Đột Quỵ Tuổi 20
Đột quỵ không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Những người trẻ trong độ tuổi 20 có thể bị đột quỵ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần lớn là do lối sống sinh hoạt, ăn uống không khoa học, lành mạnh. Bài viết dưới đây hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh đột quỵ tuổi 20 và những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Đột quỵ tuổi 20 có thể xảy ra?
Đột quỵ là một căn bệnh nguy hiểm chủ yếu xảy ra ở người già và những người trung niên có sức khỏe yếu. Vì vậy nhiều người trẻ thường chủ quan và cho rằng bệnh sẽ không xuất hiện khi còn trẻ. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, tình trạng đột quỵ tuổi 20 lại ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Một công bố từ Tổ chức Đột Quỵ Hoa Kỳ vào năm 2019 cho biết, tỷ lệ bệnh nhân bị đột quỵ trong độ tuổi từ 18-50 đang ngày càng tăng cao mỗi năm thêm 15%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này đó là do hẹp mạch máu, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch. Tuy nhiên ở người trẻ, tình trạng đột quỵ có thể sẽ khởi phát do nhiều yếu tố khác gây nên.
Tại Việt Nam, nhóm người trẻ tuổi bị đột quỵ cũng đang có xu hướng gia tăng, trong đó tỷ lệ bệnh nhân là nam giới cao hơn nữ giới gấp 4 lần. Thậm chí còn có những trường hợp bị đột quỵ khi mới 12-13 tuổi. Vì vậy, đột quỵ tuổi 20 là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra.
Nguyên nhân gây đột quỵ ở tuổi 20
Nguyên nhân gây đột quỵ ở tuổi 20 cũng tương tự như bị đột quỵ ở người già và người trung niên, chủ yếu là do máu và oxy không kịp cung cấp lên não. Bên cạnh đó những yếu tố dưới đây cũng là nguyên nhân khiến bạn dễ gặp phải tình trạng đột quỵ hơn so với những người khác:
- Mắc một số căn bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp,... đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, khiến mạch máu bị tắc nghẽn. Khi máu không lưu thông được đến não sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Có thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất bảo quản. Khi đó lượng cholesterol xấu sẽ tăng cao, tích tụ vào thành mạch gây cản trở lưu thông máu lên não.
- Thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý khiến người trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng stress, thiếu ngủ. Điều này khiến cho tim co bóp mạnh hơn, huyết áp tăng cao và dễ dẫn đến đột quỵ.
- Sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá, khiến mạch máu bị tổn thương, thành mạch máu dày lên, làm tăng nguy cơ xơ cứng động mạch. Ngoài ra, chất nicotine trong khói thuốc cũng làm tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ.
- Bị béo phì, lười vận động sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Theo các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, có khoảng hơn 10% bệnh nhân bị đột quỵ khi trẻ tuổi có chỉ số BMI >30.
- Nữ giới thường xuyên lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ khiến huyết áp tăng cao, làm tăng khả năng đông máu. Từ đó dẫn đến hiện tượng đột quỵ do bị thiếu máu cục bộ.
- Bệnh lý dị dạng mạch máu não cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng đột quỵ và xuất huyết não ở người trẻ tuổi. Sự phát triển bất thường của mạch máu não khiến thành mạch máu mỏng và hình thành các túi phình tại đây.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Những người trẻ tuổi cần chú ý nhiều hơn đến các triệu chứng bất thường của cơ thể để sớm nhận biết các dấu hiệu đột quỵ. Cụ thể, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
- Đột ngột có cảm thấy tê, liệt ở mặt, tay hoặc chân. Những triệu chứng này có thể xảy ra ở một bên mặt, một bên tay/chân.
- Khả năng ngôn ngữ bị rối loạn, đột nhiên không nói được, giọng nói bị méo, nói ngọng, không ai hiểu được đang nói gì.
- Thị lực suy giảm đột ngột, triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện ở một bên mắt
- Cơn đau đầu dữ dội kéo đến.
- Người bệnh bị chóng mặt, mất thăng bằng, không thể thực hiện vận động theo ý muốn.
- Trí nhớ bị rối loạn, hay quên.
Biến chứng nguy hiểm khi bị đột quỵ ở người trẻ tuổi
Đột quỵ ở người trẻ tuổi hay người cao tuổi đều rất nguy hiểm. Vì vậy khi phát hiện ra các triệu chứng bất thường của sức khỏe, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức để làm giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe. Càng chần chừ trong việc điều trị càng làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là dẫn đến tử vong.
Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm của bệnh đột quỵ mà những người trẻ có thể gặp phải:
- Khả năng nhận thức và trí nhớ bị suy giảm.
- Khả năng giao tiếp, nói chuyện, diễn đạt bằng lời nói và hành động gặp nhiều khó khăn.
- Tâm lý người bệnh bất ổn, khó kiểm soát, có thể dẫn đến trầm cảm.
- Người bệnh có thể bị tê liệt, mất khả năng vận động ở một số cơ quan, một số bộ phận.
- Viêm phổi cấp tính gây khó thở, ho có đờm dai dẳng.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra tình trạng đi tiểu ra máu, đau rát khi đi tiểu.
- Biến chứng động kinh, co giật.
- Khó nuốt, khó nhai, thức ăn bị trào ra ngoài hoặc mắc nghẹn trong cổ họng.
- Có thể dẫn đến tàn phế hoặc sống thực vật suốt đời.
Phương hướng điều trị đột quỵ ở người trẻ
Khi tình trạng đột quỵ xảy ra, người bệnh sẽ được điều trị theo các phương pháp như sau:
Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết
Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho những trường hợp bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Thuốc này có tác dụng hoạt hóa plasmin để làm tiêu các cục máu đông. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm giảm tỷ lệ tàn tật và tăng khả năng hồi phục nếu được sử dụng trong vòng 3-6 giờ đầu, kể từ khi người bệnh bị đột quỵ.
Can thiệp nội mạch
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thêm các biện pháp can thiệp nội mạch như:
- Lấy huyết khối trực tiếp: Phương pháp này có tác dụng lấy cục huyết khối ra khỏi mạch máu não, giúp mạch máu được lưu thông như bình thường.
- Làm tiêu sợi huyết tại chỗ: Nếu huyết khối trong mạch máu không được lấy hết ra, bác sĩ sẽ tiếp tục tiêm thêm thuốc tiêu sợi huyết tại chỗ để loại bỏ cục máu đông.
- Đặt Stent động mạch não: Phương pháp này được thực hiện trong trường hợp mạch máu xẹp và tình trạng xơ vữa nhiều, giúp mạch máu được lưu thông và hạn chế hình thành huyết khối tại đây.
Thuyên tắc nội mạch
Đối với kỹ thuật thuyên tắc nội mạch, bác sĩ sẽ sử dụng vòng xoắn kim loại để bít túi phình bị vỡ, ngăn không cho máu chảy ra ngoài não. Phương pháp này được đánh giá là an toàn, mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh.
Chỉ định phẫu thuật
Đột quỵ tuổi 20 có thể được chỉ định phẫu thuật trong trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ do xuất huyết não, cần cầm máu và lấy đi các khối máu tụ, giải áp vùng mô não bị tổn thương.
Phương pháp này sẽ giúp giải quyết nguyên nhân gây vỡ mạch máu, hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và làm tăng tỷ lệ sống sót cho người bệnh. Một số phương pháp phẫu thuật được sử dụng trong trường hợp này đó là: Kẹp mạch máu đang chảy, cắt dị dạng động mạch và bóc tách mạch cảnh.
Xạ phẫu lập thể
Phương pháp điều trị này có tác dụng sửa chữa những bất thường ở mạch máu não bằng cách đưa dòng tia xạ năng lượng cao vào bên trong não. Khi đó, bác sĩ có thể can thiệp vào các mạch máu não nằm gần vùng não có chức năng quan trọng và cả những mạch máu não nằm ở sâu bên trong mô não.
Phòng ngừa bệnh đột quỵ tuổi 20
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc bệnh đột quỵ não. Trong đó có 5 triệu người bị tàn phế suốt đời và 5 triệu người tử vong. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh đột quỵ ngay từ hôm nay là việc làm cần thiết và quan trọng. Nhất là với những người trẻ tuổi, bạn cần chú ý tới những vấn đề sau:
- Tích cực vận động, rèn luyện thể dục thể thao bằng các bài tập phù hợp như: Tập gym, tập yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập earobic,... Tuy nhiên bạn cần chú ý không nên tập quá sức sẽ không tốt cho sức khỏe.
- Nên ăn uống đúng giờ, không ăn khuya, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều muối, chất bảo quản,...
- Uống nhiều nước, trung bình mỗi người nên uống từ 2-2,5 lít nước để thanh lọc cơ thể. Bạn có thể sử dụng nước lọc, nước trái cây hoặc nước chanh muối. Tuy nhiên không được sử dụng các loại nước ngọt có gas hoặc các loại nước có nhiều đường hóa học.
- Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, các loại đậu,... để cung cấp thêm nhiều dưỡng chất như vitamin, khoáng chất, chất xơ, protein, omega-3....
- Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc,... là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị đột quỵ.
- Nghỉ ngơi hợp lý, nên có nhiều thời gian thư giãn, giải trí để tránh căng thẳng stress kéo dài.
- Nên đi ngủ sớm, tránh thức khuya, thời gian thích hợp để bạn đi ngủ là vào lúc 22-23 giờ hàng ngày.
- Nên đi khám và tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kiểm soát các bệnh lý như huyết áp, tim mạch, tiểu đường. Từ đó giúp phòng ngừa tình trạng đột quỵ hiệu quả.
Như vậy bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh đột quỵ tuổi 20. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và gây ra những biến chứng nặng nề cho người bệnh. Vì thế bạn cần chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học và thay đổi lối sống sinh hoạt sao cho hợp lý, lành mạnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!