Đột Quỵ Và Cách Sơ Cứu Tại Chỗ Đúng Kỹ Thuật Giảm Biến Chứng
Đột quỵ là rối loạn tuần hoàn máu não tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không kịp thời phát hiện. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ sẽ góp phần giảm nguy cơ biến chứng, bảo vệ mạng sống, tăng khả năng phục hồi cho người bệnh. Dưới đây, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về đột quỵ và cách sơ cứu đúng kỹ thuật được các tổ chức y tế khuyến nghị.
Nhận biết sớm đột quỵ dễ dàng sơ cứu
Trước khi tiến hành các biện pháp sơ cứu, cần quan sát tổng thể tình trạng của bệnh nhân để kịp thời có các can thiệp phù hợp. Trong đó FAST và BE FAST là 2 quy tắc được nhiều tổ chức y tế lớn áp dụng trong nhận biết đột quỵ.
Quy tắc FAST
- F (Face): Do ảnh hưởng của thần kinh, mặt người bệnh sẽ có những dấu hiệu khác thường như méo miệng, co giật, liệt 1 bên cơ mặt, rối loạn thị lực.
- A (Arm): Tứ chi khó cử động, không thể cầm nắm đồ vật hoặc có thể cầm nhưng không chắc.
- S (Speech): Lưỡi không thể kiểm soát, nói ngọng, nói không rõ chữ hoặc không thể diễn đạt câu hoàn chỉnh theo ý muốn.
- T (Time): Thời gian xuất hiện và diễn biến các triệu chứng đột quỵ rất nhanh.
Quy tắc BE FAST
Về cơ bản, quy tắc BE FAST là sự bổ sung và đầy đủ hơn các dấu hiệu đột quỵ so với quy tắc FAST. Theo đó, 2 dấu hiệu được bổ sung thêm là B (Balance) và E (Eyesight):
- B (Balance): Bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, đau đầu dữ dội, chóng mặt, không đủ khả năng vận động theo ý muốn.
- E (Eyesight): Thị lực giảm nhanh, mờ một bên mắt hoặc thậm chí là cả hai mắt.
Khi một người bị đột quỵ sẽ xuất hiện những triệu chứng kể trên (tuỳ mức độ nặng nhẹ mà đôi khi chỉ có 3-5 triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân). Nếu nhận thấy một người đang gặp các dấu hiệu đó cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu và thực hiện ngay những sơ cứu tại chỗ nhằm tận dụng thời gian vàng, hạn chế tối đa các biến chứng.
Đột quỵ và cách sơ cứu đúng kỹ thuật y tế
Trước tiên, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để tận dụng “6 giờ vàng” đầu tiên. Sau đó mới tiến hành quan sát bệnh nhân và thực hiện các thao tác sơ cứu được khuyến cáo.
Việc sơ cứu cho bệnh nhân đột quỵ cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định và nên được thực hiện theo trình tự sau:
Nguyên tắc sơ cứu
Các tổ chức y tế về đột quỵ khẳng định, để dự phòng các biến chứng và đảm bảo mạng sống, bệnh nhân tai biến mạch máu não cần được sơ cứu theo nguyên tắc A – B – C trước khi đưa đến bệnh viện. Trong đó, A – B – C lần lượt là viết tắt của các từ Airway (đường thở) – Blood (máu) – Circulation (tuần hoàn).
Cụ thể như sau:
A (Airway):
- Quan sát tình trạng thở của bệnh nhân, nếu có dấu hiệu ngừng thở cần thực hiện hô hấp nhân tạo nhằm kích thích khả năng hô hấp và tuần hoàn.
- Bởi bệnh nhân tai biến mạch máu não khi ngừng thở 4 phút đã có thể chết não và dẫn đến tử vong.
B (Blood):
- Kiểm tra toàn bộ cơ thể xem bệnh nhân có bị chảy máu hay không (nhất là trường hợp mất thăng bằng và bị ngã).
- Nếu bệnh nhân chảy máu cần cầm máu lập tức, tuyệt đối không để mất máu kéo dài.
C (Circulation):
- Kiểm tra các mạch máu lớn trong cơ thể (động mạch, mao mạch, tĩnh mạch ở cổ tay, vùng cổ…).
- Trường hợp mạch không còn đập cần tiến hành xoa bóp tim và cấp cứu ngay.
Tiến hành sơ cứu
Sau khi quan sát, thực hiện các biện pháp hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ theo nguyên tắc A – B – C. Tùy vào tình trạng người bệnh mà người sơ cứu tiếp tục áp dụng các thao cần thiết, kết hợp quan sát bệnh nhân kỹ lưỡng.
Cụ thể như dưới đây:
- Đảm bảo bệnh nhân được ở thoáng mát: Đỡ người bệnh nhẹ nhàng, tránh việc gây ngã vì có thể gây thêm tổn thương, ảnh hưởng đến việc hồi phục sau này. Sau đó dùng vật dụng che nắng, giúp bệnh nhân thoáng mát (với trường hợp đột quỵ ngoài trời), kê đầu cao 20-30°.
- Loại bỏ toàn bộ những vật dụng tiềm ẩn nguy cơ cản trở đường thở: Răng giả, áo ngực, cúc áo…
- Điều chỉnh tư thế nằm nghiêng một góc 45° khi bệnh nhân nôn: Sau khi điều chỉnh tư thế nằm, lấy hết chất nôn, nhớt ở họng để tránh gây ngạt thở. Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng hô hấp bình thường, không nôn thì có thể giữ nguyên tư thế nằm ngửa hoặc chuyển sang nằm nghiêng đều được.
- Kiểm tra tim, mạch đập: Với bệnh nhân đột quỵ đã rơi vào trạng thái hôn mê cần kiểm tra tim, mạch đập. Nếu tim ngừng đập cần hồi sức tim phổi lập tức.
- Thu thập thông tin bệnh sử: Nếu nhận thấy bệnh nhân còn tỉnh táo hãy cố gắng trò chuyện, hỏi các thông tin họ tên, số điện thoại người thân, bệnh lý nền đang mắc, nhóm máu, dị ứng thuốc, chiều cao, cân nặng… để cung cấp cho nhân viên y tế khi xe cấp cứu đến.
Lưu ý: Tư thế nằm nghiêng luôn được khuyến cáo trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân đột quỵ vì giúp bảo vệ đường thở, tránh biến chứng tốt. Ở những bệnh nhân bị tai biến mất ý thức việc nằm ngửa có thể khiến lưỡi tụt xuống họng gây tắc đường thở; Khi nôn nằm ngửa cũng dễ gây hít phải chất nôn cản trở hô hấp.
Những sai lầm khi sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
Việc sơ cứu cho bệnh nhân đột quỵ trong 3-6 giờ đầu tiên rất quan trọng. Dẫu biết “cứu người như cứu hoả” nhưng việc nôn nóng và áp dụng các biện pháp sơ cứu sai cách có thể vô tình đẩy bệnh nhân vào tình trạng nguy hiểm hơn.
Do vậy, khi gặp bệnh nhân đột quỵ và áp dụng bất kỳ cách sơ cứu nào cũng cần lưu ý:
- TUYỆT ĐỐI KHÔNG cạo gió, xoa dầu, châm cứu, bấm huyệt, dùng kim/vật nhọn đâm vào đầu ngón tay bệnh nhân.
- KHÔNG cho bệnh nhân uống nước/thuốc hay ăn bất cứ đồ ăn nào khi không có bác sĩ hướng dẫn. Bởi lúc này cổ họng người bệnh có thể đã bị liệt, việc đưa đồ ăn/nước uống vào có thể gây tắc đường thở.
- KHÔNG bôi vôi dưới hai lòng bàn chân bệnh nhân.
- KHÔNG rạch, nặn máu ở hai bên ráy tai bệnh nhân.
- KHÔNG cho bệnh nhân uống an cung ngưu trước khi có sự đánh giá tình trạng đột quỵ từ nhân viên y tế.
- Hạn chế tụ tập đông người quanh bệnh nhân nhằm vì điều này có thể gây cản trở việc hô hấp. Việc đứng cách xa sẽ giúp làm thoáng không khí, bệnh nhân nhờ vậy mà dễ thở hơn.
- KHÔNG di chuyển bệnh nhân đến nơi khác để tránh tai biến thêm trầm trọng. Nên để người bệnh ở tư thế thoải mái nhất, chú ý nới lỏng quần áo.
- Khi sơ cứu tuyệt đối không cho bệnh nhân uống Aspirin vì đây là tân dược có khả năng gây chảy máu trong. Trường hợp vô tình đã cho bệnh nhân uống thuốc cần thông báo ngay với nhân viên y tế khi xe cấp cứu đến.
Sơ cứu là biện pháp tức thời giúp hạn chế các biến chứng, bảo vệ mạng sống cho bệnh nhân đột quỵ. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có được những thông tin cơ bản nhất về tình trạng đột quỵ và cách sơ cứu an toàn. Trong trường hợp gặp bệnh nhân cần hỗ trợ do tai biến mạch máu não, hãy bình tĩnh xử lý, tránh vì nôn nóng mà khiến các triệu chứng đột quỵ trở nặng.
Bài đọc thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!