Viêm Nướu Răng Ở Trẻ Em
Viêm nướu răng ở trẻ em là một bệnh nha khoa rất phổ biến do trẻ em chưa tự ý thức được việc chăm sóc răng miệng hàng ngày. Tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe của bé nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân và triệu chứng viêm nướu răng ở trẻ em
Viêm nướu răng ở trẻ em rất thường gặp trong các bệnh lý về nha khoa. Đây là một tình trạng viêm nhiễm kích hoạt tại các lớp mô mềm quanh răng. Tuy không ảnh hưởng đến nha chu nhưng nếu không điều trị có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân gây bệnh
Do trẻ nhỏ chưa tự ý thức được việc chăm sóc răng miệng đúng cách hàng ngày nên thường gặp các vấn đề về nha khoa nhiều hơn ở người lớn. Đối với tình trạng viêm nướu răng có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:
- Do mọc răng: Tình trạng viêm nướu thường xảy ra khi trẻ mọc răng và có tính chất tạm thời. Do trong quá trình mọc răng, thức ăn dễ tích tụ vào răng gây ra những mảng bám vi khuẩn. Hiện tượng này thường gặp trong giai đoạn trẻ thay răng từ 6 đến 7 tuổi.
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Trẻ nhỏ thường chưa tự vệ sinh được răng miệng hoặc nếu vệ sinh thường không đúng cách. Do đó, nếu trẻ vệ sinh không sạch, dùng bàn chải quá mạnh cũng dẫn đến tổn thương nướu răng.
- Viêm nướu răng ở trẻ do Herpes nguyên phát: Đây là hiện tượng viêm lợi phồng rộp - một dạng nhiễm trùng cấp tính do virus Herpes gây ra.
- Bị tưa lưỡi: Đây là bệnh lý do nấm Candida gây ra. Loại nấm này thường cư trú trong khoang miệng, không gây bệnh nhưng nếu đề kháng của bé kém cũng dẫn đến bị viêm nhiễm.
- Do vấn đề ăn uống: Nếu chế độ ăn uống của bé bị thiếu chất hoặc thiếu lành mạnh cũng làm tăng nguy cơ gặp phải vấn đề về răng miệng.
Triệu chứng viêm nướu răng ở trẻ em
Các triệu chứng viêm nước răng ở trẻ nhỏ thường được chia làm các giai đoạn cụ thể. Ở mỗi giai đoạn, viêm nướu lợi sẽ có những triệu chứng bệnh khác nhau. Cụ thể:
- Trong giai đoạn 1: Đây là giai đoạn viêm nhiễm mới khởi phát, có hiện tượng sưng lợi chảy máu chân răng. Cha mẹ nên chú ý đến những dấu hiệu này để can thiệp sẽ giúp bé nhanh khỏi hơn.
- Giai đoạn 2: Bước vào giai đoạn 2, tình trạng viêm nhiễm ở nướu răng sẽ nặng dần lên. Các loại thức ăn thừa nếu bị tích tụ trong khoang miệng sẽ gây nhiễm trùng, lợi bị sưng đỏ nhiều, chảy máu và gây đau nhức. Cùng với đó, trẻ bị viêm lợi sưng má, xuất hiện mùi hôi miệng nặng vô cùng khó chịu
Tuy viêm nướu răng ở trẻ em là bệnh thường gặp, có thể không gây quá nhiều phiền toái khi phát hiện ở giai đoạn sớm. Nhưng nếu ba mẹ chủ quan không cho con đi thăm khám cũng như không có biện pháp khắc phục, bệnh sẽ diễn tiến nặng nề hơn, gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Viêm lợi có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của men răng, răng dễ bị sâu hơn và ngả màu. Cùng với đó, nếu bị nhiễm trùng nặng, hiện tượng viêm nhiễm sẽ lan ra tổ chức quanh răng, khiến răng lung lay và khiến trẻ bị mất răng.
Một số biến chứng nguy hiểm của viêm nướu răng ở trẻ em
Ban đầu, viêm nướu răng sẽ không làm hỏng răng của bé nhưng nếu bạn để tình trạng này kéo dài mà không kịp thời xử lý thì cuối cùng có thể dẫn tới nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của trẻ. Các biến chứng phổ biến có thể xảy ra không điều trị viêm nướu răng kịp thời như sau:
- Nhiễm trùng lan rộng: Tình trạng viêm nướu răng ở trẻ em sẽ nặng lên theo thời gian, dẫn tới việc sưng tấy đỏ và viêm nhiễm lan rộng ra các khu vực lân cận làm tăng nguy cơ biến chứng nhiễm trùng nặng. Tình trạng này có thể diễn tiến âm thầm vì vậy phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các triệu chứng của con như chảy máu, sưng tấy đỏ, thủng mô.
- Tiêu xương hàm, tổn thương mô quanh răng: Giai đoạn nghiêm trọng hơn là khi vi khuẩn gây ra viêm nhiễm bắt đầu tấn công vào chân răng, xâm nhập vào phần lợi bao lấy chân răng và bạn có thể quan sát thấy mủ ở cổ răng. Trong thời gian này, tất cả các mô xung quanh răng như dây chằng, xương ổ răng của bé đã bị tổn thương và dần dẫn đến tiêu xương hàm.
- Răng lung lay, mất răng: Nếu mô đục lỗ hoặc các răng hỗ trợ khác bị hư hỏng, răng của bé sẽ dần dần lỏng lẻo. Tình trạng này nếu để kéo dài thêm một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng mất răng sớm ở trẻ, cùng với đó là nhiều hệ lụy của việc mất răng.
Các cách điều trị bệnh hiệu quả, an toàn cho bé
Việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, ngăn ngừa được những biến chứng của viêm nướu răng ở trẻ em. Do vậy, khi điều trị bệnh cho bé, ba mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:
Các biện pháp nha khoa hiện đại
Cách tốt nhất để điều trị viêm nướu răng cho bé là cho bé đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Ở các giai đoạn sớm, các bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách loại bỏ cao răng, mảng bám giảm vi khuẩn, kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Cùng với đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn chải răng, sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng đúng cách mỗi ngày.
Trong trường hợp viêm nướu răng đã bước vào giai đoạn 2, các bé có thể được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc sau đây để kiểm soát bệnh:
- Kamistad: Trong loại thuốc này có thành phần giảm đau, chống viêm rất tốt. Thuốc chống viêm này được dùng dưới dạng gel bôi. Ba mẹ cần vệ sinh khoang miệng cho bé, sau đó lau khô vùng lợi và bôi 1 lớp mỏng thuốc lên lợi 3 lần mỗi ngày.
- Ceelin: Đây là loại thuốc hỗ trợ việc điều trị viêm lợi bằng cách bổ sung vitamin C, ngăn ngừa chảy máu chân răng cũng như tăng đề kháng cho bé.
- Sử dụng xanh Methylen: Đây là dung dịch sát trùng rất lành tính, thường được sử dụng để trị viêm nướu răng ở trẻ.
Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh cho bé. Tuy nhiên, khi dùng bất cứ loại thuốc nào, ba mẹ cũng phải sử dụng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và theo dõi sát sao, thông báo với bác sĩ những triệu chứng bất thường để điều chỉnh kịp thời.
Hỗ trợ điều trị bằng mẹo dân gian tại nhà
Song song với việc điều trị bằng thuốc do bác sĩ kê đơn, ba mẹ có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn, nhanh khỏi bệnh hơn bằng cách áp dụng phương pháp hỗ trợ cải thiện viêm nướu răng ở trẻ em tại nhà như sau:
- Cho bé dùng nước muối súc miệng: Nước muối có tác dụng kháng viêm, sát trùng, chống khuẩn rất mạnh mẽ và rất lành tính với trẻ nhỏ. Do vậy, nếu được súc miệng với nước muối mỗi ngày, bệnh nướu răng của bé sẽ được cải thiện.
- Dùng tinh dầu sả pha loãng: Ngoài nước muối, ba mẹ có thể dùng thêm tinh dầu sả pha loãng để ức chế hoạt động của hại khuẩn trong khoang miệng, cải thiện mùi hôi miệng cho bé. Ba mẹ nên dùng khoảng 2 giọt tinh dầu sả, pha loãng với 250ml nước rồi súc miệng trong vòng 30 giây. Nên duy trì việc súc miệng từ 2 đến 3 lần mỗi ngày.
Lưu ý cách phòng ngừa viêm nướu răng ở trẻ em
Trẻ em thường gặp phải vấn đề về răng miệng nhiều hơn người lớn, nhất là tình trạng viêm nướu răng. Vì thế, để phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe cho bé tốt hơn, các bậc cha mẹ nên hết sức lưu ý:
- Khi trẻ dưới 3 tuổi chưa tự vệ sinh răng miệng được, ba mẹ cần vệ sinh cho con bằng cách dùng gạc y tế để quấn vào ngón tay trỏ, nhúng vào nước sôi để nguội rồi chà răng, nướu cho bé. Lưu ý cần thực hiện hết sức nhẹ nhàng, tránh tổn thương niêm mạc của bé.
- Khi trẻ đã tự vệ sinh được răng miệng, ba mẹ phải hướng dẫn con vệ sinh răng miệng đúng cách. Nên dùng kem đánh răng và bàn chải chuyên dụng dành riêng cho bé.
- Cần sử dụng các loại bàn chải nhỏ, có lông mềm, có thể làm sạch các vị trí kẽ răng và thay bàn chải cho con 3 tháng mỗi lần.
- Bên cạnh việc đánh răng, ba mẹ phải dùng thêm chỉ nha khoa để loại bỏ đồ ăn thừa, mảng bám ở kẽ răng.
- Khuyến khích con sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng hàng ngày, làm sạch khoang miệng.
- Hạn chế cho con dùng quá nhiều bánh kẹo, nước ngọt. Cần xây dựng cho con một chế độ ăn uống khoa học, giúp bổ sung khoáng chất, vitamin để tăng cường đề kháng.
- Ba mẹ có thể phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh lý răng miệng cho con bằng cách cho con đi khám nha khoa định kỳ 6 tháng mỗi lần.
- Cần điều trị sớm các bệnh lý như sâu răng, sún răng ở trẻ ngay cả khi trẻ chưa thay răng.
- Ba mẹ phải hết sức lưu ý đến giai đoạn thay răng của bé. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm, dễ gặp phải các vấn đề về răng miệng.
Trên đây là những thông tin mà ba mẹ cần biết về bệnh viêm nướu răng ở trẻ em. Để có thể giúp con phát triển khỏe mạnh và vui vẻ, ba mẹ nên chú ý đến sức khỏe răng miệng cho con nhiều hơn và can thiệp kịp thời khi trẻ có những triệu chứng bệnh nha khoa bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!