Ngứa Da Cổ
Ngứa da cổ là triệu chứng thông thường do da kích ứng hoặc đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm trong cơ thể. Do đó, để phát hiện chính xác tình trạng sức khỏe hiện tại và có biện pháp điều trị phù hợp, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị ngay khi có những dấu hiệu bất thường trên da.
Ngứa da cổ là gì?
Ngứa da cổ là tình trạng da vùng cổ nổi mẩn ngứa, sần đỏ. Các nốt này sẽ phân bố rải rác hoặc tập trung thành mảng lớn. Người bệnh theo thói quen thường liên tục gãi mạnh và chà xát khiến da tổn thương, bong tróc, chảy máu, các vết ngứa trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân gây ngứa da cổ
Tình trạng ngứa da cổ do nhiều nguyên nhân, hiện nay các bác sĩ chuyên khoa da liễu phân chia thành 2 nhóm như sau
Do bệnh lý
Ngứa da cổ là bệnh gì? Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến có triệu chứng điển hình gây ngứa ngáy, mẩn đỏ da cổ:
- Viêm da cơ địa: Đây là bệnh lý da liễu khởi phát do nhiều nguyên nhân, có tính cơ địa và di truyền. Bệnh gây các tổn thương trên bất cứ vùng da nào, bao gồm cả cổ. Các triệu chứng phổ biến của viêm da cơ địa và mẩn đỏ, ngứa ngáy, bong tróc da.
- Vảy nến: Là tình trạng tế bào da phát triển quá mức, hình thành các mảng da cộm, bong tróc, ngứa ngáy, nứt nẻ và chảy máu.
- Rôm sảy: Đây là bệnh lý hình thành do ứ đọng bụi bẩn và mồ hôi gây bít tắc lỗ chân lông, thường xuất hiện vào mùa hè và tập trung tại các vùng như cổ, ngực, lưng, trán,... Da người bệnh ngứa, châm chích, có mụn nước nhỏ li ti.
- Bệnh ghẻ, hắc lào: Bệnh xuất hiện do ve hoặc bọ ký sinh trên da, xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, từ cổ đến tay, chân, bụng,... Người bệnh ngứa dữ dội, đặc biệt là ban đêm, thói quen gãi ngứa khiến vùng da nhiễm bệnh lan rộng, hình thành mụn nước hoặc mụn mủ.
- Bệnh về gan: Các bệnh lý về gan khiến chức năng gan suy giảm, dẫn đến các độc tố trong cơ thể không đào thải được ra ngoài, tích tụ gây triệu chứng ngứa ngáy. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị vàng da, vàng mắt, mệt mỏi.
- Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu tăng cao kích thích thần kinh, đồng thời ức chế quá trình đào thải độc tố khiến da khô ngứa, bong vảy.
- Một số bệnh khác: Bị ngứa da cổ còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác như thiếu sắt, bệnh đa xơ cứng, viêm mô tế bào, rối loạn thần kinh.
Do các yếu tố khác
Một số nguyên nhân khác gây mẩn ngứa da cổ như:
- Côn trùng cắn: Nọc của một số loại côn trùng như muỗi, ong, bọ,... có chất độc gây mẩn ngứa, sưng đỏ. Ngoài ra, khi tiếp xúc với lông động vật hoặc phấn hoa cũng sẽ dẫn đến kích ứng ngứa ngáy.
- Do mỹ phẩm: Sử dụng các loại mỹ phẩm không phù hợp cũng khiến da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, thậm chí nổi mụn trứng cá, mụn bọc, mụn mủ.
- Tác dụng phụ của thuốc: Nhiều loại thuốc điều trị bệnh có thành phần dễ gây kích ứng phát ban cho người dùng, đặc biệt là thuốc kháng sinh, thuốc thần kinh, thuốc chống trầm cảm,...
- Căng thẳng stress: Tâm lý căng thẳng kéo dài cũng là nguyên nhân gây kích phát triệu chứng mẩn ngứa trên cổ và khắp cơ thể.
- Vệ sinh da không đúng cách: Việc vệ sinh da cổ chưa đúng cách, không đảm bảo vệ sinh hoặc cọ quá mạnh khiến da mất lớp dầu tự nhiên, dẫn đến khô ráp và ngứa ngáy.
- Điều kiện thời tiết: Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh khiến da dễ kích ứng, đặc biệt ở những người có làn da nhạy cảm. Đặc biệt, triệu chứng nặng hơn khi người bệnh không thực hiện các biện pháp che chắn đúng cách.
Biểu hiện khi da cổ bị ngứa
Tình trạng ngứa da cổ đặc trưng với các biểu hiện như:
- Da ngứa ngáy, cảm giác châm chích rất khó chịu.
- Xuất hiện các nốt sần đỏ, dần dần lan rộng thành cụm.
- Da vùng cổ bị đỏ, sưng tấy nhẹ.
- Vùng da cổ có thể xuất hiện mụn nước, khi gãi mụn nước vỡ và chảy dịch.
- Đau, nóng rát da vùng cổ.
- Da cổ bị khô, dễ bong tróc.
Khi nào cần đến bệnh viện?
Thông thường, ngứa da cổ sẽ thuyên giảm sau khi điều trị bằng các biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến nghị người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám trong những trường hợp sau đây:
- Bị ngứa ngoài da vùng cổ kéo dài trên 2 ngày, thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà không thuyên giảm.
- Da cổ xuất hiện mụn nước, gãi bị loét, chảy dịch vàng và chảy máu.
- Ngứa dữ dội ảnh hưởng đến tinh thần và sinh hoạt hằng ngày.
- Kèm theo nhiều triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, đau đầu, khó thở, đau xương khớp, nước tiểu sẫm màu, da chuyển vàng, đổ nhiều mồ hôi.
Chẩn đoán tình trạng ngứa da ở cổ
Để xác định nguyên nhân gây ngứa da cổ và mức độ bệnh hiện tại, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp chẩn đoán như sau:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra các biểu hiện trên da cổ, đồng thời trao đổi với bệnh nhân về tiền sử bệnh lý, các loại mỹ phẩm và thuốc đang dùng, đồ ăn gần đây và các thói quen sinh hoạt khác. Từ đó xác định sơ bộ nguyên nhân gây mẩn ngứa và đưa ra phương pháp khám cận lâm sàng phù hợp.
- Khám cận lâm sàng: Để xác định chuẩn xác về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu: Chẩn đoán khả năng mẩn ngứa do máu thiếu sắt hoặc do bệnh tiểu đường.
- Xét nghiệm chức năng: Bao gồm chức năng gan, thận và tuyến giáp, giúp xác định mẩn ngứa do các bệnh lý tại cơ quan này không.
- Test dị ứng da: Nhằm đánh giá mức độ mẫn cảm của da và phát hiện tác nhân gây kích ứng da.
- Test huyết thanh: Nhằm xác định bệnh mãn tính tự phát gây ngứa da cổ.
- Chụp X-quang ngực: Giúp bác sĩ phát hiện những bất thường của hạch bạch huyết.
Hướng dẫn điều trị ngứa da cổ
Có nhiều phương pháp điều trị sốt nổi mề đay, tùy mức độ hiện tại bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ phù hợp. Tình trạng ngứa da cổ có thể điều trị tại nhà bằng các mẹo dân gian hoặc cần áp dụng điều trị y tế chuyên sâu. Dưới đây là phương pháp trị ngứa da cổ phổ biến:
Mẹo điều trị tại nhà
Có nhiều mẹo dân gian áp dụng tại nhà để điều trị ngứa da cổ, nhưng cần lưu ý phương pháp này chỉ hiệu quả cho trường hợp ngứa mức độ nhẹ.
- Chườm đá lạnh
Chườm đá lạnh lên vùng da cổ đang bị ngứa sẽ có tác dụng co mạch, giảm triệu chứng ngứa ngáy hiệu quả. Nhưng cần lưu ý, không chườm trực tiếp đá lên da mà cần bọc qua một lớp vải sạch để tránh gây bỏng lạnh.
Cách thực hiện: Chuẩn bị 3 - 5 viên đá lạnh, cho vào túi vải mỏng sạch rồi chườm trực tiếp lên da cổ. Chườm khoảng 10 phút thì lấy đá ra, thực hiện mỗi lần cơn ngứa xuất hiện để giảm triệu chứng này.
- Dùng nha đam
Thành phần trong gel nha đam có nhiều chất chống oxy hóa và chất kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của vi khuẩn, hạn chế bội nhiễm da. Nha đam cũng chứa nhiều vitamin và các acid amin giúp làm dịu da và dưỡng ẩm. Đặc biệt, hoạt chất polyphenol có tác dụng thúc đẩy làm lành tế bào và ngăn ngừa thâm sạm.
Cách thực hiện: Làm sạch da cổ, rửa sạch 1 nhánh nha đam, cắt bỏ phần vỏ xanh và bôi gel trắng lên da. Sau 15 phút rửa sạch lại với nước ấm và thấm khô với khăn sạch.
- Tắm bột yến mạch
Trong yến mạch có lượng lớn khoáng chất kẽm giúp làm dịu vùng da bị mẩn ngứa ở cổ. Đồng thời, các hoạt chất khác trong kẽm như acid ferulic, avenanthramides giúp dưỡng ẩm, giảm khô ráp và tăng cường đề kháng cho da chống lại yếu tố gây dị ứng.
Cách thực hiện: Pha 3 thìa bột yến mạch với nước ấm để tạo hỗn hợp dạng sệt. Làm ướt người, sau đó dùng hỗn hợp bột yến mạch massage lên da. Sau đó tắm sạch lại cơ thể với nước mát.
- Uống nước rau má
Nước rau má có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể và làm mát gan. Nhờ đó, giảm triệu chứng mẩn ngứa da cổ hiệu quả.
Cách thực hiện: Rửa sạch 1 nắm lá rau má, ngâm với nước muối loãng trong 15 phút rồi cho vào máy xay nhuyễn. Lọc lấy nước rau má, thêm 1 ít đường hoặc muối vào khuấy đều cho dễ uống hơn.
- Dùng lá khế
Lá khế chứa các khoáng chất như photpho, magie, sắt, kẽm,... giúp giảm sưng viêm, mẩn ngứa da, đặc biệt là các trường hợp bị viêm da cơ địa, vảy nến, viêm chân lông.
Cách thực hiện: Rửa sạch 1 nắm lá khế, sau đó cho vào cối giã với 1 ít muối hạt. Rửa sạch vùng da cổ đang bị mẩn ngứa rồi đắp hỗn hợp này lên. Sau 15 phút bỏ ra và vệ sinh cổ sạch sẽ.
Điều trị bằng thuốc Tây y
Điều trị Tây y giúp giảm ngứa ngáy, mẩn đỏ nhanh chóng. Do đó phương pháp này thường được bác sĩ ưu tiên áp dụng hiện nay. Các nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị ngứa da cổ chủ yếu là nhóm thuốc điều trị triệu chứng, giúp giảm ngứa ngáy, mẩn đỏ,... Cụ thể, một số thuốc người bệnh thường được bác sĩ kê đơn gồm:
- Thuốc Corticosteroid: Thuốc có tác dụng làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch, ngăn các phản ứng của cơ thể trước tác nhân kích thích, trong đó có phản ứng ngứa ngáy. Một số loại thuốc phổ biến gồm Methylprednisolone, Prednisolone, Betamethasone.
- Thuốc kháng histamin: Nhóm thuốc này có tác dụng kháng histamin (một chất trung gian gây ngứa), từ đó ngăn ngừa triệu chứng ngứa, sưng viêm. Các thuốc kháng histamin phổ biến gồm Promethazin, Loratadin, Desloratadin, Fexofenadine, Cetirizine.
- Thuốc đối kháng thụ thể H2: Có tác dụng thu hẹp mạch máu dưới da, giúp giảm sưng viêm và phù nề. Nhóm thuốc này phổ biến với 2 loại Zantac, Pepcid.
- Thuốc đối kháng thụ thể Leukotriene: Nhóm thuốc này được thay thế khi dùng thuốc kháng histamin không có hiệu quả. Bao gồm các thuốc như Zafirlukast, Montelukast, Pranlukast.
- Thuốc trị ho: Những trường hợp ngứa da cổ kèm triệu chứng ho, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng nhóm thuốc này.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Giúp kiểm soát các triệu chứng nặng của bệnh dị ứng, phổ biến với loại thuốc như Pimecrolimus, Tacrolimus,...
- Thuốc hạ sốt: Một số trường hợp ngứa da cổ kèm triệu chứng sốt. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc này, liều lượng sử dụng sẽ phụ thuộc vào cân nặng của người bệnh, các lần uống cách nhau tối thiểu 6 - 8 tiếng. Thuốc hạ sốt được dùng phổ biến gồm Efferalgan, Paracetamol, Hapacol, Panadol,...
Các loại thuốc Tây điều trị ngứa da cổ thường cho hiệu quả nhanh chóng do thành phần dược tính mạnh. Nhưng cũng chính vì điều này, người bệnh tuyệt đối phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liệu trình, liều lượng, cách uống,... để tránh gây tác dụng phụ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Thuốc đông y trị ngứa da vùng cổ
Phương pháp điều trị bằng Đông y áp dụng các dược liệu tự nhiên giúp giải độc, thanh lọc cơ thể và phục hồi chức năng lục phủ ngũ tạng. Nhờ đó, các triệu chứng mẩn ngứa, sẩn đỏ được cải thiện nhanh chóng. Tùy vào từng triệu chứng cụ thể, người bệnh sẽ được thầy thuốc chỉ định bài thuốc phù hợp. Một số bài thuốc phổ biến dùng trong điều trị ngứa da cổ như:
Bài thuốc số 1
- Nguyên liệu: Kinh giới 30g, cam thảo 20g, phèn phi 15g, xà sàng tử 20g, khổ sâm 30g, đại phi dương 30g, đại hoàng 20g, địa phu tử 30g, địa du 20g.
- Cách thực hiện: Rửa sạch dược liệu, sau đó cho vào nồi đun sôi với nước. Lọc lấy nước thuốc, bỏ phần bã, pha thêm nước lọc để nước thuốc giảm nhiệt. Cuối cùng dùng nước này rửa vùng da cổ đang bị mẩn ngứa.
Bài thuốc số 2
- Nguyên liệu: Bạch tật lê 100g, thương nhĩ tử 100g, dạ giao đẳng 200g, bạch tiên bì 20g, huyền thoái 20g, xà sàng tử 20g.
- Cách thực hiện: Rửa sạch dược liệu, cho vào nồi nấu với nước đến khi sôi. Tiếp theo lọc bỏ bã, chỉ lấy nước thuốc, pha thêm với nước lạnh để hạ nhiệt, sau đó rửa da cổ đang bị mẩn ngứa với nước trong 20 phút, thực hiện đều đặn 2 lần/ngày.
Bài thuốc số 3
- Nguyên liệu cần chuẩn bị: Đương quy 30g, khô sâm 30g, bạc hà 20g, thấu cốt tử thảo 30g, băng phiến 10g, sà sàng tử 20g, bạch tiên trì 20g, hoàng tinh 30g, hoa tiêu 15g, địa phu tử 30g.
- Cách thực hiện: Sơ chế rửa sạch dược liệu, sau đó cho vào nồi đun sôi với 1 lít nước. Lọc lấy nước thuốc, pha thêm nước lạnh giảm nhiệt phần nước thuốc. Mỗi ngày rửa da cổ 2 lần với nước thuốc này để giảm triệu chứng mẩn ngứa.
Bài thuốc số 4
- Nguyên liệu: Đương quy 30g, khổ sâm 30g, bạc hà 20g, băng phiến 10g, sà sàng tử 20g.
- Cách thực hiện: Tương tự như các bài thuốc khác, sau khi sơ chế rửa sạch nguyên liệu, người bệnh đem đun sôi và lấy nước để rửa vùng da cổ đang bị mẩn ngứa.
Lưu ý, mỗi bài thuốc sẽ phù hợp với từng tình trạng ngứa da cổ. Do đó, người bệnh không tự ý bốc thuốc mà cần đến các phòng khám Đông y để thầy thuốc chẩn bệnh và kê đơn chính xác nhất.
Phòng ngừa ngứa da cổ hiệu quả
Để phòng ngừa tình trạng ngứa da cổ nói riêng và ngứa các vùng da khác nói chung, bác sĩ đưa ra một số hướng dẫn như sau:
- Chú ý dọn dẹp không gian sống và làm việc thường xuyên để tránh các tác nhân như bụi bẩn, vi khuẩn, vi trùng không tích tụ gây bệnh ngoài da.
- Lựa chọn trang phục rộng rãi, tránh các loại áo cổ cao gây cọ xát khiến triệu chứng ngứa ngáy nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó nên chọn lựa các loại trang phục có chất liệu thấm hút mồ hôi, vải mềm mại.
- Sử dụng các sản phẩm dưỡng da hoặc sữa tắm có thành phần lành tính, ưu tiên sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên để tránh gây kích ứng cho da.
- Trong trường hợp bị ngứa, tránh sờ và gãi vào khu vực này. Bởi tay chứa rất nhiều vi khuẩn, khi gãi vừa làm tổn thương da, vừa tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, cua, tôm,... Đồng thời ăn nhiều rau củ, trái cây để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, thuốc lá, đồ uống có cồn,...
- Thư giãn, có các hoạt động thể chất lành mạnh để tăng cường sức khỏe, điều hòa thần kinh, từ đó nâng cao đề kháng và phòng ngừa mẩn ngứa.
Trên đây là thông tin về chứng bệnh ngứa da cổ mà nhiều người quan tâm. Tuy tình trạng này không gây đe dọa tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người mắc. Do đó, ngay khi có những triệu chứng khởi phát, người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân và xây dựng hướng điều trị phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!