảm hoặc do dị ứng thời tiết.
- Trầu không: Với các hoạt chất chống viêm như chavicol hay phenol mà trầu không có tác dụng chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài gây ra tình trạng ngứa ngáy. Theo đó, bạn có thể nấu nước lá trầu không để tắm và dùng lá trầu chà nhẹ lên vùng da có mề đay. Kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ thấy tình trạng ngứa ngáy khó chịu cải thiện một cách đáng kể.
- Lá khế: Ngoài công dụng giải độc, làm mát, lá khế còn được ứng dụng để điều trị bệnh ngoài da như rôm sảy hay mề đay. Bạn sử dụng 1 nắm lá khế rang nóng, đắp vào vùng mẩn ngứa hoặc đun lá khế lấy nước tắm đều được. Lưu ý, cần áp dụng cẩn thận để tránh làm da bị bỏng hoặc tổn thương.
- Lá hẹ: Đây là loại rau có tính ấm, vị chua với công dụng giải độc, chống viêm, kháng khuẩn tốt. Bên cạnh đó, chúng còn chứa một hàm lượng lớn vitamin B, khoáng chất với tác dụng làm sạch, hồi phục tổn thương trên da. Cách chữa mề đay bằng lá hẹ khá đơn giản, trước tiên cần rửa sạch lá hẹ, xay nhuyễn cùng 1 ít muối trắng, cho vào trong bông gạc và chườm lên vùng da bị mề đay hoặc đun nước để tắm.
Thuốc Tây điều trị
Khác với các mẹo dân gian tại nhà, thuốc Tây có thế mạnh hơn nhờ khả năng ngăn chặn tức khắc các triệu chứng khó chịu do nổi mề đay gây ra. Tùy theo từng tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc uống, thuốc bôi hoặc kết hợp cả hai loại. Những nhóm thuốc chữa mề đay phổ biến hiện nay có thể kể đến như:
- Thuốc bôi ngoài da trị mề đay có chứa corticoid như Eumovate,...
- Thuốc kháng Histamin H1 như Loratadin, Chlopheniramin,...
- Thuốc Glucocorticoid như methylprednisolone, Prednisone,...
Khi điều trị bằng thuốc Tây, khả năng tái phát mề đay là rất cao nên cơ thể sẽ dễ bị phụ thuộc vào thuốc dẫn tới việc nhờn thuốc. Chưa kể, bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn nếu dùng trong thời gian dài. Gan, thận lúc này cũng cần hoạt động tăng cường để đào thải các chất có trong thuốc, lâu dần có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa, suy gan, suy thận.
Bị nổi mề đay kiêng gì, ăn gì sớm khỏi bệnh?
Bổ sung dinh dưỡng, ăn uống hợp lý, đủ chất dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy quá trình chữa bệnh hiệu quả. Ngược lại, nếu dung nạp thực phẩm không lành mạnh có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của bệnh. Vậy khi bị mề đay, người bệnh nên ăn gì và kiêng gì?
Thực phẩm nên ăn
Những thực phẩm tốt cho da, góp phần cải thiện bệnh mề đay hiệu quả phải kể đến như:
- Rau xanh: Đây là nhóm thực phẩm lành mạnh chứa nhiều vitamin, chất xơ giúp cơ thể tăng sức đề kháng cực kỳ hiệu quả. Những trường hợp đang bị mề đay, các bạn nên bổ sung rau xanh vào chế độ ăn uống mỗi ngày để giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa cũng như bảo vệ chức năng gan tốt hơn.
- Thực phẩm giàu vitamin C: Ưu tiên sử dụng các thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, cà chua, nho, dâu tây, kiwi,... để giải phóng histamin, ngăn chặn mề đay lan rộng và khiến da bị tổn thương nghiêm trọng thêm.
- Thực phẩm chứa omega 3: Omega 3 tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng cấu trúc da, giúp da mịn màng, khỏe mạnh, tránh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Bổ sung Omega 3 vào chế độ ăn uống sẽ giúp phục hồi tế bào bị tổn thương, kiểm soát triệu chứng trên da cũng như giúp ngừa bệnh lan rộng.
- Thực phẩm kháng viêm: Tỏi, nghệ, hành đều có chứa các chất chống viêm, kháng khuẩn nên thường được khuyến khích dùng trong trường hợp đang gặp các vấn đề về da như mề đay. Với nhóm nguyên liệu này, bạn có thể kết hợp chúng với các món ăn thường ngày để gia tăng hiệu quả cải thiện bệnh lý.
Thực phẩm cần kiêng
Bên cạnh những thực phẩm cần tích cực bổ sung, người bị mề đay cũng cần tránh sử dụng những loại đồ ăn sau:
- Muối, đường: Khi ăn thực phẩm có chứa nhiều muối và đường sẽ kích thích thần kinh ngoại biên, tăng áp lực cho thận và khiến tình trạng mẩn đỏ khó kiểm soát hơn.
- Hải sản: Là nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng, tuy nhiên chúng lại có chứa protein parvalbumin dễ gây dị ứng, nổi mẩn. Chưa kể, người bị dị ứng hải sản không chỉ xuất hiện tình trạng phát ban, nổi mẩn đỏ ngoài da mà còn tác động tới hệ tiêu hóa, gây phản ứng toàn thân, có nguy cơ dẫn tới tử vong nếu bị sốc phản vệ.
- Chất kích thích: Tránh dùng thuốc lá, rượu bia, nước ngọt có ga vì chúng sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến bệnh trở nặng và khó điều trị.
- Thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ: Những thực phẩm này khi đi vào cơ thể không chỉ tác động xấu tới sức khỏe mà chúng còn ảnh hưởng tới sức khỏe của làn da. Đồng thời làm tăng nguy cơ tổn thương, viêm nhiễm trên diện rộng khi đang bị bệnh da liễu, đặc biệt là mề đay.
Biện pháp phòng ngừa nổi mề đay
Như đã chia sẻ ở trên, bệnh mề đay hình thành do nhiều nguyên nhân khác như dị ứng thực phẩm, dị ứng thời tiết, dị ứng thuốc hoặc do mắc các bệnh lý,... Vậy nên để phòng ngừa bệnh, các bạn cần tránh tiếp xúc với các tác nhân, dị nguyên. Đồng thời nên:
- Loại bỏ các thực phẩm dễ gây dị ứng hoặc đã từng bị dị ứng ra khỏi chế độ ăn uống của bản thân. Thay vào đó là những thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tương đương.
- Bảo vệ da trước các ảnh hưởng từ môi trường như ánh nắng, khói bụi cũng như luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi trời trở lạnh.
- Tránh để côn trùng cắn hoặc nên sử dụng các loại thuốc chống côn trùng để xua đuổi chúng hiệu quả.
- Nếu cơ thể bị dị ứng với các tác nhân bên ngoài môi trường như phấn hoa, bụi mịn, cao su hoặc thậm chí là nước hoa, lông động vật,... tốt nhất nên hạn chế tiếp xúc để tránh nguy cơ bị dị ứng cũng như phát ban mề đay.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin E, vitamin C, vitamin K, arginine giúp gan thải độc amoniac và các chất có hại ra ngoài cơ thể.
- Những thực phẩm hoặc gia vị cay nóng, rượu bia, chất kích thích sẽ khiến da bị tổn thương nghiêm trọng và giảm sức đề kháng.
- Hạn chế sử dụng hóa mỹ phẩm, ưu tiên dùng mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da có thành phần nhẹ dịu, an toàn và thân thiện với làn da.
- Tránh gãi hay chà xát da mạnh khi cơ thể bị ngứa rát, khó chịu.
- Khi thấy làn da xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì nên tới bệnh viện thăm khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thay vì tự ý mua và sử dụng thuốc tại nhà.
Chữa mề đay ở đâu tốt nhất?
Muốn chữa trị dứt điểm, người bệnh nên tìm tới những địa chỉ phòng khám, bệnh viện uy tín và chất lượng. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều cơ sở y tế lớn nhỏ phục vụ người dân, tuy nhiên không phải địa chỉ nào cũng đủ khả năng, độ uy tín để thực hiện. Do đó, chúng tôi sẽ gợi ý đến bạn một số địa chỉ chữa mề đay hiệu quả, an toàn, chất lượng nhất hiện nay để bạn tham khảo khi có nhu cầu:
- Bệnh viện Da liễu Trung ương làm từ 7h - 16h30 chiều, tọa lạc tại số 15A Phương Mai, phường Phương Mai, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại 024 3222 2944.
- Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu làm việc từ 6h30 - 18h hàng ngày, nằm tại số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại 0-24 3869 3731.
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội làm việc từ 7h - 16h30 các ngày từ thứ 1 - thứ 6, từ 7h - 12h ngày thứ 7, chủ nhật nghỉ. Thăm khám tại bệnh viện bạn cần di chuyển tới số 1 đường Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại 1900 6422.
- Bệnh viện Da liễu TPHCM làm việc từ thứ 2 tới thứ 7, các ngày trong tuần khám từ 7h - 16h và từ 7h30 - 15h vào thứ 7 và chủ nhật. Viện nằm tại số 2 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3, TPHCM. Điện thoại (028)39 301 396.
- Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM làm việc từ thứ 2 tới thứ 7, nghỉ chủ nhật từ 5h - 16h30 các ngày, riêng thứ 7 chỉ làm tới 11h30 sáng. Bệnh viện tọa lạc tại số 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM. Điện thoại (8428) 3855 4269.
Nổi mề đay hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bạn có đủ kiến thức về bệnh cũng như điều trị bệnh đúng cách. Mong rằng những thông tin được chia sẻ phía trên sẽ giúp các bạn chăm sóc bản thân và ứng phó bệnh hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!