Rối Loạn Giấc Ngủ
Rối loạn giấc ngủ là bệnh lý phổ biến, không chỉ gây trở ngại nghiêm trọng đến các hoạt động thường ngày. Chúng còn tác động tiêu cực tới vấn đề thể chất, tinh thần và cảm xúc của người bệnh. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, các triệu chứng nhận biết và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả, các bạn có thể theo dõi thêm trong bài viết dưới đây của Dr Vitamin.
Rối loạn giấc ngủ là bệnh gì?
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng chất lượng, thời gian ngủ thay đổi thất thường, làm ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần và đời sống của người bệnh. Do đó, việc nhận biết sớm và can thiệp điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết để giúp hạn chế những tác động tiêu cực này.
Có không ít người gặp phải tình trạng khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, ngủ ít,... Tuy nhiên, nếu tình trạng này không kéo dài và xuất phát từ nguyên nhân bên ngoài như tiếng ồn, chất kích thích hay ánh sáng quá mạnh thì không được gọi là rối loạn giấc ngủ.
Các loại rối loạn giấc ngủ phổ biến
Nhắc tới chứng rối loạn giấc ngủ, người ta thường đề cập tới 6 dạng phổ biến dưới đây:
Mất ngủ
Đây là tình trạng cơ thể khó đi vào giấc ngủ vào ban đêm và điều này thường lặp lại trong nhiều ngày liên tục. Do bị mất ngủ về đêm nên vào ban ngày, những người này sẽ có cảm giác buồn ngủ và dễ xuất hiện các chứng suy giảm nhận thức khác trong khi đang thức.
Nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ này diễn ra ít nhất ba lần mỗi tuần và liên tục trong 3 tháng thì được xem là mất ngủ mãn tính. Theo nghiên cứu sơ bộ, có khoảng ⅓ số người trưởng thành gặp phải hiện tượng mất ngủ và con số này đang có xu hướng trẻ hóa.
Parasomnias - Bệnh mất ngủ giả
Mất ngủ giả là một dạng rối loạn giấc ngủ tương đối phổ biến. Người bị Parasomnias có thể có những hành vi bất thường trước khi đi vào giấc ngủ hoặc trong lúc ngủ. Cụ thể là mộng du, nói chuyện trong khi ngủ, gặp ác mộng, tè dầm, rên rỉ,... Được biết các biểu hiện này thường bắt gặp nhiều ở trẻ em, ít phổ biến ở người lớn.
Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là hội chứng mà ở đó người bệnh bị tắc nghẽn đường thở trên trong lúc ngủ. Ngoài hai dạng ngưng thở khi ngủ là ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương thì còn có chứng ngưng thở hỗn hợp (hiện tượng phối hợp giữa hai dạng trên).
Thanh quản của người bị mắc chứng ngưng thở khi ngủ sẽ hẹp lại, khiến việc lưu thông khí qua vùng hầu họng trở nên khó khăn. Lúc này, bệnh nhân sẽ có hiện tượng ngáy để chống lại tình trạng trên hoặc có thể ngưng thở trong một thời gian - khoảng 10 giây.
Ngưng thở khi ngủ có thể khiến bạn ngưng thở nhiều lần trong lúc ngủ và hoàn toàn không nhớ gì về tình trạng này. Tương tự như chứng rối loạn giấc ngủ khác, ngưng thở khi ngủ có thể gây mệt mỏi, buồn ngủ quá mức, suy giảm nhận thức, uể oải, thiếu tập trung vào ban ngày.
Hội chứng chân không yên
Restless Leg Syndrome – RLS là chứng chân không yên hay còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom. Đây là một loại rối loạn vận động có liên quan tới giấc ngủ, chúng khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, đau nhói, khó chịu ở chân. Thậm chí là có cảm giác chân muốn di chuyển ngay trong lúc ngủ.
Người bị mắc chứng chân không yên có thể cảm thấy khó chịu ở tay và các bộ phận khác. Tuy nhiên chỉ khi chân di chuyển họ mới cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Hội chứng chân không yên thường có biểu hiện nhẹ vào ban ngày và trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
Rối loạn nhịp sinh học - Circadian
Rối loạn nhịp sinh học là tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm nhưng không thể ngủ lại. Loại rối loạn giấc ngủ này thường được chia thành các dạng như rối loạn giai đoạn ngủ muộn, rối loạn giấc ngủ do làm việc theo ca, rối loạn giấc ngủ nâng cao, nhịp điệu ngủ - thức giấc không đều hoặc hội chứng ngủ - thức không theo 24 giờ,...
Bên cạnh đó còn có các dạng rối loạn khác như ngủ quá mức vô căn, chứng tê liệt trong giấc ngủ, hội chứng Kleine-Levin - hội chứng người đẹp ngủ,...
Chứng ngủ rũ Narcolepsy
Cuối cùng là chứng ngủ rũ - một dạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi quá mức vào ban ngày dù đã nghỉ ngơi đầy đủ vào đêm trước đó. Chứng ngủ rũ khiến cơ thể người bệnh luôn trong trạng thái thèm ngủ và có thể bắt đầu những giấc ngủ đột ngột vào ban ngày.
Được biết, đây là chứng bệnh mãn tính và có thể dẫn tới mất trương lực cơ bất ngờ trong thời gian ngắn. Narcolepsy và cơn mất trương lực có thể hình thành ở bệnh nhân bị u vùng não thất ba, thân não trên, bị viêm não, tổn thương sọ não hoặc mắc bệnh Niemann - Pick.
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
- Đi tiểu nhiều trong đêm: Uống nhiều nước trước khi đi ngủ dễ dẫn tới tình trạng tiểu đêm. Việc tiểu thường xuyên trong đêm dễ gây gián đoạn giấc ngủ. Mặt khác, tiểu nhiều trong đêm còn diễn ra phổ biến ở những người bị mất cân bằng nội tiết, mắc bệnh về thận và đường tiết niệu,...
- Do mắc bệnh lý: Cảm lạnh, dị ứng, bệnh hô hấp thường gây ra tình trạng mệt mỏi, khó thở về đêm. Ngoài ra, người bị bệnh tim mạch, dạ dày, bệnh phổi cũng khó đi vào giấc ngủ và ngủ không được ngon giấc.
- Căng thẳng, lo lắng: Cảm xúc tiêu cực thường tác động xấu tới chất lượng giấc ngủ, thậm chí là gây mất ngủ. Bên cạnh đó, người bị căng thẳng, lo lắng còn có nguy cơ cao bị gặp ác mộng, mộng du, gây gián đoạn giấc ngủ.
- Ảnh hưởng từ các cơn đau mãn tính: Các cơn đau mãn tính khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ hoặc có thể làm bạn tỉnh giấc giữa đêm. Trong đó phổ biến nhất là cơn đau do viêm khớp, đau lưng, đau cơ xơ hóa, đau nửa đầu,... Một vài trường hợp, cơn đau mãn tính có thể làm trầm trọng hơn do rối loạn giấc ngủ.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ làm rối loạn giấc ngủ hoặc khiến bạn ngủ nhiều hơn.
- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình bạn có bố hoặc mẹ, anh chị em ruột mắc chứng rối loạn giấc ngủ thì nguy cơ cao bạn cũng mắc phải bệnh lý này.
- Các yếu tố khác: Tình trạng rối loạn giấc ngủ còn có thể do chế độ sinh hoạt kém lành mạnh, thường xuyên sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, khi phải làm ca đêm, di chuyển qua nhiều nước, thay đổi múi giờ cũng khiến bạn dễ bị mất ngủ, khó ngủ.
Dấu hiệu rối loạn giấc ngủ
Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ điển hình mà bạn có thể gặp phải gồm có:
- Cảm thấy khó khăn môi khi cố gắng chìm vào giấc ngủ hoặc mất một khoảng thời gian rất lâu mới có thể ngủ.
- Ngủ gật một cách đột ngột vào những thời điểm không thích hợp như khi đang trong cuộc họp, đang lái xe hoặc làm việc,...
- Chu kỳ ngủ và thức dậy không đồng đều.
- Ngưng thở, thở hổn hển hoặc ngáy to trong lúc ngủ.
- Giấc ngủ ngắn, tỉnh dậy sớm.
- Đi tiểu không tự chủ trong lúc đang ngủ.
- Thức giấc giữa đêm, khó ngủ lại, bị mộng du, có biểu hiện sợ hãi, khóc lóc, la hét khi đang ngủ.
- Tưởng tượng ra tiếng nổ lớn.
- Khi cố gắng đi vào giấc ngủ thì luôn có cảm giác kiến bò, ngứa ran ở chân - tay và tình trạng này chỉ giảm bớt khi bạn cử động chân tay.
- Gặp ảo giác khi bắt đầu ngủ hoặc trong quá trình chuyển đổi giữa việc ngủ và thức.
- Mệt mỏi, uể oải, luôn buồn ngủ và cần được đi ngủ vào ban ngày.
- Thiếu tập trung.
- Tính tình cáu kỉnh, thường xuyên thay đổi tâm trạng, lo lắng, bồn chồn.
- Suy giảm hiệu suất làm việc, học tập, hoạt động sinh hoạt bị xáo trộn.
- Cảm thấy tê liệt hoàn toàn và mệt mỏi sau khi thức dậy.
- Không nhớ được hành vi mà mình đã làm trong khi ngủ.
Ai có nguy cơ mắc chứng rối loạn giấc ngủ?
Rối loạn giấc ngủ có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn thuộc những trường hợp sau đây:
- Nữ giới có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ cao hơn so với nam giới.
- Người lớn tuổi.
- Trường hợp có lối sống kém lành mạnh, thường xuyên dùng thuốc lá, đồ uống có cồn, các chất kích thích,...
Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ
Những bệnh nhân đang có vấn đề liên quan tới chất lượng giấc ngủ sẽ được bác sĩ khám sức khỏe và thu thập thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh lý. Bên cạnh các câu hỏi về tiền sử bệnh của các thành viên trong gia đình, lối sống của người bệnh, các thực phẩm mà bạn sử dụng hàng ngày, các loại thuốc dùng gần đây,... Bác sĩ còn có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm các bài kiểm tra khác như:
- Đo đa ký giấc ngủ: Là phương pháp đánh giá toàn bộ thay đổi của cơ thể trong lúc ngủ như nhịp thở, nhịp tim, điện não, chuyển động mắt, nồng độ oxy,... Ngoài ra còn có chỉ số ngưng giảm thở để xác định xem người bệnh có bị hội chứng ngưng thở trong lúc ngủ hay không.
- Đo điện não đồ: Giúp theo dõi, ghi chép các mẫu sóng não, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn liên quan tới hoạt động điện đồ của não.
- Đo độ trễ giấc ngủ: Xác định người bệnh có ngủ đủ giấc hay không để giúp chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân.
Cách điều trị rối loạn giấc ngủ hiệu quả
Để có thể khắc phục hiệu quả chứng rối loạn giấc ngủ, bạn cần tới các cơ sở y tế để được kiểm tra, phân loại bệnh và xác định nguyên nhân. Sau khi có kết quả cụ thể, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh để lên phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ sẽ được tiến hành điều trị bằng 2 cách là dùng thuốc và thay đổi thói quen sống lành mạnh hơn. Cụ thể như sau:
Điều trị bằng thuốc
Người bị rối loạn giấc ngủ có thể được chỉ định dùng các loại thuốc điều trị như sau:
- Thuốc chống trầm cảm như Remeron, Amitriptyline.
- Thuốc ngủ hay nhóm thuốc an thần như Drexler, Seduxen, Stilnox,...
- Thuốc đồng vận Dopamin điều trị chứng chân không nghỉ.
- Dùng một số máy hỗ trợ hô hấp vào ban đêm để cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ.
Thay đổi lối sống
Bên cạnh việc dùng thuốc, các bạn thay đổi lối sống để hỗ trợ tốt cho việc cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ. Cụ thể là:
- Tạo thói quen ngủ đúng giờ.
- Phòng ngủ yên tĩnh, nhiệt độ phòng vừa phải, không quá nóng hay quá lạnh, ánh sáng yếu hoặc tắt hẳn.
- Không ăn no hoặc tập thể dục mạnh trước khi ngủ 2 giờ.
- Không dùng điện thoại, laptop hay các thiết bị điện tử trước khi ngủ ít nhất 1 giờ.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia, thuốc lá.
- Thư giãn tinh thần, tránh căng thẳng, lo lắng.
- Giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì hoặc tăng cân mất kiểm soát.
Biện pháp phòng tránh tình trạng rối loạn giấc ngủ
Phòng tránh rối loạn giấc ngủ là vấn đề khó khăn, nhưng việc này có thể hạn chế và làm giảm các yếu tố nguy cơ dẫn tới tình trạng này. Để đạt được hiệu quả, các bạn cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt hàng ngày để nâng cao chất lượng giấc ngủ. Cụ thể như sau:
- Tránh sử dụng các thiết bị điện tử khi đã lên giường: Muốn có một giấc ngủ ngon, bạn nên tránh sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, ipad, laptop khi đã chuẩn bị đi ngủ.
- Hạn chế lo lắng và suy nghĩ tích cực: Khi đã lên giường đi ngủ, các bạn nên bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tâm lý lo lắng ra khỏi đầu. Thay vào đó hãy cố gắng thư giãn, suy nghĩ tích cực để có giấc ngủ ngon hơn.
- Tạo thói quen ngủ lành mạnh: Hãy duy trì việc đi ngủ vào đúng một khung giờ cố định và tạo thói quen ngủ trước 23h, ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày. Kèm theo đó, bạn nên thư giãn tinh thần trước khi ngủ 30 phút bằng cách tắm nước ấm, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng. Mọi người cũng có thể tập các bài tập thư giãn, thiền trước khi ngủ,... Đồng thời nên thức dậy đúng giờ kể cả ngày nghỉ để hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp sinh học hoặc giấc ngủ.
- Không ngủ trưa quá nhiều: Ngủ trưa quá 60 phút mỗi ngày đều có thể làm cho giấc ngủ buổi tối ngắn lại và khó đi vào giấc ngủ hơn. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, các bạn chỉ nên ngủ trưa dưới 30 phút để giúp cơ thể thư giãn, tránh ngủ trưa sau 3 giờ chiều để tối ngủ ngon giấc.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích: Rất nhiều người có thói quen uống cà phê, trà, soda, rượu bia, hút thuốc lá,... nhất là vào buổi tối. Việc sử dụng các chất kích thích trước giờ đi ngủ sẽ khiến thần kinh căng thẳng, khó chìm vào giấc ngủ hơn. Thay vì sử dụng các chất kích thích, các bạn có thể ăn nhẹ các thực phẩm chứa carbohydrate như sữa chua, uống sữa, ăn bánh quy để giúp cải thiện giấc ngủ tốt hơn.
- Không gian phòng ngủ lý tưởng, yên tĩnh: Phòng ngủ cần đảm bảo không gian yên tĩnh, mát mẻ, không quá sáng. Nếu không, bạn có thể sử dụng nút bịt tai, bịt mắt hoặc các thiết bị cách âm dán vào tường để dễ ngủ hơn.
- Để đồng hồ xa giường ngủ: Việc để đồng hồ gần giường ngủ không ảnh hưởng tới quá trình ngủ. Tuy nhiên với những người bị mắc chứng rối loạn giấc ngủ thì nên ngược lại. Bởi khi khó ngủ, họ sẽ có thói quen nhìn đồng hồ và khiến đầu óc căng thẳng hơn. Nếu rơi vào trạng thái khó chìm vào giấc ngủ, các bạn nên ra khỏi phòng ngủ, đi lại hoặc đọc sách để thư giãn đầu óc. Sau đó vào lại giường khi cảm thấy buồn ngủ, tránh nằm mãi trên giường và xem thời gian đã trôi qua bao lâu.
- Tập thể dục thể thao: Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện chất lượng giấc ngủ cực tốt. Song hiện nay do tính chất công việc bận rộn, nhiều người thường không có thói quen vận động và gián tiếp gây ra tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
Câu hỏi liên quan
Để hiểu hơn về chứng rối loạn giấc ngủ, các bạn có thể tham khảo thêm một số câu hỏi liên quan dưới đây.
Bị rối loạn giấc ngủ có nguy hiểm không?
Rối loạn giấc ngủ có nguy hiểm nếu tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài. Bởi lúc này, cơ thể người bệnh sẽ bị suy nhược, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý. Nếu không được điều trị kịp thời, chứng bệnh này có thể gây ra tai nạn trong cuộc sống và dẫn tới tử vong.
Rối loạn giấc ngủ có tự khỏi không?
Rối loạn giấc ngủ có thể chỉ là hiện tượng thoáng qua nhưng cũng có thể trở thành bệnh mãn tính làm ảnh hưởng tới chất lượng sống. Vậy nên các bạn không nên chủ quan, hãy tiến hành điều trị bệnh ngay từ những dấu hiệu đầu tiên.
Theo đó, mọi người có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên không dùng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị với thuốc theo chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua hay dùng thuốc mà không có đơn kê hay sự tư vấn từ những người có chuyên môn.
Rối loạn giấc ngủ uống thuốc gì?
Như đã chia sẻ ở trên, có rất nhiều loại thuốc có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ như Benzodiazepine, Amitriptylin, Zolpidem, Chloral hydrate,…Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và dùng theo đúng liều lượng, liệu trình để tránh biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng tới tinh thần, sức khỏe.
Bị rối loạn giấc ngủ nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày có ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Một số thực phẩm khi dung nạp vào cơ thể có thể kích thích chứng rối loạn giấc ngủ và ngược lại. Nếu đang mắc chứng bệnh này, các bạn có thể sử dụng các loại thực phẩm sau để cải thiện tình trạng bệnh:
- Các loại hạt: Hạt óc chó, hạnh nhân,... thường được dùng để hỗ trợ cải thiện giấc ngủ vì chúng là nguồn thực phẩm có chứa hoạt chất melatonin. Đồng thời các axit béo trong các loại hạt này cũng góp phần giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
- Các loại trái cây giàu vitamin như kiwi, cherry không chỉ giúp làm đẹp da, chống oxy hóa mà còn góp phần cải thiện và điều chỉnh nhịp sinh học, thúc đẩy giấc ngủ một cách tự nhiên.
- Các loại cá béo vì chúng giàu axit béo omega 3, vitamin D giúp tăng chất lượng giấc ngủ.
- Uống sữa ấm trước khi đi ngủ cũng là một trong những cách giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Ngủ là hiện tượng tự nhiên của cơ thể, ngay khi thấy buồn ngủ, các bạn cần đi ngủ ngay, tránh chịu đựng dẫn tới tình trạng rối loạn giấc ngủ. Việc ngủ đúng giờ, đủ giấc sẽ giúp cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Ngược lại, khi chất lượng giấc ngủ kém, sẽ khiến mọi hoạt động sinh hoạt bị đảo lộn, sức khỏe giảm sút, gây ảnh hưởng tới công việc. Nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu của chứng mất ngủ, khó ngủ, các bạn nên thăm khám sớm để có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!