Bị Ngứa Da Đầu

Bị ngứa da đầu khởi phát do nhiều nguyên nhân và thường kéo dài dai dẳng, do đó phương pháp điều trị cũng có khác biệt cho từng mức độ bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về tình trạng này, từ đó giúp người bệnh có hướng phòng ngừa và xử lý nếu mắc phải.

Nguyên nhân ngứa da đầu

Tình trạng ngứa da đầu gây ra những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực tới sinh hoạt và tinh thần người bệnh. Đặc biệt, đây cũng là dấu hiệu của một số bệnh lý mà người mắc cần cần giác. Vậy bị ngứa da đầu là bệnh gì?

Bệnh viêm da tiết bã

Đây là tình trạng rối loạn kích ứng do hoạt động của tuyến bã nhờn tại da đầu. Bệnh này liên quan chủ yếu đến yếu tố miễn dịch của cơ thể và khả năng di truyền, do đó thường dễ tái phát và khó trị dứt điểm. Người bị viêm da tiết bã trên đầu sẽ có triệu chứng ngứa ngáy, xuất hiện nhiều vảy gàu, đỏ rát. Các triệu chứng này có thể lan rộng xuống vùng da khác như mặt, cổ, gáy,... gây ảnh hưởng thẩm mỹ.

Bệnh viêm nang lông

Nhiều trường hợp bị ngứa da đầu do viêm nang lông. Bệnh lý này thường khởi phát tại các vùng da có nhiều nang lông như đầu, tay chân, lưng, đùi,... do tụ cầu vàng hoặc các tác nhân khác như vi khuẩn gram âm, nấm men, nấm sợi, ký sinh vật demodex, vi rút herpes hoặc u mềm lây,...

Viêm nang lông gây ngứa da đầu, xuất hiện nốt sần sau đó dẫn chuyển sang mụn mủ đầu trắng. Khi sờ mụn này sẽ thấy đau và dễ vỡ hình thành vảy tiết trên da.

Nhiều trường hợp bị ngứa da đầu do viêm nang lông
Nhiều trường hợp bị ngứa da đầu do viêm nang lông

Ngứa da đầu do bị bệnh vảy nến, á sừng

Một nguyên nhân ngứa da đầu phổ biến là do bệnh vảy nến, á sừng. Đây là tình trạng rối loạn tăng sinh các tế bào da, hình thành lớp vảy sừng trên da đầu, chúng xếp chồng lên nhau và dễ bong tróc thành các mảng trắng, hơi hồng, tập trung tại chân tóc gây khô ngứa nứt nẻ da, chảy máu hoặc chảy dịch vàng. Tình trạng này không điều trị sớm cũng sẽ lan xuống mặt và cổ, gáy,...

Bệnh mề đay gây ngứa da đầu

Mề đay gây ngứa da đầu là tình trạng khởi phát do nguyên nhân da tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng bên ngoài môi trường như bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật hoặc mồ hôi tiết ra quá nhiều,... những tác nhân này kích thích gây nổi mẩn ngứa, sưng vì, viêm đỏ trên da người bệnh.

Ngứa da đầu do nấm

Nấm da đầu gây triệu chứng ngứa ngáy kèm theo xuất hiện các mảng vảy trắng nhỏ như gàu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn sẽ gây ngứa ngáy dữ dội, khô cứng tóc, các mảng vảy kích thước lớn và rơi rụng ra ngoài. Bệnh lý này thường xuất hiện ở những người lười gội đầu, vệ sinh da đầu sai cách, để tóc ướt đi ngủ, sử dụng chung các vật dùng cá nhân với người bị nấm da đầu.

Nấm da đầu gây triệu chứng ngứa ngáy kèm theo xuất hiện các mảng vảy trắng nhỏ
Nấm da đầu gây triệu chứng ngứa ngáy kèm theo xuất hiện các mảng vảy trắng nhỏ

Ngứa do dị ứng da đầu

Ngứa da đầu là bị gì? Nhiều trường hợp bị ngứa da đầu do dị ứng da đầu gây ra. Tình trạng này sẽ kèm theo một số triệu chứng khác như bong tróc da đầu, tóc khô rụng,... nguyên nhân do dị ứng với các thành phần trong sản phẩm uốn nhuộm, dầu gội, dầu xả,... Ngoài ra, dị ứng da đầu cũng có nguy cơ mắc cao ở những đối tượng có tiền sử bị viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, hen suyễn,...

Bệnh dây thần kinh

Một số bệnh lý liên quan đến dây thần kinh cũng gây tình trạng bị ngứa da đầu thường xuyên. Bao gồm các bệnh như:

  • Bệnh đái tháo đường: Do nồng độ đường trong máu quá cao khiến cơ thể mất nước, đồng thời giảm lượng máu nuôi dưỡng da đầu. Bên cạnh đó, bệnh đái đường cũng gây tổn thương hệ thống dây thần kinh dưới da, ảnh hưởng xấu đến quá trình bài tiết mồ hôi. Từ những nguyên do này khiến da đầu ngứa ngáy dữ dội.
  • Bệnh Zona thần kinh: Bệnh Zona thần kinh gây ra do virus trú ngụ các đầu dây thần kinh. Khi mắc bệnh Zona thần kinh trên đầu, người bệnh sẽ có cảm giác ngứa ngáy, nóng rát, xuất hiện các dải mụn nước dễ vỡ.

Một số nguyên nhân khác

Bị ngứa da đầu có thể do các bệnh lý phổ biến trên hoặc cũng có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác dưới đây:

  • Ngứa da đầu do bệnh ghẻ, bệnh lupus ban đỏ.
  • Ngứa do chấy rận hoặc ký sinh trùng làm ổ trên da đầu.
  • Cột tóc quá chặt, gội đầu không sạch hoặc lười gội đầu gây ngứa da đầu.
  • Căng thẳng kéo dài, sinh hoạt không điều độ, ăn uống thiếu dưỡng chất cũng gây ngứa da đầu.

Triệu chứng đi kèm ngứa da đầu

Do ngứa da đầu khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau, vậy nên người bệnh có thể gặp kèm theo một số triệu chứng như: 

  • Da đầu khô, rát và sưng đỏ.
  • Xuất hiện vảy nhỏ bạc rải rác hoặc tập trung thành các mảng lớn trên đầu.
  • Trên da đầu có mụn nước li ti, lở loét và chảy dịch.
  • Tóc khô, gãy rụng, hói đầu,...
  • Bị ngứa nguyên nhân từ ung thư da đầu do di truyền, do tia tử ngoại, do sử dụng hóa chất thường xuyên,...

Xuất hiện vảy nhỏ bạc rải rác hoặc tập trung thành các mảng lớn trên đầu
Xuất hiện vảy nhỏ bạc rải rác hoặc tập trung thành các mảng lớn trên đầu

Bị ngứa da đầu nguy hiểm không?

Tình trạng ngứa da đầu không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, tuy nhiên bác sĩ cho biết tình trạng này gây khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần cùng đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Đặc biệt, nếu không điều trị dứt điểm, ngứa ngáy tái phát dai dẳng sẽ tác động đến các dây thần kinh vùng đầu và dây thần kinh thị giác. Đồng thời, hành động gãi và chà xát trên da sẽ gây tổn thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bác sĩ cho biết, khi bị ngứa da đầu kèm các triệu chứng dưới đây, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám ngay:

  • Tình trạng ngứa ngáy dữ dội và kéo dài nhiều ngày không thuyên giảm.
  • Ngứa ngáy kèm triệu chứng lở loét da, rụng tóc thành từng mảng lớn.
  • Vùng da ngứa ngày càng lan rộng và lan xuống cổ, mặt, có mụn nước hoặc mủ chảy dịch.
  • Bị sốt, vàng da, rối loạn tiêu hóa hoặc tần suất đi tiểu thay đổi bất thường.

Cách điều trị hiệu quả khi bị ngứa da đầu

Nhiều người lo lắng ngứa da đầu phải làm sao? Hiện nay có nhiều phương pháp được ứng dụng trong điều trị. Dưới đây là những thông tin quan trọng được chuyên gia chia sẻ về phương pháp xử lý khi gặp tình trạng này.

Trị ngứa da đầu tại nhà

Đây là phương pháp được áp dụng cho các trường hợp bị ngứa da đầu mức độ nhẹ, triệu chứng mới khởi phát và chưa để lại dấu hiệu biến chứng nguy hiểm nào.

  • Dùng nha đam: Trong nha đam chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp làm dịu da, giảm ngứa hiệu quả, đồng thời dùng nha đam sẽ giúp cung cấp độ ẩm dưỡng cả da và tóc. Người bệnh lấy 1 nhánh nha đam đem rửa sạch, cắt bỏ vỏ xanh và lấy phần thịt trắng thoa đều lên vùng da đầu đang bị ngứa. Khoảng 20 phút sau cần gội sạch lại với nước ấm.
  • Tinh dầu tràm: Chuyên gia cho biết tinh dầu tràm có thành phần giàu chất kháng khuẩn diệt nấm, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm trên da và giảm ngứa hiệu quả. Lấy 10 giọt tinh dầu tràm trà thoa trực tiếp lên những vùng da bị ngứa, sau đó massage nhẹ nhàng 10 phút cho các hoạt chất thấm sâu. Cuối cùng xả lại 1 lần cuối cùng với nước lọc.
  • Giấm táo: Sử dụng giấm táo sẽ giúp tiêu diệt nấm, khuẩn trên da đầu, ngăn ngừa bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn. Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần pha giấm táo và nước lọc theo tỷ lệ 3:1, sau đó thoa hỗn hợp này lên da đầu, nhẹ nhàng massage 20 phút rồi xả sạch da đầu với nước.

Sử dụng giấm táo sẽ giúp tiêu diệt nấm, khuẩn trên da đầu
Sử dụng giấm táo sẽ giúp tiêu diệt nấm, khuẩn trên da đầu

Điều trị ngứa da đầu bằng Tây y

Với mỗi nguyên nhân gây ngứa sẽ có những loại thuốc phù hợp. Trường hợp bị ngứa da đầu thường được bác sĩ kê đơn sử dụng một số loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc chứa Corticoid dạng mỡ hoặc kem bôi ngoài da.
  • Thuốc kháng Histamin.
  • Thuốc ức chế miễn dịch.
  • Thuốc kháng sinh.
  • Thuốc chống nấm.
  • Thuốc bạt sừng Acid Salicylic.
  • Thuốc hạn chế quá trình rụng tóc.
  • Kem dưỡng ẩm.

Các loại thuốc Tây được đánh giá ưu điểm giảm ngứa ngáy nhanh chóng và cải thiện hiệu quả các triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, các loại thuốc này tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng sai cách, dùng với liệu trình dài. Do đó, người bệnh không tự ý dùng thuốc tại nhà mà cần được bác sĩ thăm khám và kê đơn phù hợp.

Dùng dầu gội trị ngứa da đầu

Ngoài sử dụng thuốc Tây, phương pháp dùng dầu gội đầu được áp dụng trong trường hợp ngứa da đầu do bệnh á sừng, vảy nến hoặc các bệnh nấm gàu.

Dùng dầu gội trị ngứa da đầu mang lại hiệu quả tốt
Dùng dầu gội trị ngứa da đầu mang lại hiệu quả tốt

Người bệnh nên chọn các loại dầu gội trong thành phần chứa một số hoạt chất có khả năng kháng nấm, diệt khuẩn, giảm mẩn ngứa. Cụ thể như:

  • Dầu gội chứa selenium sulfide: Loại dầu gội này có tác dụng chống nấm, giảm kích ứng và dịu cơn ngứa da, đồng thời giảm gàu và tiêu diệt nấm gây gàu. Một số sản phẩm phổ biến gồm Selsun Blue, Head & Shoulders Clinical.
  • Dầu gội chứa Axit Salicylic: Hoạt chất này có tác dụng làm bong các lớp vảy da đầu do bệnh vảy nến, á sừng gây ra. Hiện nay có sản phẩm Neutrogena T / Sal Ther Treatment được đánh giá rất cao.
  • Dầu gội chứa Ketoconazole: Đây là hoạt chất có tác dụng diệt nấm, trị gàu và giảm ngứa ngáy hiệu quả. Hãng dầu chứa Ketoconazole phổ biến gồm Head & Shoulders Extra Strength, Head & Shoulders Dry Scalp Care, Falls Dandruff.
  • Dầu gội chứa kẽm Pyrithione: Được khuyến nghị dùng khi bị ngứa da đầu do nấm men. Một số sản phẩm dầu gội chứa kẽm Pyrithione phổ biến gồm Dr. Eddie’s Happy Cappy Medicated, Head & Shoulders Dry Scalp Care, Falls Dandruff, Head & Shoulders Extra Strength.
  • Dầu gội chứa than đá: Than đá có tác dụng giảm viêm, kháng nấm và điều hòa quá trình sản xuất bã nhờn trên da đầu. Các loại dầu gội chứa than đá gồm PsoriaTrax, Neutrogena T / Gel Extra Strength, MG217.

Điều trị bằng Đông y

Người bệnh có thể áp dụng một số bài thuốc Đông y dưới đây để cải thiện tình trạng ngứa ngáy da đầu.

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị dược liệu gồm sinh địa 12g, chi tử 10g, thục địa 12g, thổ phục linh 15g, hổ trượng căn 10g, mã xỉ hiện khô 20g, bồ công anh 10g, xa tiền thảo 15g. Sắc các dược liệu trên với nước, uống mỗi ngày 1 thang, thực hiện liên tục trong 3 tuần sẽ thấy khởi sắc.
  • Bài thuốc 2: Gồm các dược liệu như thục địa 24g, bạch thược 10g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, lá đơn đỏ 10g, kinh giới 10g, khổ sâm lá 10g, ké đầu ngựa 12g, cỏ nhọ nồi 20g và cam thảo 6g. Sắc các dược liệu đã chuẩn bị với nước và uống trong ngày.
  • Bài thuốc 3: 20g sinh thạch cao, 22g bạch tiêu bì, 12g ý dĩ, 14g phòng phong, 25g sinh địa hoàng, 8g cam thảo, 30g thổ phục linh, 10g thuyền thoái, 20g vỏ bí đao, 12g kinh giới. Cho dược liệu vào ấm và sắc với 3 bát nước, đến khi cạn còn 1 bát thì chắt ra và chia thành 3 phần để uống trong ngày.

Các bài thuốc Đông y cần áp dụng kiên trì trong thời gian dài  từ 1.5 - 2 tháng sẽ thấy kết quả rõ rệt. Trong thời gian ngày người bệnh vẫn cần đảm bảo sử dụng đúng liều lượng, liệu trình, vệ sinh da đầu sạch sẽ để đảm bảo hiệu quả thuốc phát huy tốt nhất.

Hướng dẫn phòng ngừa hiệu quả ngứa da đầu 

Chuyên gia Dr.Vitamin hướng dẫn những cách phòng ngừa bị ngứa da đầu như sau:

  • Gội đầu thường xuyên để làm sạch nấm men, bụi bẩn, đồng thời cần đảm bảo xả sạch bọt dầu gội đầu, dầu xả.
  • Khi gội đầu nên nhẹ nhàng massage, không cào gãi mạnh sẽ khiến da trầy xước nhiễm trùng.
  • Nên dùng nước ấm hoặc nước mát để gội đầu, tránh dùng nước nóng vì sẽ khiến da đầu bị khô gây kích ứng.

Khi gội đầu nên nhẹ nhàng massage, không cào gãi mạnh
Khi gội đầu nên nhẹ nhàng massage, không cào gãi mạnh

  • Không nên dùng chung lược, mũ, khăn lau đầu, vỏ gối,... để tránh tình trạng lây nhiễm virus, nấm men từ người khác. 
  • Lựa chọn dầu gội đầu phù hợp, ưu tiên chọn sản phẩm có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên lành tính, tránh các loại dầu gội có thành phần chất tẩy hoặc hương liệu cao.
  • Hạn chế nhuộm tóc, uốn tóc hoặc xịt keo tóc vì trong thành phần của các sản phẩm này chứa nhiều hóa chất không tốt cho da đầu.
  • Lau đầu và sấy tóc khô trước khi đi ngủ, tránh tiếp xúc quá gần với người đang bị chấy.
  • Cần cân bằng chế độ nghỉ ngơi với làm việc và học tập để tránh căng thẳng, stress gây ảnh hưởng đến thần kinh và quá trình hoạt động của tuyến bã nhờn.
  • Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều omega 3, giàu biotin, vitamin A, vitamin E, vitamin D,... Các chất này đều có tác dụng tăng cường sức khỏe da đầu và toàn thân.

Trên đây là thông tin chi tiết liên quan đến tình trạng bị ngứa da đầu mà nhiều người đang gặp phải. Do tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, do đó người bệnh cần thăm khám sớm để có hướng điều trị phù hợp.

Câu hỏi thường gặp

Da Mặt Bị Ngứa Sần Sùi Phải Làm Sao?

Da mặt bị ngứa sần sùi ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ, khiến người mắc tự ti, e ngại trước đám đông. Vậy da mặt bị ngứa sần sùi phải làm sao? Chuyên gia Da liễu tại Dr.Vitamin sẽ đưa ra những giải pháp hữu ích cải thiện tình...

Bệnh liên quan

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *