Chóng Mặt Khi Ngồi Xuống: Nguyên Nhân Và Cách Phòng Tránh
Thường xuyên bị chóng mặt khi ngồi xuống, đứng lên là biểu hiện không hề bình thường, thậm chí trong một số trường hợp nó còn cảnh báo về những tình trạng sức khỏe nguy hiểm, cần phải can thiệp và điều trị ngay. Vậy nguyên nhân gây chóng mặt là gì, cách phòng tránh và bảo vệ sức khỏe ra sao, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây.
Nguyên nhân gây ra chóng mặt khi ngồi xuống – đứng lên
Chóng mặt là cảm giác bị mất thăng bằng, khiến bạn thấy chính mình hoặc mọi thứ xung quanh quay cuồng, xoay tròn, lật nhào, dẫn đến việc khó giữ thăng bằng và dễ té ngã. Cơ chế của bệnh khá phức tạp và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:
Người bệnh bị thiếu máu
Những người bị thiếu máu khi đứng dậy, ngồi xuống hay thay đổi tư thế quá nhanh và đột ngột rất dễ bị choáng váng. Thông thường, máu từ tim được đẩy tới các cơ quan trong cơ thể rồi đưa trở về tim, khi đứng máu từ chân sẽ phải chống lại trọng lực để đi tới tim. Chính vì vậy, nếu đang ở tư thế ngồi mà đứng hay bật dậy quá nhanh thì cơ thể không điều chỉnh được việc bơm máu, từ đó làm huyết áp bị giảm xuống một cách nhanh chóng.
Không chỉ vậy, lúc này lưu lượng máu cũng bị giảm, khiến não bị thiếu oxy, khiến chức năng hoạt động của nó suy giảm. Tất cả các yếu tố trên dễ làm sinh ra tình trạng buồn nôn, choáng váng, chóng mặt hoa mắt khi đứng dậy…
Thoái hoá đốt sống cổ
Việc ngồi sai tư thế trong một khoảng thời gian dài rất dễ khiến cho các đốt sống cổ bị thoái hóa. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện các cơn đau kéo dài từ gáy lên đầu hoặc từ cổ xuống phần bả vai. Ban đầu chỉ có cảm giác choáng váng khi ngồi xuống, đứng dậy, nhưng lâu dần thì rất dễ dẫn tới gián đoạn lưu thông máu, tay chân tê nhức, yếu ớt. Thoái hoá đốt sống cổ kéo dài có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng, do vậy bạn cần trao đổi với bác sĩ nếu thấy hoa mắt, chóng mặt liên tục.
Rối loạn tiền đình
Nhiều người không biết nguyên nhân mình chóng mặt, hoa mắt là gì mà lại bỏ qua bệnh rối loạn tiền đình. Đây là một loại bệnh lý khá phổ biến với các triệu chứng đi kèm là hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, đau đầu, mất thăng bằng khi đang ngồi mà lại đứng lên đột ngột.
Trong khi đó, tiền đình giữ vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể. Chứng rối loạn tiền đình xảy ra khi người bệnh thường xuyên phải chịu căng thẳng, áp lực do công việc, học tập, cuộc sống hàng ngày. Khi đó, tiền đình bị tổn thương sẽ gây ra mất cân bằng về tư thế, dẫn đến chóng mặt khi ngồi, choáng váng. So với người bình thường, thì những người mắc phải bệnh lý này có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn rất nhiều.
Do hạ huyết áp tư thế
Choáng váng khi ngồi hay khi đứng dậy còn là do chứng hạ huyết áp tư thế, tức nó sẽ xảy ra khi bạn đột ngột thay đổi tư thế. Trong các trường hợp này thường kèm theo các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… Một số người bị choáng do hạ huyết áp tư thế trong vài giây là hết, tuy nhiên cũng có rất nhiều người gây ra ngất xỉu. Nguyên nhân dẫn tới chóng mặt, choáng váng trong trường hợp này là do mất nước, thiếu máu, lão hóa, bệnh tim…
Đặc biệt, trong số các nguyên nhân gây chóng mặt do hạ huyết áp tư thế có nhiều tình huống làm tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông và gây ra đột quỵ. Còn đối với người ở độ tuổi trung niên, việc hạ huyết áp tư thế còn dễ gây té ngã, ngất xỉu dẫn tới chấn thương. Ở những trường hợp này, người bệnh nên hạn chế thay đổi tư thế đột ngột, thay vào đó hãy thực hiện động tác một cách chậm rãi, bình tĩnh.
Các bệnh về tim mạch
Tất cả các bệnh lý liên quan tới tim mạch đều có thể gây ra hiện tượng choáng váng mỗi khi ngồi xuống, đứng dậy, bởi nó đóng vai trò quan trọng tới quá trình cung cấp oxy và lưu thông máu lên não. Những người này thường xuất hiện các triệu chứng khá ngoài chóng mặt như: Ù tai, đau đầu, đổ mồ hôi nhiều, mất ý thức…
Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn động mạch dẫn máu lên não có thể phát sinh thành các cơn chóng mặt. Những người thường xuyên bị huyết áp cao cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các cơn đau đầu, hay chóng mặt về chiều, buồn nôn cao hơn so với người bình thường.
Cơ thể thiếu sắt
Đối với lứa tuổi dậy thì bị chóng mặt khi ngồi xuống có thể là do cơ thể đang bị thiếu máu do thiếu sắt. Bởi sắt là một khoáng chất thiết yếu, ảnh hưởng tới chức năng và hoạt động của nhiều bộ phận trong cơ thể. Bao gồm cả quá trình tổng hợp huyết sắc tố hemoglobin – chất có vai trò vận chuyển oxy trong máu, cung cấp năng lượng phục vụ cho các hoạt động sống của tế bào.
Chính vì vậy khi cơ thể thiếu hụt lượng sắt cần thiết, sẽ dễ bị mệt mỏi, suy nhược và gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt khi ngồi xuống, đứng lên một cách đột ngột hay ngồi quá lâu. Bên cạnh đó, tác hại của việc thiếu sắt cũng rất đáng quan ngại như: Kém phát triển về thể chất, mất tập trung, hay buồn ngủ, làm ảnh hưởng tới kết quả học tập, công việc…
Chứng rối loạn hô hấp
Chứng rối loạn hô hấp và nhiễm trùng đường hô hấp có thể dẫn tới tình trạng tức ngực, khó thở. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho lượng oxy nạp vào cơ thể bị hạn chế, đồng thời kéo theo các cơn chóng mặt, buồn nôn, choáng váng, đặc biệt là khi vận động đột ngột như đứng lên, ngồi xuống. Một số trường hợp rối loạn hô hấp gây ra hiện tượng này bao gồm rối loạn phổi tắc nghẽn hay hen phù phổi.
Dành riêng cho bạn: Chóng Mặt Sau Khi Ăn: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Hiệu Quả Nhất
Cách khắc phục và phòng ngừa chứng chóng mặt khi ngồi
Với những trường hợp bị chóng mặt khi ngồi dậy là do hạ huyết áp tư thế nặng, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc để nâng áp như midodrine, heptamyl… Tuy nhiên, bạn không nên tự ý mua thuốc uống, thay vào đó chỉ nên sử dụng sau khi đã được thăm khám và có sự chỉ định từ bác sĩ.
Bên cạnh đó, chỉ cần một số thay đổi nhỏ trong thói quen ăn uống, sinh hoạt, làm việc… cũng là biện pháp đơn giản mà hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng chóng mặt, choáng váng. Bạn nên chú ý:
- Ngồi dậy đứng lên một cách từ từ, nhẹ nhàng, hãy chuyển từ tư thế nằm sang ngồi hoặc ngồi sang đứng thật chậm rãi. Đặc biệt là vào lúc thức dậy buổi sáng hay khi tỉnh giấc đi vệ sinh giữa đêm, bởi đây là những thời điểm dễ gây tụt huyết áp nhất.
- Nên nằm ở tư thế kê cao đầu hoặc nâng cao đầu giường sẽ giúp cho cơ thể có khả năng thích ứng nhanh hơn với sự thay đổi huyết áp khi ngồi dậy.
- Khi đang nằm mà muốn ngồi dậy, bạn nên vận động trước khi ngồi bằng cách co duỗi hay chân, cử động các ngón chân và uốn cong bàn chân trước khi dậy. Các động tác này sẽ giúp đẩy máu trở về tim, nhờ đó hạn chế nguy cơ bị hạ huyết áp tư thế.
- Mất nước cũng là nguyên nhân dẫn tới hạ huyết áp, vì vậy bạn nên uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày tùy vào thể trạng. Sau khi ngủ dậy cũng nên uống một cốc nước rồi mới đứng lên rời khỏi giường.
- Vớ nén y khoa là vật có tác dụng làm tăng áp lực lên tĩnh mạch chân, giúp đẩy máu lên phần trên của cơ thể hiệu quả và nâng huyết áp.
- Nếu nghi ngờ các loại thuốc mà bạn đang sử dụng có nguy cơ gây ra chóng mặt, choáng váng khi đứng lên, ngồi dậy hãy nói chuyện ngay với bác sĩ để được đổi thuốc và có biện pháp xử lý thích hợp.
- Trong trường hợp bị hạ huyết áp tư thế và không mắc kèm các bệnh lý về thận hoặc tim, bạn có thể tăng thêm một chút lượng muối ăn trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình để góp phần tăng huyết áp.
- Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm bổ máu vào các bữa ăn hàng ngày như: Củ dền đỏ, củ cải trắng, rau đay, cải bó xôi, rau ngót, đậu, đu đủ, sò huyết, các loại đậu đỏ, gan heo… Phương pháp này sẽ giúp cải thiện tốt lượng máu trong cơ thể và nâng huyết áp lên.
- Nên tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ưu tiên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như: Đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga… để nâng cao sức khỏe.
Việc xác định được chính xác và sớm nhất nguyên nhân gây ra chứng chóng mặt khi ngồi xuống, đứng lên, đồng thời có phương pháp điều trị nhanh chóng, thích hợp sẽ giúp bạn giảm thiểu được những rủi ro không đáng có. Chính vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng đáng ngờ, bạn nên đi khám và nhận sự tư vấn của bác sĩ, đừng bao giờ chủ quan với sức khỏe của bản thân.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!