9 Lợi Ích Của Giấc Ngủ Đối Với Sức Khỏe Tổng Quát
Giấc ngủ là chìa khóa để con người có sức khỏe tốt, duy trì cân nặng khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường,… Bên cạnh đó, chúng cũng hỗ trợ tăng cường sự tập trung, giúp bạn ghi nhớ tốt. Để hiểu hơn về lợi ích của giấc ngủ với sức khỏe cũng như cách rèn luyện thói quen ngủ sớm, các bạn có thể tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.
9 lợi ích của giấc ngủ với sức khỏe con người
Ngủ là trạng thái cơ thể được nghỉ ngơi một cách tự nhiên theo một chu kỳ của tâm trí và cơ thể. Lúc này, mắt sẽ nhắm lại, ý thức bị mất hoàn toàn hoặc bị mất một phần do đó làm giảm khả năng vận động, khả năng phản ứng của cơ thể với các kích thích từ bên ngoài. Tuy nhiên việc ngủ đủ 7 – 8 tiếng hàng ngày lại mang tới vô vàn lợi ích.
Dưới đây là 9 lợi ích của giấc ngủ đối với sức khỏe mà bạn cần nắm được để tự chủ động xây dựng cho mình thói quen ngủ lành mạnh, khoa học hơn. Chi tiết như sau:
Cải thiện hệ miễn dịch
Giấc ngủ sâu, ngủ đủ giấc góp phần quan trọng vào quá trình tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Trong quá trình ngủ sâu, cơ thể chúng ta sẽ được trẻ hóa, các tổn thương nhanh chóng hồi phục nhằm tăng cường hệ miễn dịch.
Sau khi chìm vào giấc ngủ một giờ, chu kỳ ngủ sâu sẽ diễn ra. Đây cũng là lúc cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn, nhịp tim và nhịp thở chậm rãi. Vậy nên, để có một sức khỏe tốt, hạn chế nguy cơ mắc bệnh vặt, các bạn cần tránh thức khuya và ngủ đủ giấc.
Tăng khả năng tập trung, ghi nhớ
Các nghiên cứu về tác dụng của giấc ngủ với cơ thể đã chỉ ra rằng, giấc ngủ đóng vai trò như một “liều thuốc” giúp phục hồi toàn bộ thể trạng, tăng sức đề kháng và trí não. Mất ngủ, thiếu ngủ khiến cơ thể không đủ sản xuất hormone nội tiết tố điều chỉnh chức năng như thèm ăn, ham muốn tình dục, sự trao đổi chất, huyết áp, tim mạch, nhiệt độ, nhịp sinh học,… Từ đó dẫn tới các bệnh mãn tính như mệt mỏi, đau nhức cơ thể, bệnh huyết áp, tiểu đường,…
Với trí nhớ, mất ngủ chính là “thủ phạm” khiến bạn khó ghi nhớ mọi thứ và khó tập trung suy nghĩ hay đưa ra quyết định. Nghiên cứu và thí nghiệm khoa học về não bộ cho biết, não sẽ ghi nhớ bằng cách phát lại và quá trình này diễn ra trong giai đoạn ngủ sâu thuộc chu kỳ NREM sóng chậm. Chính nhờ sự phát lại này mà chúng ta có thể ghi nhớ được những điều đã xảy ra.
Lợi ích của giấc ngủ là giúp giảm nguy cơ tăng cân
Giảm nguy cơ tăng cân cũng là một trong những lợi ích của giấc ngủ mà chúng ta cần đề cập đến. Việc ngủ đủ giấc giúp cơ thể tiết ra hormone Leptin có vai trò ngăn chặn cảm giác đói cũng như báo hiệu cho cơ thể rằng bạn đã no.
Vì thế, ngủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày giúp chúng ta giảm cảm giác thèm ăn vặt, ăn khuya. Đồng thời hạn chế dung nạp những thực phẩm không lành mạnh như đồ hộp, thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường để kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn.
Ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim
Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Những người ngủ ít hơn 7 giờ mỗi ngày sẽ có nguy cơ tử vong do mắc bệnh tim mạch cao hơn 13%. So với ngủ đủ 7 giờ, cứ giảm 1 giờ ngủ, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sẽ tăng lên 6%.
Chưa kể, giấc ngủ ngắn còn làm tăng nguy cơ huyết áp cao, nhất là ở những người bị mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Theo đó, người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có khả năng bị bệnh cao huyết áp cao hơn 61% so với người ngủ đủ 7 – 8 tiếng.
Phòng tránh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) có khả năng hình thành ở những người có thói quen ngủ ít hơn 6.5 tiếng mỗi ngày. Bởi khi mất ngủ, những đối tượng này có tỷ lệ kháng insulin cao hơn so với người ngủ đủ 7.5 tiếng/ngày.
Cho những bạn chưa biết, kháng insulin là tình trạng tế bào cơ thể không thể đáp ứng bình thường với insulin. Bên cạnh đó, thức khuya còn làm giảm quá trình chuyển hóa đường huyết, tăng cảm giác thèm ăn dẫn tới tăng cân, béo phì – nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường.
Ngủ đủ giấc giúp tinh thần sảng khoái
Giấc ngủ chất lượng giúp não bộ nghỉ ngơi, phục hồi cũng như điều chỉnh hormone ảnh hưởng tới tâm trạng như dopamine, serotonin. Từ đó cải thiện khả năng quản lý cảm xúc và mức năng lượng mà bạn có. Do đó, việc thức dậy với tinh thần sảng khoái có thể tác động tích cực đến trạng thái cảm xúc của bạn.
Tăng ham muốn tình dục
Có không ít nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc chứng rối loạn cương dương cao ở những bệnh nhân nam có hội chứng ngưng thở khi ngủ (47.1% – 80% tùy từng nghiên cứu). Một số nghiên cứu khác cũng cho biết, rối loạn cương dương có liên quan tới sự giảm độ bão hòa oxy tối thiểu.
Tuy nhiên, cơ chế tương tác giữa hội chứng ngưng thở khi ngủ và rối loạn cương dương vẫn chưa rõ ràng. Song vẫn có nhiều lý thuyết cho rằng việc ngủ không đủ gây thiếu hụt testosterone, gây rối loạn chức năng nội mô mạch máu, dẫn tới rối loạn cương dương.
Ở nữ giới, các phân tích cho thấy người ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày có ham muốn tình dục cao hơn vào ngày hôm sau. Thời gian ngủ tăng thêm 1 giờ tương ứng với tỷ lệ quan hệ tình dục với bạn tình tăng lên 14%. Cũng theo đó, nếu thiếu ngủ hoặc ngủ lâu hơn thì khả năng tình dục vào ngày hôm sau sẽ kém hơn.
Cải thiện khả năng sinh sản
Lợi ích của giấc ngủ tiếp theo mà ít người biết đó là tăng khả năng sinh sản. Trên thực tế, khả năng sinh sản và giấc ngủ có mối liên hệ với nhau. Theo đó, não giúp điều chỉnh các hormon của chu kỳ giấc ngủ cũng như kích hoạt giải phóng các hormone sinh sản.
Chính vì thế, nếu thức khuya, mất ngủ trong thời gian dài, hormone liên quan tới quá trình rụng trứng ở nữ và hormone sản xuất tinh trùng ở nam sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó tác động tiêu cực tới khả năng mang thai và kế hoạch sinh con của các cặp vợ chồng.
Hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ
Trong lúc ngủ sâu, hormone tăng trưởng (GH) sẽ thực hiện công việc làm dày, dài xương ở trẻ. Vì thế nhiều người thường coi hormone GH như một loại thuốc phát triển cơ thể nhưng điều này chỉ đạt được khi cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ và đúng giờ giấc.
Việc không ngủ đủ trong một thời gian ngắn thường sẽ không ảnh hưởng nhiều tới chiều cao. Tuy nhiên nếu mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài sẽ tác động tiêu cực tới sự phát triển toàn diện của cơ thể cũng như chiều cao.
Được biết, thời gian ngủ ở mỗi lứa tuổi là khác nhau, để đạt được chiều cao lý tưởng, trẻ cần ngủ đủ số giờ theo khuyến cáo. Cụ thể như sau:
- Trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi nên ngủ đủ 14 – 17 giờ mỗi ngày.
- Trẻ từ 3 – 11 tháng tuổi cần ngủ 12 – 17 giờ mỗi ngày.
- Trẻ từ 1 – 2 tuổi ngủ 11 – 14 giờ một ngày.
- Trẻ từ 2 – 5 tuổi ngủ từ 10 – 13 giờ một ngày.
- Trẻ từ 6 – 13 tuổi nên ngủ ít nhất 9 – 11 giờ mỗi ngày.
- Độ tuổi thanh thiếu niên từ 14 – 17 tuổi có thể ngủ 8 – 10 giờ.
Thức khuya, thiếu ngủ, mất ngủ có tác hại gì?
Phía trên là những lợi ích của giấc ngủ với sức khỏe con người. Vậy thức khuya, thiếu ngủ, mất ngủ sẽ gây ra những hậu quả gì? Theo đó, nếu không ngủ đủ giấc, giấc ngủ không đảm bảo chất lượng, cơ thể phải đối mặt với những vấn đề như:
- Gây đau đầu, suy giảm trí nhớ: Đối tượng có thói quen thức khuya có tỷ lệ suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường. Bởi buổi tối là lúc não bộ nghỉ ngơi, ghi nhớ lại các hoạt động đã diễn ra vào ban ngày. Song nếu chúng ta thức khuya, lượng thông tin cần ghi nhớ tăng lên nhưng thời gian não nghỉ ngơi lại giảm xuống. Chưa kể, thiếu ngủ, thức khuya còn gây đau đầu, căng thẳng đầu óc vào ngày hôm sau. Từ đó kéo theo tình trạng mất ngủ, hay quên, dễ cáu gắt., hay lo âu.
- Rối loạn nội tiết: Khi ngủ, hormone cân bằng sẽ được tiết ra nhằm giúp cơ thể tránh rơi vào tình trạng rối loạn nội tiết. Nếu thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, lượng hormone này sẽ bị thiếu hụt, mất cân bằng, nhất là đối với nữ giới. Từ đó làm tăng nguy cơ gây rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ u xơ tử cung,…
- Ảnh hưởng tới hệ miễn dịch: Thức khuya, ngủ không đủ giấc là nguyên nhân gây thiếu năng lượng, khiến cơ thể mệt mỏi, suy giảm đề kháng. Do đó, so với những đối tượng ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, người thức khuya thường xuyên rất dễ mắc các bệnh do vi sinh vật hơn như cảm cúm, viêm đường hô hấp,…
- Tác động tiêu cực tới hệ tiêu hóa: Trong lúc chúng ta ngủ, các tế bào niêm mạc dạ dày có thể tự tái tạo, hồi phục. Việc thức quá khuya sẽ khiến những tế bào này không được nghỉ ngơi, làm tăng tiết dịch vị dạ dày dẫn tới viêm loét.
- Suy giảm thị lực: Ban đêm là lúc mắt cần được nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc, nhưng việc thức khuya có nghĩa là mắt phải tiếp tục làm việc. Cộng thêm điều kiện không đủ ánh sáng, lâu dần thị lực sẽ giảm đi đáng kể. Điều này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn với những người thức khuya làm việc nhiều với các thiết bị điện tử. Lúc này mắt phải điều tiết, tiết ra các chất lỏng bôi trơn, nhìn càng lâu, mắt càng bị khô và mỏi.
Cách rèn luyện thói quen ngủ sớm
Để hình thành thói quen ngủ sớm, các bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
- Cài đặt báo thức để đi ngủ sớm, dậy sớm, tốt nhất hãy ngủ trước 23h và dậy lúc 7h sáng hôm sau.
- Không để thiết bị điện tử trong phòng ngủ, nhất là tivi, ipad,…
- Không xem điện thoại, tivi hoặc các thiết bị điện tử khác trước khi đi ngủ 1 tiếng.
- Cố gắng giải quyết hết công việc trên công ty, hạn chế mang việc về nhà.
- Bổ sung những thực phẩm giúp dễ ngủ như việt quất, quả óc chó, cá ngừ, cá hồi, phô mát, rau diếp cá, hạt hạnh nhân,…
- Thiết kế phòng ngủ thông thoáng, vệ sinh phòng ngủ thường xuyên, đảm bảo không gian luôn sạch sẽ, đủ tối và không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh.
- Không sử dụng chất kích thích hay thức uống có chứa caffeine vào chiều muộn, đặc biệt là vào buổi tối.
- Uống các loại trà thảo dược tốt cho giấc ngủ như trà tâm sen, trà hoa oải hương hoặc trà hoa cúc.
- Vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập yoga, đọc sách hoặc nghe nhạc cũng là một trong những cách giúp bạn ngủ sớm hiệu quả.
Trên đây là những lợi ích của giấc ngủ đối với sức khỏe nói chung. Giấc ngủ không chỉ mang tới cảm giác tỉnh táo, giúp bạn học tập – làm việc năng suất hơn mà còn còn giúp cải thiện và phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm. Vậy nên, để đảm bảo thể trạng, tinh thần tốt nhất, các bạn nên duy trì thói quen ngủ sớm, tránh thức khuya.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!