Vảy Nến Da Đầu
Bệnh vảy nến có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm vùng đầu, gây ra nhiều ảnh hưởng như bong tróc da, ngứa ngáy khó chịu. Thậm chí một số trường hợp vảy nến da đầu còn bị rụng tóc nhiều, khiến người bệnh vô cùng lo ngại. Thực chất hiện tượng này có gây nguy hiểm không, nguyên nhân hình thành do đâu và điều trị như thế nào? Nếu đang quan tâm đến vấn đề trên đây, bạn đọc đừng bỏ qua thông tin được chia sẻ ở bài viết sau.
Bệnh vảy nến da đầu là gì?
Rất nhiều trường hợp bị vảy nến da đầu nhưng chưa biết bản chất thực sự của nó. Đây chính là hiện tượng các tế bào thượng bì tăng sinh bất thường, gấp 5 lần tốc độ bình thường. Hiện tượng rối loạn da cơ địa này có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào với tỷ lệ 51% người bị vảy nến nói chung.
Bệnh vảy nến da đầu rất dễ nhận biết bởi tình trạng tế bào thượng bì tăng sinh nhiều, các vùng da trên đầu bị bong tróc vảy trắng, nổi cộm hoặc viêm đỏ. Ban đầu vảy nến xuất hiện theo từng mảng nhỏ, nếu không được can thiệp từ sớm sẽ lan ra toàn bộ đầu, xuống cổ, trán, vành tai và một số bộ phận xung quanh.
Dựa vào mức độ tiến triển của vảy nến da đầu, người ta chia thành 2 loại như sau:
- Vảy nến thể nhẹ: Nếu bạn có diện tích vùng da đầu bị tổn thương dưới 5%, đồng thời các tổn thương có đường kính từ 1 - 2cm được gọi là vảy nến thể nhẹ. Lúc này người bệnh có biểu hiện là lớp vảy màu trắng bạc giống như gàu gây cảm giác ngứa ngáy, thậm chí là đau rát nếu bạn gãi nhiều, kèm theo đó người bệnh thường bị rụng tóc.
- Vảy nến thể nặng: Với tình trạng này, diện tích vùng da đầu bị tổn thương là trên 10%, có vảy đỏ dày đặc, khiến tóc rụng nhiều và khó có thể mọc lại.
Nguyên nhân vảy nến da đầu thường gặp
Một số nghiên cứu cho thấy rằng, với người bình thường, thời gian chu chuyển tế bào thượng bì là khoảng 22 - 27 ngày, trong khi với người bị bệnh vảy nến, thời gian này rút ngắn chỉ còn 2 - 4 ngày. Khi các tế bào mới được hình thành nhưng tế bào cũ chưa kịp loại bỏ, chúng chồng chất lên nhau, làm xuất hiện vảy và tình trạng bong tróc.
Hiện nay, nguyên nhân chính gây ra bệnh vảy nến da đầu vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố tác động khiến bệnh khởi phát và tiến triển dai dẳng. Cụ thể:
- Do di truyền: Một trong những lý do hàng đầu khiến bạn mắc bệnh vảy nến da đầu đó chính là do di truyền. Nếu trong gia đình có ông bà, bố mẹ mắc các bệnh ngoài da như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, tổ đỉa, dị ứng thì khả năng bạn bị bệnh cũng cao hơn những người khác.
- Rối loạn chuyển hóa da: Các chuyên gia cho biết những người bị vảy nến có làn da đặc biệt với mức độ oxy hóa cao gấp 4 lần so với người bình thường, từ đó khả năng tổng hợp ADN tăng lên, gây ra hiện tượng tăng sinh tế bào sừng.
- Rối loạn chuyển hóa trong cơ thể: Khi cơ thể gặp hiện tượng rối loạn chuyển hóa các chất, đặc biệt là đạm sẽ làm tăng nguy cơ vảy nến da đầu hình thành và tiến triển nặng hơn.
- Căng thẳng, stress: Có thể bạn chưa biết, nếu thần kinh bị căng thẳng, áp lực, stress cũng làm kích hoạt những bất thường của hệ miễn dịch, từ đó khiến bệnh vảy nến khởi phát.
- Nhiễm trùng: Những đối tượng đang bị bệnh nhiễm trùng có liên quan đến vi khuẩn, vi trùng có tỷ lệ mắc vảy nến da đầu cao hơn so với người bình thường.
- Béo phì: Hiện tượng tăng cân đột ngột, béo phì sẽ làm mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, khi đó sẽ tác động để phá vỡ sự liên kết giữa tế bào estrogen và elastin khiến da bị nhiễm trùng, tăng nguy cơ bị bệnh.
- Tác động cơ học: Những người bị vảy nến da đầu nếu thường xuyên gãi, chà xát mạnh khiến da bị tổn thương nặng hơn, dễ nhiễm khuẩn và bệnh cũng tiến triển dai dẳng mãi không khỏi.
- Yếu tố khác: Nếu có một chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, lạm dụng chất kích thích, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học hoặc sử dụng nhiều thuốc kháng sinh cũng chính là tác nhân khiến bạn bị bệnh vảy nến da đầu.
Triệu chứng của bệnh
Vảy nến da đầu thường bị nhầm lẫn với gàu trên đầu, do đó nhiều người chủ quan không tìm biện pháp khắc phục từ sớm, chỉ khi nó tiến triển nghiêm trọng và gây ra những ảnh hưởng xấu mới bắt đầu lo lắng. Để có thể nhận biết rõ chứng bệnh này, bạn nên dựa vào những biểu hiện sau:
- Trên da đầu có những mảng đỏ hình thoi hoặc hình tròn, dễ thấy sự khác biệt so với vùng da bình thường.
- Tại khu vực bị tổn thương có nhiều vảy trắng xếp chồng lên nhau, gây bong tróc.
- Tùy từng tình trạng bệnh mà mảng đỏ có thể lớn hoặc nhỏ, tập trung hoặc riêng lẻ.
- Mảng đỏ, vảy trắng trên da đầu có khả năng cao bị lây lan xuống trán hoặc cổ, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
- Nếu bạn gãi hoặc chà xát mạnh khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn, đau rát, thậm chí là chảy máu.
- Người bệnh vảy nến da đầu rất dễ bị rụng tóc ở khu vực da bệnh, một số trường hợp mất tóc vĩnh viễn, không thể mọc lại.
Vảy nến da đầu có lây không, có gây nguy hiểm không?
Vảy nến da đầu là một bệnh da liễu mãn tính, tiến triển dai dẳng và thường xuyên tái phát, do đó người bệnh thường băn khoăn liệu hiện tượng này có nguy hiểm không, có lây không. Thậm chí một số người xung quanh cảm thấy lo ngại, sợ bị lây nhiễm nên tránh xa, không muốn tiếp xúc với người bệnh.
Trả lời vấn đề này, các chuyên gia cho biết thực tế vảy nến da đầu không có khả năng lây từ người sang người do không khởi phát từ vi khuẩn hay virus. Tuy nhiên tình trạng này có tính di truyền nên nếu người mẹ đang mang thai và bị vảy nến thì khả năng cao đứa trẻ sinh ra cũng mắc bệnh. Thêm vào đó, khi không có biện pháp cải thiện từ sớm, các triệu chứng của bệnh có thể lây lan ra nhiều vị trí khác trên cơ thể.
Tham khảo: Vảy Nến Thể Mủ Nguy Hiểm Không? Nguyên Nhân, Cách Chữa
Vảy nến da đầu được xem là một dạng viêm da lành tính, thông thường không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Những ảnh hưởng của nó thường là gây ra hiện tượng ngứa ngáy khó chịu, hình thành từng mảng đỏ với vảy trắng dễ nhận biết, khi đó làm mất tính thẩm mỹ. Nhiều trường hợp còn bị rụng tóc nhiều rất khó mọc lại. Bởi vậy người bệnh thường có cảm giác tự ti, ngại giao tiếp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nếu bạn không tìm cách chữa trị, để bệnh kéo dài dai dẳng còn tiềm ẩn nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa, béo phì, gây ra các bệnh về tim mạch, huyết áp, thận, gan, khớp và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Phương pháp điều trị vảy nến da đầu hiệu quả nhất
Như đã nói, vảy nến da đầu thông thường không gây hại cho sức khỏe tổng thể nhưng lại ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, về lâu dài còn gây ra nhiều bệnh lý khác. Vậy nên các chuyên gia khuyên rằng, ngay khi phát hiện những biểu hiện của bệnh, bạn nên tìm biện pháp phù hợp để cải thiện.
Tùy từng mức độ bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau như dùng mẹo dân gian, thuốc Tây y hay liệu pháp ánh sáng.
Mẹo tại nhà
Áp dụng mẹo dân gian chữa vảy nến tại nhà là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người do có độ an toàn cao, đơn giản, tiết kiệm chi phí trong khi nhận được hiệu quả tích cực. Người bệnh vảy nến da đầu có thể sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên sau:
Dùng lá trà xanh
Đây là loại lá thường được dân gian sử dụng để đẩy lùi triệu chứng của các bệnh ngoài da như tổ đỉa, vảy nến, viêm da cơ địa, á sừng, rôm sảy. Các Y học hiện đại và cổ truyền đều khẳng định lá trà xanh có chứa hoạt chất kháng viêm, diệt khuẩn cùng hàm lượng chất chống oxy hóa cao nên giúp hạn chế bong tróc, giảm ngứa và làm chậm quá trình hình thành lớp sừng trên da.
Cách thực hiện:
- Bạn lấy một nắm lá trà xanh mang rửa sạch, ngâm cùng nước muối pha loãng để loại bỏ vi khuẩn, tạp chất sau đó để ráo.
- Lúc này bạn vò nát lá trà xanh, cho vào nồi đun cùng 2 lít nước cho đến khi sôi thì đun tiếp khoảng 5 phút rồi tắt bếp.
- Bạn cho nước ra chậu, chờ nguội bớt thì dùng để gội đầu.
Bồ kết
Bồ kết được biết đến là nguyên liệu gội đầu giúp giảm gàu, cho mái tóc đen, óng mượt, hạn chế gãy rụng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng tìm thấy trong bồ kết có chứa hoạt chất saponin với tác dụng ức chế và tiêu diệt sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm, đồng thời giảm nhanh hiện tượng ngứa ngáy, bong tróc.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị 5 - 7 quả bồ kết, nướng cho đến khi quả chuyển sang màu vàng, có mùi thơm là được.
- Tiếp đến dùng chày giã nhỏ, cho vào nồi đun sôi cùng 2 lít nước.
- Người bệnh vảy nến lấy nước này pha cùng một ít nước mát rồi gội đầu.
- Nên áp dụng mỗi tuần 3 - 4 lần sẽ thấy rõ hiệu quả cải thiện.
Lá trầu không
Tương tự như chè xanh, lá trầu không cũng có khả năng cải thiện các triệu chứng của bệnh da liễu mãn tính, bao gồm vảy nến da đầu. Người ta tìm thấy trong nguyên liệu này có chứa nhiều hoạt chất với tác dụng giảm ngứa ngáy, đau rát trên da, đồng thời ức chế sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm. Do đó bạn không nên bỏ qua mẹo chữa vảy nến bằng trầu không tại nhà.
Cách thực hiện:
- Bạn lấy một nắm lá trầu không rửa sạch, chờ ráo.
- Sau đó vò nhẹ rồi cho vào nồi đun sôi cùng 1,5 lít nước trong 5 phút.
- Tiếp theo cho nước ra chậu, loại bỏ phần bã.
- Chờ khi nước nguội bớt thì dùng để gội đầu, kết hợp massage khoảng 10 phút rồi gội lại với nước sạch.
Sử dụng thuốc
Thuốc trị vảy nến da đầu thường được bác sĩ chỉ định nhằm mục đích giảm nhanh các cơn ngứa ngáy khó chịu, kháng viêm, làm bong lớp vảy sừng trên da. Mặc dù có hiệu quả cao, tuy nhiên bạn vẫn nên thận trọng, tuân thủ đúng theo lời dặn của bác sĩ vì thuốc tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe.
- Acid salicylic: Đây là thuốc bôi ngoài da dành cho những ai đang bị vảy nến da đầu. Acid salicylic thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid có khả năng sát khuẩn, ức chế sự hình thành và phát triển của vi khuẩn, vi nấm, kích thích làm bong tế bào sừng và phục hồi vùng da bị tổn thương.
- Dermovate: Kem bôi Dermovate cũng được chỉ định để điều trị một số bệnh ngoài da như nấm da, vảy nến da đầu, tổ đỉa,... Mặc dù có nguồn gốc xuất xứ tại Thái Lan nhưng hiện nay loại thuốc này đã có mặt tại nhiều nhà thuốc ở Việt Nam. Dermovate hỗ trợ chống viêm, ngứa, ức chế chất trung gian hóa học gây phản ứng viêm.
- Thuốc Methotrexate: Nếu có nhu cầu sử dụng thuốc uống trị vảy nến, bạn có thể lựa chọn Methotrexate. Thuốc hỗ trợ ức chế miễn dịch, ngăn ngừa quá trình sản sinh tế bào sừng quá mức, kiểm soát các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Methotrexate có thể gây ra tác dụng phụ nên bạn không sử dụng trong trường hợp rối loạn đông máu, bị suy gan thận, chị em đang mang thai hoặc cho con bú.
- Thuốc Acitretin: Loại thuốc này có chứa retinoid và một số thành phần dược tính khác giúp giảm tốc độ tăng sinh tế bào ở tầng thượng bì, loại bỏ mảng bám trên da đầu, đẩy lùi các triệu chứng gây khó chịu. Tuy nhiên Acitretin chỉ được chỉ định trong phác đồ trị vảy nến da đầu mức độ nặng và cơ thể không đáp ứng với các loại thuốc khác.
Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng còn được biết đến là quang trị liệu, sử dụng tia cực tím nhằm mục đích làm chậm quá trình phát triển của tế bào, đẩy lùi các triệu chứng của bệnh vảy nến. Quang trị liệu UVB là phương pháp chủ yếu được áp dụng cho trường hợp vảy nến từ mức độ trung bình đến nặng. Bệnh nhân có thể được điều trị tại cơ sở y tế hoặc tại nhà.
Liệu pháp ánh sáng UVB được chia thành 2 loại là UVB băng hẹp và UVB băng hẹp, tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ bệnh khác nhau mà bác sĩ áp dụng loại ánh sáng phù hợp. Ở thời gian đầu điều trị, các triệu chứng của bệnh có thể tiến triển theo chiều hướng xấu hơn, tuy nhiên vấn đề này chỉ diễn ra tạm thời, sẽ được cải thiện khi cơ thể thích nghi. Với một số bệnh nhân, bác sĩ sẽ kết hợp cùng thuốc bôi hoặc thuốc uống để tăng hiệu quả điều trị.
Lưu ý quan trọng cho người bệnh vảy nến da đầu
Khi bị vảy nến da đầu, để bệnh tình được cải thiện nhanh chóng, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng tái phát liên tục, bạn cần chú ý một số vấn đề dưới đây:
- Gội đầu hàng ngày với các sản phẩm dịu nhẹ, có thành phần tự nhiên lành tính, không sử dụng sản phẩm có chứa hoạt chất hóa học gây hại.
- Tuyệt đối không nên chà xát mạnh, không cào gãi ở vùng da bị tổn thương, gội đầu nhẹ nhàng.
- Không nên làm tóc, nhuộm, uốn, sử dụng hóa chất trong quá trình chữa vảy nến.
- Hạn chế sử dụng máy sấy có nhiệt độ cao, tốt nhất nên để tóc khô tự nhiên.
- Chú ý giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh căng thẳng, lo âu vì đây chính là một trong những tác nhân gây vảy nến.
- Khi sử dụng thuốc hay bất kỳ liệu pháp nào cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia để đảm bảo an toàn.
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu omega 3, kẽm, acid folic,... Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh xa thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng, chất kích thích.
- Uống nhiều nước, thường xuyên vận động thể dục thể thao, dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ,...
Vảy nến da đầu khiến bạn ngứa ngáy khó chịu, mất tự tin, giảm chất lượng công việc và cuộc sống. Bệnh có thể tiến triển dai dẳng và thường xuyên tái phát khiến nhiều người lo ngại. Bởi vậy bạn nên xác định rõ nguyên nhân, cách điều trị từ sớm. Tốt nhất hãy thăm khám bác sĩ để được tư vấn và nhận phác đồ phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!