Vảy Nến Thể Mảng
Vảy nến thể mảng là một căn bệnh da liễu gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Những tổn thương lan rộng ra toàn bộ cơ thể khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy, đau rát, mệt mỏi. Hơn nữa đây là một căn bệnh dễ tái phát và rất khó điều trị triệt để. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị hiệu quả nhất.
Vảy nến thể mảng là gì?
Vảy nến thể mảng là một thể bệnh phổ biến nhất của vảy nến. Đây là một căn bệnh da liễu có tính tự miễn, xuất hiện do quá trình sản xuất tế bào bị rối loạn, khiến da bị đóng vảy và bong tróc. Người mắc phải căn bệnh này thường xuất hiện những mảng hồng ban kèm theo vảy trắng lan rộng trên toàn cơ thể. Chúng dễ dàng bong ra khỏi bề mặt da giống như lớp vảy và gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Vảy nến thể mảng là một căn bệnh da liễu mãn tính và rất dễ tái phát. Vì vậy để chữa trị dứt điểm căn bệnh này là điều hoàn toàn không thể. Tuy nhiên bệnh lý này tương đối lành tính và có thể kiểm soát được bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống, sinh hoạt. Bất kỳ ai cũng có thể là đối tượng mắc bệnh vảy nến thể mảng, bao gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên nhóm đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này nhất là từ 10-30 tuổi.
Dựa trên những tổn thương trên da, bệnh vảy nến thể mảng được chia thành 2 cấp độ khác nhau bao gồm:
- Tổn thương da ít: Diện tích tổn thương da nhỏ hơn 10% diện tích da trên cơ thể. Tình trạng này khá nhẹ và dễ dàng được kiểm soát bằng các loại thuốc bôi ngoài da.
- Tổn thương da lan rộng: Diện tích tổn thương lan rộng lớn hơn 10% diện tích da trên cơ thể. Bệnh diễn biến nghiêm trọng kèm theo tình trạng chảy dịch mủ, viêm nhiễm, đau nhức xương khớp. Khi đó người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Vảy nến thể mảng có rất nhiều dấu hiệu nhận biết. Ở người lớn và trẻ nhỏ đều có những biểu hiện đồng nhất. Vảy nến thể mảng có thể gây tổn thương tại nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể. Một số biểu hiện điển hình có thể kể đến như:
- Các mảng da bị tổn thương có màu đỏ, kích thước từ 5-10cm hoặc lớn hơn.
- Vùng da bị tổn thương khá cứng, nổi cộm và có giới hạn rõ so với những vùng da khác.
- Bề mặt vùng da bị vảy nến có nhiều lớp vảy trắng như sáp nến.
- Vảy trắng tồn tại thành nhiều lớp, dễ bong, có thể dùng tay để cạo ra.
- Các lớp vảy tăng sinh nhanh, càng cạo càng bị bong vảy.
- Người bệnh có thể bị ngứa ngáy, nhất là những vùng da đang bị tổn thương.
Nguyên nhân gây bệnh
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến căn bệnh vảy nến thể mảng tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tế bào lympho T nhận nhầm tế bào khỏe mạnh là kẻ thù và tấn công chúng. Từ đó dẫn đến những bất thường trong quá trình miễn dịch và làm tăng sinh tế bào thượng bì. Thông thường, một chu chuyển của tế bào thượng bì kéo dài từ 20-30 ngày. Tuy nhiên ở những người bị vảy nến thể mảng, chu kỳ này chỉ dao động từ 2-4 ngày, khiến da bị bong tróc, dày sừng và đóng thành vảy trắng.
Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ khác như sau:
- Do di truyền: Nghiên cứu về gen di truyền cho thấy người bị vảy nến đều có gen gây bệnh nằm trên nhiễm sắc thể số 6.
- Chấn thương cơ học: Những chấn thương do tai nạn, bỏng, ma sát, đè nén,... có thể kích hoạt các tế bào gây viêm, tạo điều kiện cho các yếu tố trung gian gây bệnh dẫn đến tăng sinh tế bào sừng.
- Do viêm nhiễm: Các bệnh do virus ARN và liên cầu khuẩn gây ra như viêm họng, viêm amidan,... thường có men sao mã ngược, làm phát sinh bệnh vảy nến thể mảng.
- Rối loạn chuyển hóa da: Da của người bị vảy nến có chỉ số sử dụng oxy cao gấp nhiều lần so với bình thường. Tình trạng này thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào thượng bì, gây rối loạn chuyển hóa và làm rút ngắn thời gian chu chuyển của các tế bào thượng bì còn lại.
- Căng thẳng thần kinh: Căng thẳng stress là một trong những yếu tố khởi phát bệnh vảy nến và khiến bệnh phát triển mạnh mẽ.
- Yếu tố khác: Bệnh vảy nến cũng có thể xuất hiện do người bệnh bị rối loạn nội tiết tố, rối loạn chuyển hóa đường đạm, suy giảm hệ miễn dịch, thể trạng suy nhược, tiếp xúc với hóa chất mỹ phẩm…
Điều trị bệnh vảy nến thể mảng
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh vảy nến thể mảng tận gốc, triệt để. Các biện pháp được áp dụng hiện nay chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng của bệnh. Điều quan trọng là người bệnh cần sử dụng đúng loại thuốc và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tăng nhanh hiệu quả điều trị và làm giảm tác dụng phụ của thuốc.
Một số phương pháp điều trị bệnh vảy nến thể mảng bạn có thể tham khảo áp dụng như:
Điều trị bằng thuốc
Người bệnh trước tiên sẽ được điều trị bằng liệu pháp tại chỗ, trường hợp bệnh nặng sẽ áp dụng liệu pháp toàn thân. Liệu pháp tại chỗ đó là dùng các loại thuốc bôi ngoài da. Thường được áp dụng cho những người bị bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Trong khi những bệnh nhân bị bệnh vảy nến ở mức độ nghiêm trọng sẽ được bác sĩ ưu tiên cho dùng thuốc uống hoặc liệu pháp quang trị liệu.
Sử dụng thuốc bôi
Một số loại thuốc bôi ngoài được sử dụng như: Dẫn xuất vitamin D, corticoid dạng bôi, calcipotriol, anthralin, thuốc có chứa thành phần retinol, kem urea, kem chứa salicylic…
Trong đó dẫn xuất vitamin D là thuốc được dùng nhiều nhất trong điều trị bệnh vảy nến thể mảng. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa sự tăng sinh tế bào ở lớp thượng bì, làm giảm quá trình sừng hóa. Tuy nhiên người bệnh cần dùng thuốc đúng liều lượng và đúng cách. Không nên bôi quá 100g/tuần bởi nó có thể gây ngộ độc cho người bệnh.
Ngoài ra, thuốc corticoid cũng được dùng để điều trị bệnh vảy nến thể mảng. Loại thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch, kháng viêm, giảm ngứa, ngăn ngừa sự tăng sinh của tế bào sừng. Tuy nhiên loại thuốc này cũng tiềm ẩn rất nhiều tác dụng phụ không tốt như: Teo da, nhạt màu da, dị ứng, kích ứng, ngứa rát, khô da, rậm lông, rạn da, giảm sắc tố trên da. Bạn cần dùng thuốc đúng cách, đúng liều lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Một số loại thuốc bôi khác có chứa retinoid, urea, salicylic,... được sử dụng với mục đích làm mềm da, ngăn ngừa khô da, ngứa ngáy, bong tróc.
Thuốc uống toàn thân
Các loại thuốc uống toàn thân được sử dụng khi diện tích vùng da bị tổn thương lan rộng hoặc có tình trạng viêm đau khớp kèm theo. Một số loại thuốc được sử dụng trong trường hợp này có thể kể đến như Methotrexate, Retinoid, Cylosporin hoặc các loại thuốc sinh học như: Adalimumab, etanercept, infliximab, thuốc kháng histamine tổng hợp, vitamin A, B12, C, H3, Biotin và viên uống bổ sung.
Những loại thuốc được sử dụng cho đường uống sẽ có tác dụng giqamr ngứa, cải thiện tổn thương trên da, điều hòa quá trình tăng trưởng của tế bào biểu bì. Tuy nhiên người bệnh khi sử dụng phải uống theo đơn thuốc của bác sĩ. Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ cho cơ thể như sưng môi, rụng tóc, viêm kết mạng, khô miệng,....
Quang hóa trị liệu
Liệu pháp ánh sáng là cách điều trị sử dụng tia cực tím UV nhân tạo để ức chế các chất gây viêm và bình thường hóa quá trình tăng sinh của các tế bào da. Phương pháp này từ lâu đã được công nhận là có lợi cho việc kiểm soát các tổn thương do bệnh vảy nến thể mảng gây ra.
Cụ thể, bác sĩ sẽ dùng các tia cực tím B (UVB) phổ hẹp, tia UVB phổ rộng, tia cực tím A (PUVA) và psoralen dạng uống hoặc tắm ngoài da. Liệu pháp ánh sáng thường được thực hiện 3 lần/tuần trong giai đoạn điều trị. Khi bệnh đã dần thuyên giảm có thể giảm xuống mỗi tuần 1 lần và 2 tuần 1 lần để duy trì.
Mặc dù phương pháp này tương đối an toàn, ít gây độc hại cho cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, khi lựa chọn cách chữa bệnh bằng quang hóa trị liệu bạn cần lưu ý rằng tia cực tím có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa da kèm theo đó là một số tác dụng phụ như nổi phỏng nước, ngứa da, đỏ da, buồn nôn thậm chí là làm tăng nguy cơ gây ung thư da.
Chăm sóc da tại nhà
Ngoài việc dùng thuốc người bệnh cũng cần kết hợp với biện pháp chăm sóc tại nhà để thúc đẩy nhanh quá trình điều trị bệnh. Từ đó hạn chế được việc dùng thuốc nhằm tránh nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ không mong muốn.
Một số phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến thể mảng tại nhà có thể kể đến như sau:
- Tắm nước ấm: Nước ấm giúp làm mềm da, hỗ trợ loại bỏ các mảng vảy trên da một cách dễ dàng. Bên cạnh đó phương pháp này còn giúp làm giảm ngứa ngáy, kích ứng, viêm da. Mỗi ngày bạn chỉ cần tắm nước ấm 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ để bệnh nhanh khỏi.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm có tác dụng cấp ẩm cho da, ngăn ngừa hiện tượng da khô, bong tróc, đóng vảy. Ngoài ra, sản phẩm này có tác dụng tăng cường độ săn chắc cho làn da, giảm tăng sinh tế bào thượng bì và phục hồi màng lipid của tế bào.
- Tắm nắng: Vitamin D có trong ánh nắng mặt trời có tác dụng giảm viêm, ngăn ngừa sự tăng sinh quá mức của tế bào sừng. Thời gian thích hợp để bạn tắm nắng là từ 6-9h sáng, mỗi ngày tắm nắng từ 10-15 phút. Bạn nhớ trong quá trình tắm nắng không cần phải dùng khẩu trang, mũ, áo hoặc kem chống nắng.
- Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng, stress thần kinh là yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh vảy nến thể mảng. Vì vậy để hỗ trợ điều trị căn bệnh này, bạn cần dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn và giảm khối lượng công việc. Từ đó giúp cân bằng lại tâm trạng của mình.
Điều trị bằng mẹo dân gian
Ngoài các phương pháp trên, người bệnh cũng có thể áp dụng mẹo điều trị dân gian để cải thiện bệnh vảy nến thể mảng tại nhà.
Sử dụng cây muồng trâu
Muồng trâu giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, rất thích hợp để điều trị bệnh vảy nến và nhiều căn bệnh ngoài da khác. Sử dụng cây muồng trâu đun nước tắm giúp đẩy lùi tình trạng ngứa ngáy, bong vảy trên da. Người bệnh chỉ cần dùng khoảng 10 lá muồng trâu, 20 ngọn rau răm, đem rửa sạch và đun cùng 2 lít nước để tắm. Mỗi ngày thực hiện 1 lần bệnh vảy nến thể mảng sẽ được cải thiện, trả lại cho bạn làn da mịn màng, khỏe mạnh.
Dùng cây lược vàng
Cây lược vàng là vị thuốc quý được dân gian sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh da liễu. Trong thành phần của cây lược vàng có chứa chất chống oxy hóa, chống viêm nhiễm giúp giảm ngứa ngáy, bong tróc và ngăn ngừa hiện tượng sưng viêm. Người bệnh chỉ cần xay nhuyễn cây lược vàng và đắp thuốc lên vùng da bị tổn thương. Thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ những lớp da vảy nến hiệu quả.
Dùng lá trầu không
Lá trầu không có tính ấm, vị cay nồng, mùi thơm hắc, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, kháng khuẩn, sát trùng. Nguyên liệu này thường được dùng để điều trị bệnh ngoài da như vảy nến, viêm da cơ địa, hắc lào, lang ben, mề đay, mẩn ngứa,... Người bệnh chỉ cần dùng 1 nắm lá trầu không, đem rửa sạch và đun sôi với 2 lít nước trong. Dùng nước này pha thêm với nước lạnh vừa đủ để tắm. Mỗi ngày thực hiện một lần, làn da sẽ giảm ngứa ngáy, sần sùi, bong tróc hiệu quả.
Sử dụng muối biển chết
Muối Biển Chết là loại muối được khai thác từ vùng Biển Chết. Trong thành phần của loại muối này có chứa nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể như Natri, Bromua, Lưu huỳnh, Magie, Canxi, Kẽm, I-ốt… Do đó nguyên liệu này có khả năng giảm viêm, điều trị ngứa ngáy mẩn đỏ, làm dịu da, dưỡng ẩm, cải thiện tuần hoàn máu, giúp da mịn màng, khỏe mạnh hơn. Người bệnh chỉ cần pha một ít muối Biển Chết với nước ấm và ngâm cơ thể trong vòng 15 phút. Sau khoảng 1 tháng, làn da của bạn sẽ được cải thiện rõ rệt, giảm sưng đỏ rõ rệt.
Ngăn ngừa bệnh vảy nến thể mảng tái phát
Bệnh vảy nến nói chung và vảy nến thể mảng nói riêng rất dễ tái phát. Vì vậy người bệnh cần chủ động phòng ngừa bằng một số lưu ý sau:
- Không được chà sát mạnh lên vùng da bị tổn thương. Điều này sẽ tạo điều kiện để vết thương lan rộng và gây viêm.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước, hạn chế dùng đồ cay nóng, dầu mỡ, nhiều đường, muối, chất bảo quản,...
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước ngọt có gas.
- Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để giúp tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể, giúp bạn luôn khỏe mạnh.
- Thư giãn tinh thần, hạn chế căng thẳng kéo dài bằng cách điều chỉnh khối lượng công việc, đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
- Thường xuyên giặt giũ chăn màn và lau dọn phòng ngủ để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc và các tác nhân gây bệnh khác.
- Vào mùa hanh khô bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm để giúp làn da được cấp ẩm đầy đủ không bị khô nẻ, bong tróc.
- Nên sử dụng các loại sữa tắm có thành phần dịu nhẹ để bảo vệ da, tránh gây kích ứng.
- Thường xuyên thay quần áo, mặc các loại trang phục rộng rãi, thoáng mát, không gây bí bách.
Như vậy bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn căn bệnh vảy nến thể mảng. Hy vọng những chia sẻ này sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. Tuy nhiên để tránh chậm trễ trong việc điều trị, người bệnh ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của cơ thể cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!