Hình Ảnh Nổi Phát Ban Chi Tiết Giúp Cha Mẹ Nhận Biết Chính Xác
Phát ban ở trẻ nhỏ xuất phát do nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau, điều này khiến quá trình áp dụng phương pháp điều trị phù hợp gặp nhiều khó khăn. Vậy nên bài viết dưới đây sẽ cung cấp chi tiết hình ảnh nổi phát ban cụ thể. Từ đó cha mẹ dễ dàng nhận biết tình trạng sức khỏe của con hiện tại, giúp đưa ra hướng chăm sóc hiệu quả nhất, tránh gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Tìm hiểu nổi phát ban là gì?
Nổi phát ban là tình trạng thường gặp sau sốt, trên da sẽ xuất hiện các đốm nhỏ màu đỏ, sẩn ngứa, sưng phù, bong tróc,… Bệnh thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 36 tháng do lúc này sức đề kháng con còn yếu, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công.
Thông thường, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện ban đỏ sau khoảng 12 – 24 tiếng sốt cao (trên 38 độ C). Ban đầu, phát ban xuất hiện trên bụng, ngực, lưng, sau đó sẽ lan sang các vị trí khác như cổ, cánh tay, chân, má,…
Trẻ có thể kèm theo một số triệu chứng khác như: Quấy khóc, bỏ ăn/bỏ bú, mắt đỏ, sổ mũi, mệt mỏi, đau họng, tiêu chảy, sưng hạch bạch huyết,…
Tùy từng nguyên nhân gây phát ban mà tình trạng này có thể tự khỏi hoặc cần can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu. Do đó, phụ huynh cần trang bị kiến thức giúp phân biệt chuẩn xác từng trường hợp nổi phát ban ở trẻ.
Hình ảnh nổi phát ban ở trẻ nhỏ cha mẹ cần biết
Thông qua hình ảnh nổi phát ban dưới đây, cha mẹ sẽ dễ dàng phân biệt được từng bệnh lý con đang mắc thông qua đặc điểm nốt phát ban và triệu chứng đi kèm. Dưới đây chuyên gia Da liễu DrVitamin sẽ phân chia hình ảnh phát ban ở trẻ nhỏ thành 3 nhóm cụ thể.
Hình ảnh nổi phát ban từng bệnh lý
Có nhiều bệnh lý gây phát ban trên da, cụ thể như sau:
Nổi phát ban do sởi
Phát ban do bệnh sởi đặc trực bởi các nốt hồng ban, sẩn cục rải rác hoặc tập trung thành từng mảng với kích thước 3 – 6mm. Thông thường, nốt ban sẽ xuất hiện vào ngày thứ 3 – 4 sau khi mắc bệnh, vị trí khởi phát đầu tiên là chân tóc, mặt, sau đó lan sang cổ, ngực, thân, tứ chi,… Khi phát ban lan rộng, nhiệt độ cơ thể cũng theo đó giảm dần. Khi phát ban biến mất sẽ để lại vết thâm trên da (gọi là vằn da báo).
Hình ảnh nổi phát ban do Rubella (Sởi Đức)
Ban da do bệnh Rubella có đặc trưng là những hồng ban nhỏ li ti trông như đầu đinh ghim, dày đặc, rất mịn và hơi gồ lên so với mặt da. Trẻ bị Rubella có triệu chứng nhẹ và không sốt quá 3 ngày. Tuy nhiên lại nổi nhiều hạch tại cổ, sau tai hoặc một số vị trí khác trên cơ thể. Đối với người lớn khi bị Rubella thường đau mỏi cơ và khớp kéo dài.
Khác với bệnh sởi thông thường có phát ban thường lâu biến mất, ban của Rubella thường mất rất nhanh, ví dụ phát ban lan xuống thân thì các nốt trên mặt đã mất hoặc lan xuống chân thì các nốt trên thân mờ dần.
Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh gặp phổ biến ở trẻ em, đặc biệt những trẻ dưới 5 tuổi. Triệu chứng khởi phát là sốt, đau họng, chán ăn. Trên da của trẻ sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ rát, sau đó thành phỏng nước, màu xám trên nền ban hồng, hình bầu dục. Mụn nước tập trung nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc một số vùng tỳ đè khác như đầu gối, mông. Ngoài ra, các nốt này cũng xuất hiện nhiều quanh miệng, họng, lưỡi của trẻ.
Thủy đậu gây nổi phát ban
Trong vòng 1 – 2 ngày bị sốt do thủy đậu, cơ thể trẻ bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ. Đặc điểm ban đỏ do thủy đậu là mọc rải rác khắp cơ thể, đường kính 2 – 3mm, sau đó sẽ phát triển thành nốt mụn nước trên bề mặt da. Sau khoảng 4 – 6 ngày các nốt mụn nước này sẽ khô lại, đóng vảy và bong tróc. Phát ban do thủy đậu khi khô và bong ra sẽ không để lại sẹo. Nhưng trong trường hợp ngứa ngáy, người bệnh cào gãi khiến mụn nước vỡ và bội nhiễm sẽ để lại sẹo thâm trên da.
Viêm da tiếp xúc gây phát ban
Một trong những bệnh lý gây nổi phát ban là viêm da tiếp xúc. Tình trạng này xảy ra do trẻ tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, nọc kiến ba khoang, nọc ong, bụi bẩn,…
Các triệu chứng viêm da tiếp xúc bao gồm ngứa và đôi khi đau rát, nổi ban đỏ, đóng vảy, sưng phù da, phồng rộp và thậm chí viêm loét. Vị trí phát bệnh sẽ phụ thuộc vào vùng da tiếp xúc.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh có khởi nguồn do virus Dengue gây ra. Các nốt ban đỏ xuất hiện dạng chấm nhỏ, đốm hoặc mảng lớn. Ban đầu toàn bộ da bị xung huyết, nổi đỏ do giãn mạch, tập trung nhiều ở mặt trước của hai cẳng chân, mặt trong hai cánh tay, vùng bụng, đùi,… Một số trường hợp nặng có thể bị xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng, kèm theo triệu chứng sốt, nhức mỏi cơ, đau hốc mắt,…
Thông thường, người bệnh sốt xuất huyết sẽ nổi phát ban sau khoảng 3 – 4 ngày kể từ thời điểm bị sốt. Ban đó có thể giảm dần sau 1 – 2 ngày, nhưng sau đó vẫn có thể nổi lại vào những ngày sau đó nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng.
Phát ban da do sốt tinh hồng nhiệt
Sốt tinh hồng nhiệt là dạng bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus, thường gặp ở trẻ nhỏ từ 4 – 8 tuổi. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là sốt đột ngột, trẻ sẽ bị đau bụng, mệt mỏi, đau họng, sưng to, nổi hạch cổ, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, lưỡi bị sưng đỏ, chán ăn,…
Thông thường, ban đỏ sẽ nổi sau 3 ngày bị sốt, khởi phát ở dưới tai, cổ, nách, ngực và háng. Sau 24 tiếng, nốt ban đỏ sẽ lan dần sang các khu vực khác trên cơ thể. Ban màu hồng đỏ, bóng trên bề mặt da, kích thước nhỏ, đồng đều và thường tập trung thành mảng, khi sờ vào có cảm giác như tờ giấy nhám.
Hình ảnh nổi phát ban trẻ em từng giai đoạn
Ngoài cung cấp những hình ảnh nổi phát ban theo từng bệnh lý, dưới đây là những hình ảnh nổi phát ban ở trẻ được phân loại theo từng giai đoạn của bệnh.
Trước phát ban
Trước khi bị phát ban, trẻ sẽ sốt cao và quấy khóc khoảng 2 – 3 ngày. Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng kèm theo khi bị sốt sẽ có sự khác biệt.
Trong giai đoạn sốt phát ban
Sau 2 – 3 ngày sốt cao, trên cơ thể trẻ sẽ dần nổi phát ban. các vị trí phát ban thường xuất hiện tại Sau một đến vài ngày sốt, cơ thể trẻ sẽ dần phát ban. Vị trí sốt phát ban ở trẻ em thường xuất hiện tại các vị trí như cổ, mặt, ngực, bụng, chân tay, lưng,…. Nếu được chăm sóc đúng cách, những nốt phát ban này sẽ mờ dần, sau đó biến mất sau 3 – 5 ngày.
Sau phát ban
Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, trẻ sẽ khỏe mạnh và hoạt động bình thường, trên da không xuất hiện vết thâm. Tuy nhiên, một số trẻ không được áp dụng phương pháp chữa trị kịp thời sẽ để lại biến chứng nguy hiểm.
Hình ảnh nổi phát ban theo vị trí trên cơ thể
Dưới đây là một số hình ảnh chi tiết về hình ảnh nổi phát ban theo vị trí trên cơ thể như mặt, cổ, bụng,… như sau:
Nổi phát ban vùng mặt
Thông thường mặt sẽ là vị trí nổi phát ban đầu tiên sau khi sốt. Các nốt này có kích thước hoặc màu sắc đậm nhạt tùy theo từng mức độ bệnh.
Nổi phát ban tại vùng cổ
Sau khi khởi phát tại mặt, các nốt phát ban sẽ nhanh chóng lan xuống cổ, đậm hơn và rõ ràng hơn, khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu.
Phát ban vùng bụng
Từ vùng cổ, phát ban lan xuống bụng, lưng,…. và khắp người. Ở một số trường hợp, khi ban đỏ xuất hiện ở bụng thì các nốt ban đỏ trên mặt, trên cổ sẽ dần mờ hết.
Cách chăm sóc trẻ nổi phát ban sau sốt
Sau khi tham khảo về hình ảnh nổi phát ban, cha mẹ sẽ có thể phân loại nguyên nhân gây bệnh và áp dụng phương pháp chăm sóc phù hợp. Dưới đây, chuyên gia hướng dẫn phụ huynh một số biện pháp chăm sóc giúp cải thiện phát ban hiệu quả.
- Cho trẻ tắm hoặc lau người bằng nước ấm (từ 37 – 38 độ). Mỗi ngày tắm 1 lần sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn tại lỗ chân lông, đồng thời giảm nhiệt cơ thể, giúp dịu triệu chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Nhưng cần lưu ý tắm cho trẻ trong khoảng 10 phút và đảm bảo không gian tắm kín gió.
- Nên mặc cho trẻ các bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Tránh mặc đồ bó hoặc chất liệu cứng thô sẽ khiến tình trạng nổi phát ban nghiêm trọng hơn.
- Tránh để trẻ đến khu vực đông người hoặc những nơi chật chội. Bởi nơi đây tồn tại nhiều tác nhân dễ kích thích triệu chứng dị ứng như bụi bẩn, mạt bụi, phấn hoa, lông của động vật.
- Không để trẻ gãi lên vùng da đang bị phát ban, điều này sẽ dẫn đến các thương tổn nghiêm trọng, tạo cơ hội vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, bội nhiễm nguy hiểm.
- Cha mẹ nên cho trẻ ăn các món ăn lỏng mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp,… Đồng thời bổ sung nước đầy đủ. Đối với trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ, nên tăng cường cữ bú để bù dưỡng chất cho con.
- Trong khoảng thời gian này, cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho con sử dụng bất cứ loại thuốc bôi hay thuốc uống nào. Việc dùng thuốc cần được hướng dẫn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Khi nào trẻ sốt phát ban cần đến viện?
Trong quá trình chăm sóc con, cha mẹ chú ý quan sát các biểu hiện, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường sau sẽ cần đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ kịp thời thăm khám và điều trị.
- Phát ban trên 7 ngày.
- Sốt cao dai dẳng, co giật, ngủ li bì.
- Thở nhanh, thở gấp,….
- Bé sốt kèm triệu tiêu chảy, mất nước.
Mong rằng thông qua những hình ảnh nổi phát ban chúng tôi cung cấp, các bậc phụ huynh sẽ trang bị thêm những kiến thức hữu ích hỗ trợ quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Khi con có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan mà cần đưa con thăm khám tại bệnh viện sớm nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!