Viêm Nha Chu Cấp
Viêm nha chu cấp là bệnh lý rất nhiều người gặp phải hiện nay, nếu kéo dài có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì và làm sao để điều trị bệnh hiệu quả, cũng như ngăn ngừa tái phát? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để có đáp án chính xác cho những câu hỏi này.
Tổng quan về bệnh viêm nha chu cấp
Nha chu theo định nghĩa khoa học là tổ chức xung quanh răng, gồm có nướu, men chân răng, xương ổ răng và phần dây chằng. Nhiệm vụ của cơ quan này là đảm bảo răng được giữ vững chắc trên cung hàm. Đặc biệt phần nướu răng sẽ ôm sát lấy răng nhằm bảo vệ phần mô nhạy cảm phía dưới và ngăn ngừa nguy cơ vi khuẩn tấn công.
Viêm nha chu cấp là tình trạng viêm nhiễm dạng cấp tính tại các tổ chức quanh răng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc nâng đỡ răng và khiến chân răng bị mất liên kết với tổ chức nâng đỡ.
Vào thời gian đầu, bệnh viêm nha chu chỉ ảnh hưởng đến phần mô mềm và nướu răng. Tuy nhiên, nếu để kéo dài sẽ tác động xấu với khung răng. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, tình trạng này dễ gây rụng răng, thậm chí làm mất răng vĩnh viễn.
Nguyên nhân dẫn đến viêm nha chu cấp là gì?
Tình trạng viêm nha chu cấp có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, gồm cả chủ quan và khách quan. Dưới đây là một số lý do chủ yếu gây ra bệnh lý răng miệng nguy hiểm này:
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lý về răng miệng, trong đó có tình trạng viêm nha chu cấp. Bởi nếu khoang miệng không được làm sạch sẽ khiến các mảng bám thức ăn tích tụ trên răng, kéo dài lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công nướu và gây viêm nướu. Tình trạng viêm nướu bị nhiễm trùng sẽ gây ra bệnh viêm nha chu cấp. Trường hợp này còn làm sưng mủ và gây tổn thương đến những vùng nướu xung quanh răng.
- Do hút thuốc lá: Theo thống kê, những người thường xuyên sử dụng thuốc lá có nguy cơ mắc viêm nha chu cao hơn người bình thường. Nguyên nhân do chất nicotin trong thuốc lá có khả năng làm lây lan viêm nhiễm nhanh chóng sang các vùng mô xung quanh răng. Chính điều này đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu cấp.
- Thay đổi nội tiết tố: Những bé gái trong độ tuổi dậy thì khi tới chu kỳ kinh nguyệt hoặc phụ nữ trong giai đoạn mang thai thường gặp phải tình trạng rối loạn nội tiết tố. Điều này sẽ trực tiếp dẫn đến sức đề kháng của cơ thể yếu đi và bệnh viêm nha chu dễ tái phát nghiêm trọng hơn.
- Di truyền: Nếu trong gia đình có bố mẹ hoặc người thân từng mắc bệnh lý về răng miệng như viêm nha chu, sâu răng, viêm lợi nổi hạch,... thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng cao hơn người bình thường.
- Nguyên nhân khác: Bên cạnh đó, những người đang mắc các bệnh lý như ung thư, tiểu đường,... có hệ miễn dịch bị suy yếu sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm cao hơn, gồm cả viêm nha chu cấp.
Những biểu hiện cụ thể của tình trạng viêm nha chu cấp
Mặc dù không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, nhưng nếu viêm nha chu cấp không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc đầu tiên bạn cần làm là nắm rõ các biểu hiện của bệnh để nhận biết chính mình có đó đang bị viêm nha chu cấp không thông qua các dấu hiệu dưới đây:
- Triệu chứng rõ ràng nhất khi bị viêm nha chu cấp là nướu bị sưng tấy, có màu đỏ sẫm và chỉ cần một tác động nhẹ vào cũng có thể gây chảy máu.
- Răng tại vùng bị viêm nha chu sẽ lộ ra bên ngoài dài hơn các răng bên cạnh, do lúc này lợi bị tụt, không bám chắc và làm lộ chân răng.
- Xung quanh răng xuất hiện nhiều mảng bám cao răng, khi để lâu không làm sạch, lớp vôi răng sẽ tích tụ ngày càng nhiều.
- Khi ăn nhai đồ ăn sẽ có cảm giác đau buốt răng, hàm, vì vậy người bệnh sẽ có xu hướng nhai ở bên không đau nhức.
- Tình trạng viêm nha chu cấp kéo dài có thể khiến răng bị lung lay, chạm tay vào bạn cảm thấy răng như đang muốn rụng ra.
- Nướu bị sưng viêm phồng thành cục nhỏ, nghiêm trọng hơn có thể làm mưng mủ vàng hoặc trắng đục. Vào lúc này người bệnh có thể xuất hiện tình trạng hơi thở có mùi hôi vô cùng khó chịu.
- Ngoài ra, trong một số trường hợp khi quan sát kỹ sẽ thấy khoảng cách giữa các răng có thể rộng hơn và xuất hiện các kẽ răng. Thêm nữa, người bệnh bị viêm nha chu còn bị rối loạn khớp cắn, suy yếu chức năng ăn nhai.
Nhìn chung, tình trạng viêm nha chu cấp có thể dễ dàng nhận biết qua việc ăn uống và vệ sinh răng miệng hàng ngày. Việc sớm phát hiện thông qua các dấu hiệu đặc trưng sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Phương pháp điều trị hiệu quả
Nhìn chung, viêm nha chu cấp là bệnh lý khá nguy hiểm, do đó cần được điều trị kịp thời để tránh gây mất răng. Hơn nữa, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu để vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào máu thông qua mô nướu sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan khác như phổi, tim và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Chính vì vậy, việc điều trị viêm nha chu được xem là nhu cầu cấp thiết hàng đầu hiện nay. Hiện nay, bệnh lý này cũng có rất nhiều phương pháp chữa, cụ thể gồm có mẹo dân gian tại nhà, dùng thuốc hoặc điều trị tại nha khoa. Dưới đây là thông tin cụ thể về từng phương pháp, bạn có thể tham khảo:
Mẹo dân gian tại nhà
Một trong những phương pháp chữa viêm nha chu cấp được nhiều người tin tưởng và áp dụng hàng đầu hiện nay là mẹo dân gian tại nhà. Được biết biện pháp này đã tận dụng được các nguyên liệu thiên nhiên có sẵn trong tự nhiên với cách thực hiện vô cùng đơn giản, ai cũng có thể làm được. Hơn nữa còn giúp người bệnh tiết kiệm chi phí và đảm bảo độ an toàn, lành tính cao.
Một số mẹo dân gian cho người bị viêm nha chu cấp gồm có:
Cây lược vàng
Đây là một trong những nguyên liệu phổ biến hàng đầu của nhiều bài thuốc dân gian Việt Nam. Do cây lược vàng có chứa các chất kháng sinh tự nhiên, nhờ đó giúp tiêu viêm và kháng khuẩn tốt.
Cách thực hiện:
- Các bạn thái nhỏ 2 - 3 lá cây lược vàng sau khi đã được rửa sạch, để ráo nước.
- Đem phơi khô nguyên liệu rồi cho vào bình ngâm rượu khoảng 1 tháng.
- Mỗi lần sử dụng, người bệnh chỉ cần ngậm dung dịch trong khoảng vài phút, sau đó nhổ đi.
- Súc miệng lại nhiều lần với nước sạch để đảm bảo loại bỏ hết rượu thuốc.
- Với cách chữa này, người bệnh nên kiên trì thực hiện đều đặn sau mỗi bữa ăn để đạt kết quả tốt nhất.
Dùng lá lốt
Lá lốt là loại cây quen thuộc ở nước ta mà bạn có thể dễ dàng tìm mua ở bất kỳ đâu. Loại rau này mang đến công dụng loại bỏ vi khuẩn, đào thải độc tố, cũng như giảm sưng viêm rất tốt.
Cách thực hiện:
- Bạn rửa sạch 15 - 20 lá lốt với nước muối loãng nhằm loại bỏ sạch sẽ vi khuẩn và bụi bẩn.
- Xay nhỏ nguyên liệu này, sau đó cho thêm vào một chút muối biển và nước ấm.
- Tiếp đó dùng một chiếc khăn mềm, sạch để lọc nước cốt.
- Dùng phần nước thu được bôi trực tiếp lên vùng chân răng bị viêm.
- Kiên trì thực hiện đều đặn 2 - 3 lần/tuần nhằm nhanh đạt được hiệu quả như mong muốn.
Lá trầu không
Kết hợp rượu trắng với lá trầu không là một trong những cách chữa viêm nha chu cấp, hôi miệng, chảy máu chân răng được nhiều người tin tưởng áp dụng từ xa xưa. Được biết trong lá trầu chứa nhiều hoạt chất kháng sinh tự nhiên, nhờ đó giúp làm giảm tình trạng sưng tấy hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Các bạn giã nát khoảng 2 - 3 lá trầu không, sau đó đem trộn với một chén rượu trắng.
- Để hỗn hợp thu được trong 10 phút, đến khi cặn lắng xuống thì gạn lấy phần nước trong và dùng để súc miệng.
- Chia hỗn hợp này thành hai lần sử dụng, mỗi lần súc miệng cách nhau ít nhất 15 phút. Kiên trì thực hiện đều đặn 2 - 3 lần liên tục trong ngày.
Các phương pháp điều trị viêm nha chu tại nhà chỉ cho hiệu quả tạm thời, giúp đẩy lùi mọi triệu chứng bệnh và cần có sự tham khảo, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng. Hơn nữa, nếu sau một thời gian dài sử dụng, bạn không thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm thì cần đi khám nha khoa để được hướng dẫn.
Trị viêm nha chu cấp tại phòng khám nha khoa
Điều trị viêm nha chu cấp tại các cơ sở y tế nha khoa được thực hiện bởi đội ngũ các bác sĩ, nha sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn cao. Mục tiêu của quá trình này là làm sạch triệt để các túi mủ xung quanh răng và giảm thiểu tối đa tổn thương xương hàm.
Phương pháp không phẫu thuật
Nếu tình trạng viêm nha chu vẫn đang trong giai đoạn có thể kiểm soát được, chưa diễn biến quá nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ thực hiện những phương pháp không phẫu thuật hạn chế xâm lấn như:
- Sử dụng thuốc kháng viêm: Một số loại thuốc kháng sinh dùng tại chỗ hoặc viên nén uống thường được sử dụng trong trường hợp này nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn. Cụ thể gồm có gel bôi có chứa kháng sinh, kháng sinh dạng đường uống, thuốc kháng sinh chứa minocycline, nước súc miệng diệt khuẩn,...
- Lấy cao răng: Các bác sĩ tiến hành cạo vôi răng, loại bỏ các vi khuẩn gây viêm nhiễm khỏi bên dưới nướu và bề mặt răng. Quá trình này sẽ được thực hiện với các dụng cụ laser chuyên khoa hoặc thiết bị sóng siêu âm.
- Bào láng răng (Root planing): Đây là thủ thuật không xâm lấn được thực hiện với mục đích ngăn chặn quá trình tích tụ cao răng và ngăn ngừa vi khuẩn gây viêm. Đồng thời nó còn hỗ trợ cho quá trình chữa lành các vết thương trên bề mặt răng.
Phương pháp phẫu thuật
Trong trường hợp viêm nha chu cấp có dấu hiệu tiến triển nghiêm trọng và các phương pháp điều trị cơ bản không mang đến tác dụng, các bác sĩ có thể chỉ định tiến hành phẫu thuật nha khoa. Điều này nhằm giúp kiểm soát bệnh không lây lan sang các vị trí khác trên xương hàm. Cụ thể gồm có:
- Phẫu thuật giảm túi: Hay còn được gọi là phương pháp Flap surgery, được thực hiện bằng cách bác sĩ rạch các vết nhỏ dưới nướu răng. Sau khi làm lộ chân răng, họ sẽ thực hiện quá trình lấy vôi răng và bào láng gốc răng viêm nha chu.
- Ghép mô: Khi viêm nha chu diễn tiến đến giai đoạn cấp sẽ làm cho phần lợi chân răng bị lộ rõ ràng. Chính vì vậy, các bác sĩ cần thay thế mô nướu mới để giữ và bảo vệ răng luôn mạnh khỏe. Phẫu thuật ghép mô liên kết sẽ được thực hiện bằng cách lấy một lượng nhỏ mô thích ứng từ vòm miệng hoặc vùng da khác gắn lại vào vị trí mất nướu. Sau khi tiến hành phương pháp này, các bạn sẽ thấy tổn thương dần được phục hồi và chân răng không còn bị lộ như trước, đồng thời tăng tính thẩm mỹ cho hàm răng.
- Ghép xương tái tạo mô: Phương pháp phẫu thuật trị viêm nha chu cấp này thường được thực hiện khi phần xương xung quanh chân răng đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng phục hồi. Vào lúc này, các bác sĩ sẽ lấy những mảnh xương nhỏ trên cơ thể người bệnh hoặc phần xương tổng hợp để tiến hành cấy ghép xương răng. Sau khi ghép xương răng sẽ giúp cố định một phần răng, ngăn ngừa tình trạng rụng răng và tạo nền tảng cần thiết để xương được tái tạo lại.
Hướng dẫn biện pháp phòng ngừa viêm nha chu cấp
Như đã biết, tình trạng viêm nha chu cấp có khả năng xuất hiện từ rất sớm với tỉ lệ mắc cao và không loại trừ một ai. Chính vì vậy, bên cạnh việc điều trị bệnh, vấn đề dự phòng giữ vai trò quan trọng hơn cả.
Được biết nguyên nhân gây viêm nha chu cấp chủ yếu là do vi khuẩn, do đó để phòng tránh bệnh, bạn cần chú ý đến các vấn đề sau:
- Đánh răng đều đặn và thường xuyên mỗi ngày 2 lần, hoặc sau mỗi bữa ăn chính. Đồng thời chú ý thực hiện đúng cách để răng lợi sạch sẽ, loại bỏ triệt để các mảng bám tích tụ trên răng, ngăn ngừa hôi miệng sâu răng tốt hơn.
- Tránh chải răng theo chiều ngang vì như vậy khó có thể làm sạch được các mảng bám ở khe răng, hay viền nướu. Tốt nhất là dùng loại bàn chải lông mềm, chải dọc theo viền nướu đến bờ cắn.
- Các bạn nên sử dụng thêm chỉ nha khoa và máy tăm nước để lấy đi các mảng bám, mảnh vụn thức ăn ở kẽ giữa răng tối ưu nhất.
- Các bạn nên sử dụng loại kem đánh răng chứa nhiều flour để bổ sung lượng canxi cần thiết cho răng miệng.
- Tuyệt đối không dùng tăm xỉa răng đâm xuyên qua các khe răng, nhằm tránh gây hở khe răng. Điều này có thể làm chảy máu, thưa răng và lâu dần dẫn đến viêm nướu.
- Súc miệng đều đặn hàng ngày cùng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng chuyên dụng. Điều này sẽ giúp cho răng miệng luôn được sạch sẽ, thơm tho, tránh vi khuẩn phát triển.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc lá, uống nhiều cà phê hay rượu bia.
- Chú ý thăm khám nha khoa định kỳ thường xuyên để nắm rõ tình hình sức khỏe, kịp thời phát hiện các tình huống xấu và có hướng điều trị phù hợp.
Bài viết trên đây đã chia sẻ tới các bạn một số thông tin liên quan đến tình trạng viêm nha chu cấp, cũng như hướng dẫn cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Mong rằng với những kiến thức hữu ích này, độc giả đã hiểu hơn về bệnh lý và chủ động trong việc thăm khám nha khoa kịp thời.
ĐỪNG BỎ LỠ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!