Chóng Mặt Khi Ngủ Dậy
Có rất nhiều người gặp phải tình trạng choáng váng ngay sau khi ngủ dậy nhưng lại xem nhẹ và không tìm cách khắc phục triệt để. Tuy nhiên thực tế đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nào đó trong cơ thể. Vậy chóng mặt khi ngủ dậy có nguyên nhân do đâu, làm thế nào để phòng tránh, câu trả lời sẽ có chi tiết trong bài viết dưới đây.
Chóng mặt khi ngủ dậy là như thế nào?
Chóng mặt là hiện tượng cơ thể cảm thấy lâng lâng, bị mất thăng bằng hoặc đầu có cảm giác quay cuồng. Chóng mặt có thể đi kèm triệu chứng hoa mắt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, ù tai, co giật hoặc thậm chí là ngất xỉu.
Những cơn hoa mắt chóng mặt khi đứng dậy hoặc sau khi ngủ dậy xuất hiện đột ngột khiến bạn bị mất thăng bằng, mắt tối sầm, không nhìn thấy đường đi. Điều này cảnh bảo sức khỏe của bạn đang có vấn đề. Nếu triệu chứng của bệnh chỉ thoáng qua và nhanh hết, sau một thời gian dài mới xuất hiện thì lành tính, bạn chỉ cần nghỉ ngơi.
Tuy nhiên nếu hoa mắt chóng mặt khi ngủ dậy kéo dài, xuất hiện thường xuyên và gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống thì bạn không nên xem thường vì có thể đây là biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm như: Rối loạn tiền đình, thiếu máu não, xuất huyết tiêu hóa, huyết áp thấp, suy nhược thần kinh hay các bệnh lý về tim mạch.
Đối tượng thường gặp vấn đề này không riêng gì người cao tuổi mà ngay cả phụ nữ có thai, người trung niên hoặc trẻ tuổi đều có thể mắc nếu đang gặp một trong số các vấn đề kể trên.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng chóng mặt khi ngủ dậy
Hiện tượng chóng mặt khi ngủ dậy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
Môi trường sống
Khi môi trường sống quá ồn ào, không khí không thoáng sạch, ô nhiễm là một trong những lý do khiến bạn bị chóng mặt khi ngủ dậy. Bên cạnh đó, ánh sáng ảnh hưởng đến việc sản sinh melatonin - loại hormone điều tiết giấc ngủ có tỉ lệ nghịch với ánh sáng trong phòng. Nếu hàm lượng melatonin sản sinh ra nhiều sẽ giúp bạn ngủ ngon giấc hơn. Ngược lại, bạn sẽ có cảm giác choáng váng, mệt mỏi ngay sau khi thức giấc.
Gối và tư thế ngủ
Gối và tư thế nằm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Nếu gối nằm quá cao khiến cơ cổ bị cứng, gập, gây khó thở và đau đầu. Ngoài ra đệm quá cứng cũng làm bạn khó có được giấc ngủ ngon, gây ra tình trạng chóng mặt sau khi ngủ dậy.
Cần chú ý không nên nằm sấp vì ngực bị đè ép khiến hoạt động của tim và phổi không được thuận lợi, từ đó không cung cấp đủ oxy khi ngủ và dẫn đến hiện tượng choáng váng.
Căng thẳng
Thường xuyên rơi vào trạng thái stress, lo âu, căng thẳng cũng chính là nguyên nhân khiến bạn không thể ngủ ngon giấc kể cả ban đêm hoặc buổi trưa. Điều này gây ảnh hưởng đến thần kinh, não bộ và làm xuất hiện tình trạng bị chóng mặt sau mỗi giấc ngủ.
Thời gian ngủ chưa phù hợp
Nếu bạn ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi đêm có thể gây mệt mỏi, làm việc thiếu tập trung vào ngày hôm sau, đặc biệt tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bên cạnh đó thời gian ngủ không đủ cũng khiến một số người gặp phải hiện tượng chóng mặt sau khi ngủ trưa. Giấc ngủ buổi trưa thường chỉ nên từ 20 - 30 phút. Nếu kéo dài quá 80 - 100 phút, cơ thể sẽ chuyển sang trạng thái ngủ sâu, lượng máu lên não giảm đi và quá trình trao đổi chất chậm lại. Đây chính là lý do khiến bạn cảm thấy chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi khi thức dậy vào lúc này.
Dùng chất kích thích trước khi đi ngủ
Những chất kích thích như trà, cà phê, socola, nước ngọt có gas là yếu tố cản trở giấc ngủ của bạn, khiến bạn khó khăn để có thể đi vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, caffeine chứa trong chất kích thích có tính tiểu làm bạn thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm và khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng. Ngoài ra nếu uống rượu có thể giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ nhưng lại khiến giấc ngủ chập chờn, gây ra cảm giác choáng váng sau khi thức dậy. Đây cùng được xem là nguyên nhân gây ra chứng chóng mặt khi ngồi.
Sử dụng thiết bị điện tử nhiều
Nếu bạn làm việc trên máy tính, laptop, chơi game trên ipad hoặc sử dụng điện thoại quá lâu trước khi đi ngủ có thể khiến khó đi vào giấc ngủ. Trong khi đó, thức khuya, ngủ trễ và thiếu ngủ chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra những cơn đau đầu và cảm giác chóng mặt, mệt mỏi sau khi thức giấc.
Mang thai
Trong quá trình mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, gây ra cảm giác mệt mỏi, muốn ngủ nhiều hơn và thường xuyên đau đầu, chóng mặt sau khi thức dậy, Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng này, bao gồm: Mất nước, xung huyết, thay đổi nội tiết tố, lượng đường huyết trong máu thấp,....
Mất nước
Mất nước là hiện tượng cơ thể không đủ nước, thể tích máu giảm, đồng thời huyết áp cũng giảm theo. Hệ quả là không đủ máu lưu thông đến não, gây chóng mặt. Tình trạng mất nước rất dễ xuất hiện sau một đêm bạn sử dụng nhiều rượu bia. Tuy nhiên cần chú ý bạn không nên uống nước trong khi ngủ, hãy uống 1 cốc nước vài giờ trước khi ngủ để tránh bị mất nước và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cách khắc phục hiện tượng chóng mặt khi ngủ dậy
Khi bị chóng mặt, đau đầu, khó chịu sau khi ngủ dậy, bạn không nên chủ quan, hãy chủ động thăm khám sớm để tìm ra chính xác nguyên nhân và có được hướng điều trị phù hợp nhất, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Để có thể phòng tránh và làm giảm triệu chứng của bệnh, bạn có thể tham khảo một số biện pháp được gợi ý dưới đây:
Sử dụng thuốc
Khi bị chóng mặt về chiều, sau khi ăn hoặc khi ngủ dậy, rất nhiều người tìm đến thuốc để làm giảm cảm giác khó chịu và tránh để xảy ra những hệ quả không mong muốn. Thông thường, đối với tình trạng chóng mặt khi ngủ dậy, bạn sẽ được chỉ định các loại thuốc như: Thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng histamin,....
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng thuốc chống buồn nôn, chống lo âu như diazepam, alprazolam, thuốc đau nửa đầu nếu xuất hiện tình trạng đau đầu kèm theo.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo bác sĩ để dùng một số bài thuốc Đông y, thực phẩm chức năng hỗ trợ đẩy lùi các triệu chứng và phòng tránh bệnh đau đầu, chóng mặt.
Thay đổi thực đơn dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là bệnh đau đầu, chóng mặt. Nếu như có dấu hiệu của bệnh chóng mặt sau khi ngủ dậy, bạn nên chú ý hơn đến các món ăn dinh dưỡng hàng ngày, nên bổ sung một số thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu vitamin C: Các thực phẩm giàu vitamin C có khả năng khắc phục tình trạng chóng mặt hiệu quả. Bạn nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày những món ăn như: Trái cây họ cam, quýt, dâu tây, cà chua, khoai lang, bông cải xanh, bắp cải,...
- Thực phẩm giàu vitamin B6: Đây là dưỡng chất cần thiết để cơ thể tổng hợp protein, kích thích hệ thần kinh và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả. Một số thực phẩm giàu vitamin B6 như: Cá ngừ, các loại đậu, chuối, cải bó xôi, bơ, thịt heo, thịt gà, quả óc chó.
- Gừng: Đây là nguyên liệu có khả năng khắc phục tình trạng chóng mặt, say tàu xe, giúp bạn tránh tình trạng đau đầu, choáng váng.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa có chứa protein, canxi, axit amino cần cho não bộ để giảm thiểu cơn đau đầu, chóng mặt.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Chóng mặt, đau đầu có thể xảy ra do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, không điều độ. Lúc này bạn nên thay đổi các thói quen của mình để có được giấc ngủ ngon và tránh tính trạng chóng mặt sau khi thức dậy.
- Ngủ đủ giấc từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, ngủ trưa chỉ khoảng 15 - 30 phút.
- Thiết lập giờ đồng hồ sinh học cố định bằng việc cố gắng đi ngủ và thức dậy đúng giờ hàng ngày.
- Loại bỏ các chất kích thích rượu, bia, cà phê, thuốc lá để có giấc ngủ chất lượng.
- Tránh tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
- Sau khi ngủ dậy, bạn không nên bắt đầu công việc luôn, hãy thư giãn vài phút trước khi bắt đầu làm việc.
Chóng mặt khi ngủ dậy không nguy hiểm như một số căn bệnh mãn tính khác, tuy nhiên nếu xuất hiện với tần suất thường xuyên và mức độ nặng, có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bất thường trong cơ thể. Vậy nên bạn cần chú ý lắng nghe những cảnh bảo của cơ thể, đi thăm khám để sớm tìm ra nguyên nhân cũng như tìm được cho mình cách cải thiện phù hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!