Huyết Áp Cao Ở Người Trẻ
Huyết áp cao ở người trẻ đang ngày càng trở nên phổ biến khi nhóm đối tượng dưới 35 tuổi chiếm 12% tổng số bệnh nhân. Nhiều người cho rằng, tăng huyết áp chỉ xảy ra ở người già, nhưng thực tế căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hoá trong nhiều năm trở lại đây. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về tăng huyết áp ở người trẻ cũng như biện pháp điều trị, ngăn ngừa.
Huyết áp cao ở người trẻ là như thế nào?
Tăng huyết áp hay huyết áp cao là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch cao hơn bình thường và được đánh giá dựa trên chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương (đơn vị tính mmHg). Nếu không được kiểm soát tốt, huyết áp cao có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, bệnh mạch vành, tàn phế, thậm chí là tử vong.
Dưới đây là thang đo chỉ số huyết áp theo Bộ Y tế:
- Huyết áp tối ưu: HAmax < 120mmHg và HAmin < 80mmHg.
- Huyết áp bình thường: HAmax 120 - 129mmHg và HA min từ 80 - 84mmHg.
- Tiền tăng huyết áp: HAmax từ 130 - 139mmHg và HAmin từ 85 - 89 mmHg.
- Tăng huyết áp: HAmax từ 140 mmHg trở lên và HAmin từ 90 mmHg trở lên.
Nếu một người đang trong độ tuổi dưới 35 mà chỉ số HAmax từ 140 mmHg trở lên và HAmin từ 90 mmHg trở lên thì được coi là tăng huyết áp. Tình trạng này được gọi là cao huyết áp ở người trẻ.
Bệnh cao huyết áp ở người trẻ tuổi do đâu?
Theo WHO, nguyên nhân cao huyết áp ở người trẻ có liên quan trực tiếp tới chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Cụ thể:
- Thói quen sử dụng rượu bia: Người trẻ đang tiêu thụ lượng lớn đồ uống có cồn, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp cùng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Đầu óc căng thẳng: Áp lực từ công việc, nhịp sống hiện đại khiến nhiều người trẻ stress, luôn trong trạng thái căng thẳng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý, làm phát sinh tình trạng tăng huyết áp.
- Ăn mặn, chế độ ăn nhiều muối: Người trẻ thường có xu hướng sử dụng đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn như gà rán, xúc xích, các loại thịt nguội… đây đều là những món ăn chứa hàm lượng muối cao - yếu tố gây huyết áp cao hàng đầu.
- Thừa cân, béo phì: Cân nặng có ảnh hưởng trực tiếp với cao huyết áp và tim mạch. Với những người trẻ bị thừa cân béo phì thường kèm theo huyết áp cao, khi không được kiểm soát bệnh có thể dẫn đến các vấn đề tim mạch, nhồi máu cơ tim, vỡ mạch máu, tai biến…
- Chất kích thích: Cà phê, thuốc lá, thuốc lá điện tử… cũng là nguyên nhân gây huyết áp cao ở người trẻ.
Xem thêm: Huyết Áp Cao Sau Khi Sinh Mổ: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
Triệu chứng cao huyết áp ở người trẻ ra sao?
Đối với người cao tuổi, các triệu chứng tăng huyết áp tương đối điển hình như: Chóng mặt, nhức đầu, mặt đỏ và nóng… thế nhưng dấu hiệu cao huyết áp ở người trẻ lại gần như không xuất hiện tình trạng này.
Các thống kê y tế đã chỉ ra một vài tín hiệu cho thấy người trẻ bị tăng huyết áp như: Khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, không tập trung,... ảnh hưởng khá lớn tới khả năng giao tiếp và chất lượng công việc của cá nhân mỗi người.
Sau thời gian dài “diễn biến âm thầm”, các triệu chứng cao huyết áp ở đối tượng trẻ tuổi bắt đầu trở nên rõ ràng hơn, đôi khi còn xuất hiện kèm theo những vấn đề sức khỏe khác. Lúc này, các triệu chứng có thể bao gồm: Đau đầu, khó thở, tức ngực, hoa mắt, mặt đỏ phừng, chảy máu mũi,...
Thực tế cho thấy, hơn 70% người trẻ bị cao huyết áp nhưng không xuất hiện triệu chứng điển hình nào. Do vậy, họ chỉ vô tình phát hiện tình trạng tăng huyết áp khi khám sức khỏe định kỳ hoặc kiểm tra bệnh lý khác.
Chẩn đoán cao huyết áp ở bệnh nhân trẻ tuổi
Để chẩn đoán cao huyết áp, cách duy nhất là sử dụng máy đo huyết áp. Tuy nhiên, cao huyết áp ở người trẻ khó chẩn đoán hơn vì sẽ phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Ví dụ như:
- Độ tuổi.
- Giới tính.
- Chiều cao.
- Huyết áp tâm thu.
- Huyết áp tâm trương.
Một thiếu niên được chẩn đoán là cao huyết áp khi chỉ số huyết áp tâm thu (HATT), huyết áp tâm trương (HATTr) cao hơn bách phân vị 95 (tức cao hơn 95% so với các trẻ khác trong cùng nhóm tuổi). Mặt khác, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo với trẻ trên 13 tuổi sẽ sử dụng định nghĩa tăng huyết áp ở người lớn.
Người trẻ bị huyết áp cao có nguy hiểm không?
Trước đây, người dưới 40 tuổi bị cao huyết áp vẫn được xếp vào nhóm trẻ. Nhưng hiện nay định nghĩa huyết áp cao ở người trẻ giảm độ tuổi xuống dưới 35. Sở dĩ là vì bệnh lý này đang ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng trẻ hoá.
Không đơn thuần phát sinh các triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh, cao huyết áp gây ra hàng loạt biến chứng và làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể:
- Bệnh tim mạch (suy tim, phì đại cơ tim, thiếu máu cơ tim,...), tai biến mạch máu não.
- Rối loạn chức năng sinh dục, ảnh hưởng lớn tới đời sống vợ chồng.
- Rối loạn cảm xúc theo hướng tiêu cực, mất kiểm soát…
- Tổn thương thận (tiểu đạm hay suy thận)...
Nguy hiểm hơn, tăng huyết áp ở những người trẻ thường ít có triệu chứng rõ ràng nên không được phát hiện sớm. Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng đã kéo theo hàng loạt biến chứng sức khỏe, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, việc kịp thời phát hiện, chăm sóc và điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân trẻ tuổi là điều vô cùng cần thiết.
Biện pháp điều trị cao huyết áp ở người trẻ tuổi
Mục đích của điều trị huyết áp cao ở người trẻ là cân bằng, đưa chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương về mức lý tưởng trong khoảng 90/60 mmHg - 120/80 mmHg, sau đó luôn duy trì trong trạng thái này. Thông thường, bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây tăng huyết áp từ đó đưa ra phương pháp điều trị cụ thể, ngăn tái phát, bảo vệ sức khỏe người bệnh.
Tuy nhiên cũng không ít trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi cao huyết áp không rõ nguyên nhân. Do vậy việc điều trị chỉ là đưa chỉ số về mức cân bằng, ngăn biến chứng nguy hiểm.
Điều trị cao huyết áp tại nhà
Đa phần người trẻ hiện nay có lối sống thiếu khoa học, sử dụng nhiều rượu bia, thức khuya, ngủ không đủ giấc…. Do vậy, để hồi phục sức khoẻ và cải thiện huyết áp mỗi người cần chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, tăng cường thể dục thể thao và ngủ đúng giờ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể tham khảo sử dụng một số nguyên liệu thiên nhiên để hỗ trợ cân bằng huyết áp:
- Nước ép mướp đắng (khổ qua): Sử dụng 2 quả mướp đắng xay nhuyễn cùng 200ml nước lọc. Dùng uống hằng ngày nhằm thanh lọc cơ thể, ổn định huyết áp và ngăn chặn biến chứng của bệnh.
- Nước ép cần tây: Nấu 100g cần tây với 5 bát nước lọc, đun đến khi nước cạn còn ⅓ thì dừng lại, chờ nguội và đổ hết ra bát. Mỗi ngày dùng 3 bát nước ép cần tây giúp kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hiệu quả.
- Nước lá liễu tươi: Dùng 250g lá liễu tươi, đem nấu cùng 1l nước lọc. Nước sôi để nguội và chia nhỏ dùng hết trong ngày.
Sử dụng các loại thuốc Tây y
Tùy thuộc vào tình trạng cao huyết áp ở mỗi bệnh nhân trẻ tuổi các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Thông thường, các loại thuốc dưới đây sẽ được sử dụng để điều trị huyết áp cao:
- Nhóm thuốc ức chế Beta: Tác dụng chính của các loại thuốc này là làm giãn động mạch, điều chỉnh nhịp tim, giảm bớt các áp lực lên tim. Từ đó làm giảm áp lực bơm máu qua động mạch ở mỗi nhịp tim, ức chế một vài nội tiết tố nội sinh khiếp huyết áp tăng.
- Nhóm thuốc lợi niệu: Lượng muối cao, chất dịch ứ đọng trong cơ thể chính là nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp. Việc sử dụng các loại thuốc lợi niệu có tác dụng đào thải muối dưa thừa cùng các chất dịch cặn bã ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, từ đó giảm áp lực lưu lượng máu, từng bước ổn định huyết áp.
- Chất gây ức chế men chuyển và thụ thể Angiotensin: Angiotensin đóng vai trò là hoạt chất co hẹp thành động mạch và mạch máu. Việc sử dụng chất gây ức chế men chuyển và thụ thể Angiotensin có tác dụng ngăn cơ thể sản sinh chất này, từ đó hạn chế được áp lực máu và sự giãn nở mạch máu.
- Thuốc chặn Canxi: Cho hiệu quả chặn một số gốc canxi xâm nhập vào cơ tim, giảm áp lực từ tim và cải thiện đáng kể chỉ số huyết áp.
- Thuốc chặn Alpha-2: Giảm huyết áp và làm giãn mạch máu nhờ cơ chế thay đổi xung thần kinh, giúp mạch máu được thư giãn hiệu quả.
Lưu ý: Các loại thuốc kể trên có thể được kê đơn riêng lẻ hoặc dùng kết hợp với thuốc trị bệnh lý nền. Tuy nhiên, bệnh nhân không được phép tự ý mua và sử dụng tại nhà khi chưa có hướng dẫn từ bác sĩ.
Phòng tránh cao huyết áp ở người trẻ
Để ngăn chặn cao huyết áp và các biến chứng liên quan, người trẻ tuổi cần chủ động xây dựng chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi khoa học. Đây là “nguyên tắc vàng” giúp phòng tránh hiệu quả căn bệnh này:
- Kết hợp điều chỉnh lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya.
- Ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, chất xơ và vitamin như: Trái cây, rau củ quả, ngũ cốc, thịt, cá…
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều đường, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, đồ đóng hộp…
- Tích cực tham gia thể dục thể thao, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Kiểm soát tốt cân nặng và luôn duy trì ở mức phù hợp với chiều cao (chỉ số BMI lý tưởng là 18,5-24,9).
- Giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, hạn chế lo âu, luôn duy trì tâm trạng thoải mái.
- Hạn chế dung nạp đồ uống có cồn, chất kích thích như thuốc lá, cafe,...
Huyết áp cao ở người trẻ đang ngày càng trở nên phổ biến và luôn tiềm ẩn nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm khi không được can thiệp sớm. Chính vì vậy, mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Tránh vì chủ quan mà để bệnh diễn biến trầm trọng hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!