Ngứa Da
Ngứa da có thể do các yếu tố kích thích ngoài môi trường hoặc cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý ngoài da và bệnh trong cơ thể. Nếu chủ quan điều trị muộn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến tình trạng này, giúp người bệnh có thêm kiến thức để phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Tìm hiểu bệnh ngứa da là gì?
Ngứa da là cảm giác khó chịu, kích ứng trên da khiến người bệnh muốn gãi. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào, thậm chí toàn cơ thể.
Tùy từng nguyên nhân gây ngứa, vùng da bị ảnh hưởng sẽ kèm theo một số biểu hiện khác như mẩn đỏ, nổi sần, khô ráp. Khi gãi nhiều sẽ khiến vùng da này dày lên, chảy máu và nhiễm trùng.
Nguyên nhân ngứa da
Có rất nhiều nguyên nhân gây ngứa da, bác sĩ đã nghiên cứu và phân chia thành các nhóm nguyên nhân như sau:
- Do bệnh lý: Da bị ngứa là dấu hiệu của các bệnh lý ngoài da như mề đay, lang ben, vảy nến,... hoặc các bệnh lý từ bên trong cơ thể như suy giảm chức năng gan thận, các vấn đề về thần kinh hoặc bệnh xã hội.
- Kích ứng: Các yếu tố như mỹ phẩm, thực phẩm, bụi bẩn hoặc lông động vật, thời tiết thay đổi,... khi tiếp xúc với da gây kích ứng, dẫn đến ngứa ngáy mẩn đỏ.
- Tác dụng phụ của thuốc: Trong thành phần của một số loại thuốc có thể gây tình trạng rối loạn hormone hoặc dị ứng trên da gây các cơn ngứa ngáy khó chịu như thuốc kháng sinh, thuốc chống động kinh, thuốc giảm đau, thuốc vitamin nhóm B.
Bị ngứa da cảnh báo bệnh gì?
Như đã phân tích, ngứa da có thể là dấu hiệu quả một số bệnh lý ngoài da và bệnh lý bên trong cơ thể. Giải đáp cụ thể cho câu hỏi “Hay bị ngứa da là bệnh gì?” như sau:
Bệnh ngoài da
Dưới đây là các bệnh lý ngoài da có triệu chứng điển hình gây ngứa ngáy:
- Da khô: Da bị khô do thay đổi hormone, lão hóa da hoặc các thói quen như uống ít nước, tắm nhiều nước nóng,... kéo dài sẽ khiến da bị ngứa ngáy, khô ráp khó chịu.
- Vảy nến: Cơ thể xuất hiện các mảng đỏ, có vảy dày và ánh bạc, không chỉ khiến da ngứa ngáy mà còn đau nhức, nứt nẻ, rỉ máu.
- Viêm da dị ứng: Bệnh này rất phổ biến ở người có tiền sử dị ứng phấn hoa hoặc hen suyễn. Ngoài cảm giác ngứa, người bệnh sẽ xuất hiện các nốt mẩn đỏ, thường tập trung ở cổ, đùi, bụng, khuỷu tay.
- Nhiễm nấm: Bao gồm các loại nấm thân, nấm kẽ, nấm tóc, nấm móng,... làm cho bệnh nhân ngứa ngáy khó chịu, càng gãi sẽ càng khiến mầm bệnh lây lan và nhiễm trùng vùng da này. Vùng ngứa thường tập trung ở khu vực da ẩm ướt như nách, cổ, kẽ ngón chân, tay, nếp dưới vú,...
- Tổ đỉa: Bệnh có biểu hiện là các nốt mụn nước có dịch, gây ngứa da, dày da, nứt da và khiến người bệnh nóng sốt. Bệnh thường xuất hiện ở bàn chân, bàn tay, ngón chân ngón tay,...
- Một số bệnh ngoài da khác: Viêm nang lông, viêm da bã nhờn, chàm, á sừng,... cũng khiến người bệnh bị ngứa ngáy khó chịu.
Bệnh lý trong cơ thể gây ngứa da
Tình trạng ngứa râm ran trên khắp cơ thể còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể như:
- Bệnh về gan: Bao gồm cơ gan, rối loạn chức năng gan, gan nhiễm mỡ,... gây ngứa ngoài da. Nguyên nhân do chức năng gan suy giảm, khiến độc tố không thể đào thải khỏi cơ thể mà tích tụ bên trong, kích phát gây ngứa ngáy và vàng da.
- Bệnh thận: Thận hư yếu, sỏi thận, nang thận,... cũng ảnh hưởng đến chức năng đào thải độc tố. Từ đó cơ thể bị tích tụ nhiều chất độc sẽ kích phát gây phù nề và ngứa ngáy toàn thân.
- Rối loạn tuyến giáp: Các bệnh như suy giáp hoặc cường giáp gây ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi chất cho cơ thể, gây mất cân bằng miễn dịch. Hậu quả dẫn đến hình thành nốt mẩn đỏ khắp người.
- Tiểu đường: Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ khiến mạch dưới da tổn thương và dẫn đến khô sần và ngứa ngáy.
- Bệnh xã hội: Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, HIV, lậu, sùi mào gà,... gây nhiều triệu chứng trên da như mụn nước, ngứa da, loét da,...
- Thay đổi hormone cơ thể: Tình trạng thay đổi nồng độ hormone, đặc biệt ở nữ giới giai đoạn tiền mãn kinh sẽ gây ngứa da kèm theo triệu chứng khác như bốc hỏa, đổ mồ hôi, cơ thể mệt mỏi,...
Triệu chứng ngứa da thường gặp
Triệu chứng da ngứa ngáy thường tập trung tại một vùng nhỏ như cánh tay, đùi, bụng, trên mặt hoặc một số trường hợp ngứa khắp cơ thể. Ngoài ra, các vùng da này sẽ xuất hiện triệu chứng khác như:
- Xuất hiện nốt mẩn đỏ như muỗi đốt hoặc mẩn đỏ thành mảng.
- Sưng, sần da, có mụn nước chảy dịch.
- Da sần sùi, bong tróc và có cả vảy.
- Khi chà xát nhiều sẽ khiến da tổn thương, chảy máu, nhiễm trùng.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Ngứa da có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện, phòng khám để được bác sĩ kiểm tra khi xuất hiện các dấu hiệu dưới đây:
- Triệu chứng ngứa ngáy trên da kéo dài hơn 2 tuần, không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã thực hiện các phương pháp chăm sóc da.
- Da ngứa ngáy dữ dội ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày và gián đoạn giấc ngủ, khiến tinh thần mệt mỏi.
- Người bệnh kèm theo triệu chứng như ngứa gãi xước da, sụt cân, vàng da, chán ăn, thay đổi tần suất đi ngoài, sốt cao.
Phương pháp chẩn đoán
Để xác định chính xác nguyên nhân và mức độ da ngứa hiện tại, bác sĩ sẽ tiến hành thăm theo quy trình như sau:
Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ trao đổi cùng bệnh nhân các triệu chứng hiện gặp, thói quen sinh hoạt, tiền sử bệnh lý,... để bác sĩ có chẩn đoán sơ bộ và chỉ định các phương pháp khám cận lâm sàng phù hợp.
Khám cận lâm sàng: Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số phương pháp xét nghiệm chuyên sâu như:
- Xét nghiệm máu: Từ kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng kích ứng, ngứa da hiện tại do nguyên nhân nào gây ra.
- Xét nghiệm chức năng gan thận, tuyến giáp: Các chỉ số chức năng gan, thận, tuyến giáp sẽ giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân cùng mức độ ngứa da hiện tại.
- Chụp Xquang ngực: Kết quả chụp Xquang sẽ giúp bác sĩ phát hiện tình trạng hạch bạch huyết có đang sưng to không, bởi sưng hạch bạch huyết cũng sẽ dẫn đến ngứa da.
Hướng dẫn phương pháp điều trị ngứa da hiệu quả
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ngứa da, tùy thuộc vào từng mức độ, nguyên nhân và cơ địa tiếp nhận của người bệnh. Cụ thể như sau:
Điều trị tại nhà
Những phương pháp điều trị tại nhà dưới đây sẽ phù hợp cho trường hợp ngứa nhẹ, ngứa do tiếp xúc:
- Trà xanh: Lá trà có hoạt chất kháng khuẩn, chống nấm, làm dịu các cơn ngứa ngáy hiệu quả. Người bệnh cho 1 nắm lá trà xanh đun sôi trong 1 lít nước, sau đó lấy nước này rửa vùng da bị ngứa. Nếu vùng da ngứa rộng khắp người có thể đun nước tắm hằng ngày để giảm ngứa.
- Lá cây hương nhu: Trong thành phần lá hương nhu chứa các chất như thymol, eugenol và camphor,... có tác dụng làm dịu da, giảm kích ứng và ngăn ngừa cơn ngứa lan rộng. Người bệnh rửa sạch lá hương nhu rồi chà xát trực tiếp lên vùng da bị ngứa hoặc có thể đun nước rửa hằng ngày.
- Nha đam: Nguyên liệu này có tác dụng dưỡng ẩm, dưỡng da và làm dịu da nhờ thành phần đa dạng vitamin, khoáng chất và hoạt chất tốt. Cách thực hiện đơn giản, người bệnh lấy phần thịt trắng bên trong và bôi lên da đang bị ngứa, sau vài phút da sẽ dịu lại, giảm ngứa.
- Dùng giấm táo: Axit axetic trong giấm táo có tác dụng khử trùng, diệt khuẩn và ngăn ngừa cảm giác ngứa lan rộng. Người bệnh pha giấm với nước lọc với tỉ lệ 1:1, sau đó thoa lên vùng da đang bị ngứa. Nhưng lưu ý không thoa lên vùng da bị trầy xước vì sẽ gây xót, rát.
- Dùng đinh lăng: Trong đinh lăng chứa nhiều dược chất như vitamin B, glucoside, flavonoid, methionin, tanin, lysin, saponin,... Các chất này có tác dụng giảm sưng tấy, ngứa ngáy mụn nhọt hiệu quả. Người bệnh phơi khô đinh lăng, mỗi ngày lấy 1 nắm để hãm nước uống để giảm ngứa.
Các phương pháp dùng nguyên liệu tự nhiên điều trị tại nhà nên rất lành tình. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cần kiên trì thực hiện hằng ngày để phát huy công dụng rõ rệt.
Điều trị bằng Tây
Đối với trường hợp ngứa ngoài da mức độ nặng, các phương pháp chữa tại nhà không có hiệu quả, thậm chí khiến tình trạng ngứa lan rộng và nghiêm trọng hơn sẽ được chỉ định điều trị Tây y.
Sử dụng thuốc
Một số thuốc Tây được bác sĩ sử dụng phổ biến trong điều trị da ngứa như:
- Thuốc kháng histamin dạng bôi: Phù hợp cho trường hợp ngứa do dị ứng hoặc ngứa do bệnh ngoài da như vảy nến, á sừng, viêm da cơ địa. Bao gồm các thuốc như Diphenhydramine và Mepyramine.
- Thuốc gây tê dạng bôi: Thuốc giúp giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy trên da, phổ biến là Benzocaine, tetracaine, lidocaine.
- Thuốc trị ngứa đường uống: Trường hợp mảng ngứa lan rộng và không đáp ứng phương pháp bôi, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc đường uống bao gồm: Mirtazapine, doxepin, ondansetron, paroxetine, loratadine, ranitidine, chlorphenamine, cetirizine, hydroxyzine, cimetidine,...
Lưu ý khi dùng thuốc, cần đảm bảo tuân thủ theo liệu trình mà bác sĩ hướng dẫn. Tránh trường hợp tự ý tăng liều, ngừng thuốc hoặc thay thuốc sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ.
Biện pháp khác
Những người không đáp ứng thuốc Tây, triệu chứng ngứa ngày càng nặng sẽ cần chuyển sang các phương pháp điều trị Tây y khác như:
- Băng ướt: Bác sĩ sẽ bôi trực tiếp thuốc chứa corticosteroid lên vùng da đang bị ngứa, sau đó dùng băng gạc hoặc vải mềm ẩm quấn kín xung quanh. Điều này sẽ giúp hoạt chất trong thuốc dễ dàng hấp thụ và phát huy tác dụng.
- Quang trị liệu: Hay còn gọi là liệu pháp ánh sáng, bác sĩ chiếu ánh sáng đặc biệt với bước sóng phù hợp lên vùng da đang bị bệnh. Ánh sáng tác động lên da, xuyên xuống hạ bì và tiêu diệt tác nhân gây ngứa. Liệu trình sẽ gồm nhiều đợt theo chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng thuốc Đông y
Đông y nhận định ngứa da do cơ thể nhiễm phong hàn, phong nhiệt hoặc hoặc hư can,... Do đó, các bài thuốc sẽ kết hợp nhiều dược liệu giúp trừ độc, thúc đẩy lưu thông khí huyết, đào thải độc tố khỏi cơ thể. Dưới đây là một số bài thuốc chữa ngứa được áp dụng phổ biến.
Bài thuốc trị ngứa do phong hàn
Bài thuốc được chỉ định cho người bị ngứa da kèm triệu chứng như da khô, bong vảy, thường phát trong mùa đông. Ngoài ra chất lưỡi nhạt, có rêu lưỡi mỏng trắng.
- Bài thuốc: Chuẩn bị dược liệu gồm 9g can khương, 6g ngải cứu, 10 quả táo tàu, 6g quê chi.
- Cách thực hiện: Sắc các dược liệu trên với nước và uống trong ngày.
Bài thuốc trị ngứa do huyết hư can hỏa
Người bệnh có biểu hiện ngứa kịch liệt, da thô ráp, mất ngủ, bồn chồn, hay bị đánh trống ngực. Chất lưỡi của người bệnh đỏ, rêu lưỡi mỏng, thường gặp ở người cao tuổi.
- Bài thuốc: Chuẩn bị dược liệu gồm sinh địa 15g, mạch môn 15g, thạch hộc 12g, ngũ vị tử 6g, đương quy 15g, sơn thù nhục 10g, bạch tật lê 15g, kỷ tử 10g, huyền sâm 10g, ích mẫu thảo 15g, táo nhân 10g.
- Cách thực hiện: Cho dược liệu trên vào ấm, thêm 1 lít nước và sắc sôi để uống trong ngày.
Bài thuốc trị ngứa do thấp nhiệt
Bài thuốc dành cho người bệnh bị ngứa da, ngứa tập trung ở phía người dưới. Khi gãi rĩ nước, miệng đắng, chất lưỡi đỏ và rêu lưỡi vàng. Bệnh thường gặp ở nữ giới hoặc thanh niên.
- Bài thuốc: Sài hồ 6g, ý dĩ nhân 20g, chi tử 10g, long đảm thảo 6g, vỏ núc nác 10g, xa tiền tử 15g, trạch tả 10g, cam thảo 6g, thổ phục linh 15g.
- Cách thực hiện: Cho dược liệu vào ấm, sắc với 1 lít nước đến khi sôi, đợi cạn còn 2/3 thì tắt bếp và chắt ra cốc uống.
Bài thuốc trị ngứa do phong nhiệt
Bài thuốc phù hợp cho người ngứa da khi gặp thời tiết nóng, trời mát sẽ giảm ngứa. Vùng da bị ngứa ửng đỏ, nổi các nốt sần đỏ, rêu lưỡi mỏng vàng.
- Bài thuốc: Gồm có đương quy 10g, xích thược 15g, sinh địa 15g, xuyên khung 6g, thiền thoái 6g, kinh giới 10g, vỏ núc nác 10g, cam thảo 6g, bồ công anh 15g.
- Cách thực hiện: Đun dược liệu với 1.5 lít nước, đợi khi sôi thì tắt bếp và rót ra uống xen kẽ với nước hằng ngày.
Phòng ngừa bệnh ngứa da
Để phòng ngừa ngứa da, bác sĩ đưa ra những hướng dẫn quan trọng như sau:
- Dưỡng ẩm da hằng ngày: Bác sĩ khuyến nghị sau khi tắm nên dùng kem dưỡng da để cấp ẩm, làm mềm da, tránh hiện tượng da khô gây kích ứng ngứa ngáy. Nên ưu tiên lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm có thành phần từ thiên nhiên, lành tính để bảo vệ da.
- Dùng máy tạo độ ẩm: Để dưỡng da đủ độ ẩm, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm không khí. Thiết bị này đặc biệt cần thiết cho những không gian phòng dùng điều hòa hoặc máy sưởi dễ gây khô da.
- Tránh tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng: Bao gồm bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo, các thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, đậu phộng, rượu bia, thuốc lá,...
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng stress là một nguyên nhân khiến tình trạng da ngứa nặng hơn. Do đó, nên tham gia các hoạt động thư giãn tinh thần như thiền, yoga, thể dục thể thao,... Các hoạt động này cũng giúp tăng cường đề kháng, phòng ngừa bệnh hiệu quả.
- Bổ sung thực phẩm tính mát: Để tránh bị ngứa, nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày các thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và khoáng chất như rau củ, trái cây tươi, hạt dinh dưỡng, trà thanh nhiệt như trà hoa cúc, trà khổ qua,...
- Mặc đồ rộng rãi: Ưu tiên lựa chọn các bộ đồ rộng rãi thoải mái, làm từ chất liệu mềm, thân thiện với làn da, thấm hút mồ hôi.
- Hạn chế gãi: Trong trường hợp bị ngứa, cần hạn chế tối đa gãi, chà xát lên da vì điều này sẽ khiến da thêm kích ứng, lan rộng vùng ngứa, thậm chí trầy xước da gây nhiễm trùng.
- Thăm khám bác sĩ: Đối với những trường hợp ngứa da không rõ nguyên nhân, người bệnh cần nhanh chóng đến các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.
Trên đây là thông tin về chi tiết liên quan đến tình trạng ngứa da mà nhiều người mắc phải. Da bị ngứa thường xuyên có thể do nhiều nguyên nhân, từ đó phương pháp điều trị cũng khác biệt. Vậy nên, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, thực hiện xét nghiệm chuyên sâu để có phương pháp chữa bệnh phù hợp, hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng không mong muốn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!