Rối Loạn Giấc Ngủ Ở Người Trẻ
Ngày càng nhiều bạn trẻ mắc chứng rối loạn giấc ngủ - căn bệnh tưởng chừng chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi. Vậy rối loạn giấc ngủ ở người trẻ do đâu, dấu hiệu cụ thể là gì, cách điều trị và phòng tránh ra sao? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây của Dr Vitamin để biết thêm thông tin hữu ích.
Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ là như thế nào?
Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ là những thay đổi bất thường làm ảnh hưởng tới chất lượng, thời gian, tần suất bình thường của giấc ngủ ở những người trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi. Rối loạn giấc ngủ có nhiều biểu hiện khác nhau, điển hình như:
- Mất ngủ: Đây là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến, chúng khiến bạn không thể đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
- Ngưng thở khi ngủ: Là hiện tượng rối loạn hô hấp khiến bạn ngừng thở trong khoảng 10 giây khi ngủ. Những người bị ngưng thở khi ngủ sẽ có hiện tượng ngáy, nhiều trường hợp có thể gây tử vong trong lúc ngủ.
- Chứng ngủ rũ: Các rối loạn này sẽ khiến bệnh nhân không thể tập trung hay tỉnh táo. Thay vào đó họ thường có xu hướng buồn ngủ, ngủ gật vào ban ngày, nhất là khi đang học, đang họp,...
- Hội chứng chân không yên: Được biết đến là tình trạng rối loạn giấc ngủ do cảm giác ngứa ran, châm chích ở chân. Hội chứng này cũng gây ra cảm giác thôi thúc cử động chân dữ dội.
- Mộng du: Trong lúc ngủ, người bệnh có thể hành động theo những cách bất thường như đi bộ, nói chuyện, ăn uống, khóc lóc, la hét,...
- Rối loạn nhịp sinh học: Là tình trạng rối loạn trong chu kỳ đánh thức giấc ngủ, khiến bạn không thể ngủ, thức dậy đúng giờ.
Tình trạng người trẻ bị rối loạn giấc ngủ đang có xu hướng tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc mất ngủ, khó ngủ làm giảm chất lượng cuộc sống, công việc, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng vào ban ngày. Thậm chí, chúng còn có liên quan tới các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, dễ kích động, rối loạn nhận thức, suy giảm trí nhớ,...
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người trẻ tuổi
Các yếu tố làm gián đoạn chu kỳ ngủ - thức của người trẻ hiện nay có thể kể đến như:
- Lạm dụng thiết bị công nghệ: Việc lạm dụng các thiết bị điện tử như laptop, máy tính, tivi, điện thoại vào ban ngày, trước khi đi ngủ là thói quen của nhiều bạn trẻ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới chứng rối loạn giấc ngủ do ánh sáng xanh từ những thiết bị này có thể gây hại cho hệ thần kinh, làm nhức mỏi mắt, gây khó ngủ.
- Áp lực học tập, công việc: Thành tích học tập, việc làm, vị trí xã hội, các mối quan hệ,... khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái stress, căng thẳng và áp lực. Lâu này, những nỗi lo lắng này sẽ tác động tới hệ thần kinh và làm giảm chất lượng giấc ngủ hàng ngày.
- Sử dụng chất kích thích: Giới trẻ thường sử dụng nước trà, rượu bia, cà phê, thuốc lá với mục đích giải trí và gia tăng sự tỉnh táo, giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, đây là những chất kích thích có thể khiến não bộ kéo dài sự tỉnh táo, khó đi vào giấc ngủ.
- Không gian ngủ chưa đảm bảo: Phòng ngủ chật hẹp, lộn xộn có thể không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết, làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người trẻ còn có thể hình thành do tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ phòng quá lạnh hoặc quá nóng.
- Thói quen ăn uống không lành mạnh: Phần lớn các bạn trẻ hiện nay đều có thói quen ăn uống không điều độ, kém khoa học. Các bạn dung nạp quá nhiều thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc ăn quá no về đêm. Trong khi đó, việc ăn no hoặc ăn thực phẩm khó tiêu hóa có thể gây áp lực lên dạ dày, làm cơ thể căng thẳng, gây khó ngủ, mất ngủ.
- Mắc các bệnh lý: Các bệnh lý có thể gây rối loạn giấc ngủ ở thanh thiếu nhiên như bệnh thần kinh, bệnh tiêu hóa, tiết niệu, nội tiết, hô hấp và bệnh xương khớp,...
Triệu chứng rối loạn giấc ngủ ở người trẻ
Nhìn chung, tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người trẻ cũng tương tự như các trường hợp khác. Chúng bao gồm các dấu hiệu như:
- Thức khuya nhiều gây khó ngủ, không thể đi ngủ sớm.
- Người bệnh thường mất khoảng 30 phút mới có thể chìm vào giấc ngủ.
- Khó ngủ suốt đêm, ngủ không sâu giấc hoặc thường bị tỉnh giấc giữa đêm và không thể ngủ lại.
- Ngáy, thở hổn hển, nghẹt thở trong lúc ngủ.
- Có cảm giác mệt mỏi, mất sức ngay khi thức dậy vào buổi sáng.
- Ngủ nhiều vào ban ngày, có giấc ngủ trưa kéo dài vài giờ hoặc ngủ quên trong lúc học, làm việc.
- Đột ngột thay đổi cảm xúc, dễ bị xúc động, nóng giận, khó tập trung, giảm khả năng ghi nhận và xử lý thông tin. Từ đó làm giảm hiệu suất làm việc, học tập, khiến công việc bị trì trệ.
- Dễ té ngã, gặp tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày.
Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ có nguy hiểm không?
Rối loạn giấc ngủ nếu được quan tâm, điều trị đúng cách và kịp thời sẽ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu để bệnh tình kéo dài, chứng rối loạn giấc ngủ ở người trẻ có thể làm tăng nguy cơ dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng như:
- Tăng huyết áp: Chất lượng giấc ngủ thấp ảnh hưởng tới nhịp tim, làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, gây tử vong.
- Mệt mỏi, kém tập trung, ảnh hưởng tới ngoại hình: Thiếu ngủ làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng làm việc, học tập của người bệnh. Mặt khác, người bị mất ngủ cũng dễ cảm thấy căng thẳng, thiếu tỉnh táo, phản ứng chậm, dễ gặp tai nạn nguy hiểm. Khi cơ thể mệt mỏi lâu ngày, sức đề kháng cũng dần yếu đi. Làn da của người bị mất ngủ cũng trở nên thiếu sức sống, dễ bị sạm, nhanh lão hóa, thậm chí còn gây rụng tóc.
- Béo phì, bệnh tiểu đường: Quá trình trao đổi chất vẫn diễn ra trong quá trình ngủ để cung cấp năng lượng. Vậy nên việc thiếu ngủ có thể làm ảnh hưởng tới quá trình này. Theo nghiên cứu, những đối tượng chỉ ngủ 4 giờ/ngày sẽ làm giảm 2.6% hoạt động trao đổi chất so với người ngủ 10 giờ/ngày. Từ đó làm tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, thức khuya cũng khiến bạn dễ đói bụng, tăng nguy cơ tích tụ mỡ thừa do cơ thể không chuyển hóa được chất dinh dưỡng.
- Trầm cảm: Mệt mỏi kéo dài do mất ngủ, ngủ không ngon giấc sẽ dễ dẫn tới bệnh trầm cảm. Bởi giấc ngủ thiếu chất lượng có thể làm thay đổi chất dẫn truyền thần kinh serotonin, làm phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể. Vậy nên những người bị mất ngủ thường có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 10 lần so với những đối tượng có chất lượng ngủ tốt.
- Ung thư: Trong lúc ngủ, cơ thể sẽ sản xuất hormone Melatonin có khả năng chống lại sự phát triển của các tế bào khối u. Tuy nhiên, việc bị rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ làm giảm số lượng hormone này. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhất là ở những đối tượng có thời gian ngủ ít hơn 6 giờ/ngày.
Biện pháp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ ở người trẻ
Khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ bước đầu chẩn đoán được bệnh, thu nhập thông tin về tiền sử bệnh lý, thói quen, triệu chứng và tình hình sức khỏe hiện tại của bệnh nhân. Nếu quá trình thăm khám lâm sàng chưa đủ cơ sở để chẩn đoán bệnh lý một cách chính xác, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như sau:
- Đo điện não đồ để theo dõi, ghi nhận các mẫu sóng não của người bệnh. Từ đó phát hiện các vấn đề liên quan tới hoạt động của điện não đồ khiến người trẻ bị rối loạn giấc ngủ.
- Đo đa ký giấc ngủ nhằm giúp bác sĩ đánh giá toàn bộ những thay đổi trong lúc ngủ như điện não, nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy, chỉ số ngưng thở,...
- Đo độ trễ giấc ngủ để xác định người bệnh ngủ đủ giấc hay không.
- Các chỉ định khác như xét nghiệm máu, CT, chụp X-quang, chụp MRI để làm cơ sở đánh giá, chẩn đoán bệnh hiệu quả hơn.
Cách điều trị rối loạn giấc ngủ ở người trẻ
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em thường do yếu tố tác động từ bên ngoài nên chỉ cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà. Tuy nhiên, với người trẻ tuổi, các bạn cần tới bệnh viện thăm khám để xác định nguyên nhân và lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh cụ thể.
Theo đó, người trẻ bị rối loạn giấc ngủ sẽ được điều trị theo 2 cách sau đây:
Sử dụng thuốc
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc khác nhau để cải thiện bệnh lý. Chẳng hạn như:
- Thuốc trị hội chứng chân không yên gây rối loạn giấc ngủ như Pregabalin, Gabapentin và Gabapentin Enacarbil.
- Thuốc trị mất ngủ mãn tính như Zaleplon, Eszopiclone, Melatonin, Zolpidem, Ramelteon, Lemborexant, Suvorexant hoặc Doxepin.
- Thuốc điều trị chứng ngủ rũ gồm có thuốc kích thích/thuốc tăng cường sự tỉnh táo như Armodafinil, Polissant, Modafinil, muối hỗn hợp hoặc Sorriamfetol, Natri Oxybate,...
Biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà
Ngoài việc dùng thuốc, các bạn nên áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ điều trị rối loạn giấc ngủ tại nhà như sau:
- Nên uống các loại trà thảo mộc hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ như trà hoa cúc, trà gừng, trà tim sen,...
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, ưu tiên những thực phẩm giàu kali, magie, vitamin B,... Tránh ăn quá no, không dùng các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Tắm hoặc ngâm mình, ngâm chân với nước ấm để thư giãn cơ thể, giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
- Dành thời gian massage cổ, vai, gáy hoặc toàn bộ cơ thể mỗi ngày để giảm stress, căng thẳng.
- Tránh sử dụng các thiết bị điện tử, hạn chế ánh sáng mạnh - tiếng ồn trong phòng ngủ.
- Dùng các loại tinh dầu thiên nhiên có mùi hương nhẹ nhàng dễ ngủ để xông phòng, tạo cảm giác thoải mái.
Chứng rối loạn giấc ngủ ở các bạn trẻ cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, kể cả dùng thuốc và không dùng thuốc. Để sớm cải thiện bệnh hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng phác đồ chữa trị của bác sĩ cùng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học hơn.
Phòng tránh rối loạn giấc ngủ cho người trẻ
Bệnh rối loạn giấc ngủ không chỉ tác động tiêu cực đến người trẻ mà hiện nay không ít trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Vậy để phòng ngừa chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em nói riêng và người trẻ nói chung, các bạn cần thực hiện những điều sau:
- Hạn chế sử dụng các loại thức uống như trà sữa, rượu, bia, cà phê, nước ngọt có ga vào buổi chiều hoặc tối.
- Xây dựng và duy trì lịch trình đi ngủ - thức dậy vào một giờ cụ thể. Tốt nhất hãy duy trì việc đi ngủ vào lúc 11 giờ đêm và thức dậy vào 6 giờ sáng ngày hôm sau. Việc này sẽ hạn chế tình trạng bị rối loạn nhịp sinh học, tránh nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ rất hiệu quả.
- Việc ngủ trưa hoặc các giấc ngủ ngắn có thể giúp bạn nhanh chóng lấy lại năng lượng nhưng không nên quá lạm dụng. Đặc biệt là việc ngủ ngắn sau 2 giờ chiều sẽ khiến bạn dễ bị mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm.
- Cố gắng giảm mức độ căng thẳng trước khi đi ngủ bằng cách đọc sách, thiền, nghe nhạc,...
- Tạo môi trường ngủ thoải mái, đảm bảo phòng ngủ sạch sẽ, yên tĩnh, không quá ồn. Lựa chọn gối nệm, drap giường phù hợp, gối không quá cứng hay quá mềm vì chúng có thể khiến bạn trằn trọc khi ngủ.
- Các bạn có thể dùng nến thơm, tinh dầu có mùi nhẹ nhàng, phù hợp theo sở thích để cải thiện tâm trạng, giúp giấc ngủ tới tự nhiên hơn.
- Không xem điện thoại, laptop, máy tính, tivi, trong khoảng 2 giờ trước khi ngủ.
- Tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày với tần suất 3 lần/tuần vừa giúp nâng cao sức đề kháng, vừa giúp cải thiện tuần hoàn máu và ngăn ngừa chứng rối loạn giấc ngủ ở người trẻ.
- Ưu tiên dung nạp các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau củ quả, các loại cá béo. Đồng thời hạn chế ăn đồ chiên rán, ngũ tạng động vật, nước ngọt, đồ ăn quá cay nóng,...
Rối loạn giấc ngủ ở người trẻ sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị cải thiện. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần, các bạn cần chủ động duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh và lối sống khoa học, ngủ - nghỉ đúng giờ. Đồng thời thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa nếu có những dấu hiệu mất ngủ, khó ngủ trong nhiều ngày.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!