Giấc Ngủ Chập Chờn
Giấc ngủ chập chờn khiến người bệnh mệt mỏi, không tỉnh táo, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng này, làm sao khắc phục để có một giấc ngủ ngon? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây của DrVitamin.
Giấc ngủ chập chờn là gì?
Giấc ngủ chập chờn là tình trạng ngủ không sâu giấc, thường xuyên thức dậy vào nửa đêm, thường gặp ở những người mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này còn có một số biểu hiện khác như khó đi vào giấc ngủ, giật mình tỉnh giấc, mơ ngủ liên miên...
Các chuyên gia cho biết, giấc ngủ của con người có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu và giai đoạn thứ 2 chúng ta ở trạng thái đi vào giấc ngủ, còn giai đoạn 3 là ngủ say. Nếu như có vấn đề về tâm lý, tinh thần thì ngay ở giai đoạn 1 và 2 bạn sẽ thấy tình trạng mơ hồ và ngủ chập chờn. Điều này có thể do những tác động từ bên ngoài như nhiệt độ, tiếng ồn hoặc do chính tâm lý, tinh thần của bản thân.
Giấc ngủ chập chờn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kéo dài từ vài tuần thậm chí vài tháng, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của người bệnh. Chính vì vậy bạn cần có biện pháp để cải thiện giấc ngủ cũng như phòng ngừa tình trạng này.
Nguyên nhân giấc ngủ chập chờn
Tình trạng ngủ chập chờn không sâu giấc ro rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, cụ thể:
- Căng thẳng kéo dài
Melatonin là một hormone giúp bạn ngủ ngon hơn, dễ đi vào giấc ngủ hơn. Nhưng nếu bạn thường xuyên gặp căng thẳng, áp lực trong cuộc sống thì lượng hormone này có thể sẽ giảm xuống và gây ra tình trạng khó ngủ, thao thức.
Nếu bệnh nhân bị tự kỷ, trầm cảm thì cũng có khả năng cao bị mất ngủ do căng thẳng thần kinh khiến lượng melatonin sụt giảm. Chính vì vậy, việc kiểm soát căng thẳng, áp lực là cần thiết để có một giấc ngủ ngon.
- Thay đổi nội tiết tố
Với chị em phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mang thai, nội tiết tố trong cơ thể sẽ có sự thay đổi lớn. Đây chính là nguyên nhân gây ra những vấn đề như bệnh xương khớp, cơ thể căng thẳng, mệt mỏi và cả tình trạng giấc ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc.
Chị em thường bị căng thẳng, áp lực và mất cân bằng nội tiết khi chăm con lúc nửa đêm, con quấy khóc... khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng. Vậy nên các bác bà mẹ bỉm sửa thường sẽ gặp tình trạng giấc ngủ bị chập chờn vào tuần thứ 7 sau khi sinh em bé.
- Do yếu tố tuổi tác
Theo nhiều nghiên cứu, những người trên 60 tuổi sẽ có nguy cơ bị mất ngủ, hay tỉnh giấc nửa đêm cao hơn những độ tuổi khác. Theo đó, người già sẽ có chu kỳ thức và ngủ khác với người trẻ. Cụ thể là nếu tuổi càng cao thì thời gian ngủ sẽ càng ít đi, thậm chí thức giấc nửa đêm và khó đi vào giấc ngủ.
Điều này khiến tình trạng giấc ngủ chập chờn xuất hiện, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là tinh thần của người bệnh vào buổi sáng hôm sau.
- Sinh hoạt không khoa học
Hiện tượng ngủ không sâu giấc còn xuất hiện ở nhiều người trẻ tuổi. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sống không lành mạnh, thiếu khoa học của nhóm đối tượng này.
Các thói quen như ăn đêm nhiều, ăn đồ dầu mỡ, thường xuyên thức khuya, dùng điện thoại, máy tính bảng nhiều... có thể khiến bạn thao thức, khó ngủ, phá vỡ thói quen giấc ngủ, gây ra hiện tượng giấc ngủ chập chờn.
- Do các bệnh lý
Người bị chứng tiểu đêm, viêm xoang, bệnh tim mạch, đau dạ dày, các bệnh xương khớp.... có thể ngủ không ngon và thường xuyên bị thiếu ngủ. Nguyên nhân là do những cơn đau hoặc cơn khó chịu của các bệnh lý này gây ra. Để xử lý, chúng ta cần điều trị dứt điểm các triệu chứng và tạo thói quen ngủ từ sớm, ngủ đúng giờ.
Giấc ngủ chập chờn nguy hiểm như thế nào?
Tình trạng giấc ngủ chập chờn nếu kéo dài vài ngày rồi hết thì không quá nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu nó kéo dài vài tuần, vài tháng thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh:
- Có thể mệt mỏi, uể oải: Giấc ngủ ngắn, ngủ không sâu sẽ khiến cơ thể mệt mỏi vì không được nghỉ ngơi. Vào ban ngày bạn sẽ thấy rất buồn ngủ, uể oải, không thể làm được bất kỳ việc gì.
- Giảm khả năng tập trung: Có một giấc ngủ ngon sẽ giúp cơ thể nạp lại năng lượng, củng cố trí nhớ, sự tập trung. Vậy nên nếu bạn bị giấc ngủ chập chờn thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc, học tập hàng ngày.
- Tăng nguy cơ bị bệnh: Có rất nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến giấc ngủ. Theo đó, nếu như giấc ngủ không chất lượng có thể làm tăng nguy cơ bị béo phì, trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim mạch, đột quỵ....
Cách cải thiện giấc ngủ giúp bạn ngủ ngon hơn
Để khắc phục tình trạng giấc ngủ chập chờn, có một giấc ngủ ngon và một sức khỏe tốt, bạn hãy chú ý áp dụng theo một số cách sau đây:
Hình thành thói quen ngủ
Trước tiên, bạn hãy duy trì thói quen ngủ khoa học, đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ nhất định. Đặc biệt, bạn nên tránh thức khuya và dậy muộn vào những ngày cuối tuần, ngày được nghỉ. Việc này để giúp bạn hình thành chu kỳ sinh học cho cơ thể, hạn chế tình trạng khó ngủ hay ngủ chập chờn.
Thời gian tốt nhất để bạn đi ngủ là từ 21 - 22 giờ và thức dậy vào lúc 5 - 6 giờ sáng. Nếu bạn ngủ muộn hơn thì sẽ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, còn ngủ nướng sẽ khiến cơ thể khá mệt mỏi và uể oải.
Bên cạnh đó, bạn không nên ngủ trưa quá nhiều, chỉ nên chợp mắt từ 15 - 30 phút để cơ thể nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng. Nếu bạn ngủ quá nhiều thì buổi tối cũng rất khó ngủ khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
Chế độ ăn uống khoa học
Những loại đồ uống chứa cafe, chất kích thích, đồ có cồn sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn. Thực tế khi mới dùng, bạn sẽ thấy cảm giác buồn ngủ xuất hiện, tuy nhiên đó chỉ là cảm giác nhất thời. Bạn sẽ nhanh chóng tỉnh táo và giấc ngủ bị gián đoạn. Do vậy trước 4 giờ khi đi ngủ bạn hãy hạn chế dùng cafe, bánh ngọt, bia rượu, hút thuốc lá....
Ngoài ra, bữa tối bạn cũng tránh ăn quá nhiều, tránh nạp đường và protein vào cơ thể để tránh bị đầy bụng, khó tiêu. Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn quá no sẽ gây mất ngủ, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu.
Tập luyện mỗi ngày
Tập thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là với giấc ngủ. Theo nghiên cứu, việc vận động vào buổi tối hoặc buổi chiều sẽ giúp cơ thể tăng tiết hormone Endorphin - một hoạt chất giúp chuyển đổi thành Melatonin để cơ thể ngủ ngon hơn.
Do vậy hàng ngày bạn hãy tập thể dục bằng cách đi bộ, đá cầu, đá bóng, chạy bộ, nhảy dây... hoặc tập luyện các động tác đơn giản ngay tại nhà.
Loại bỏ căng thẳng, stress
Sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng bạn có thể bị stress, mệt mỏi. Đây là những yếu tố gây giấc ngủ chập chờn và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn. Vậy nên trước khi đi ngủ bạn hãy thư giãn, loại bỏ lo âu, phiền muộn bằng cách: Nghe nhạc, đọc sách, xem phim nhẹ nhàng,... để có một giấc ngủ ngon.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trang trí phòng ấm cúng, thêm tinh dầu xông phòng ngủ để dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Có thể nói, giấc ngủ chập chờn gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống hàng ngày. Vậy nên bạn hãy chú ý có lối sống lành mạnh, khoa học để luôn ngủ ngon, tránh tình trạng mất ngủ, khó ngủ kéo dài. Trong trường hợp bạn ngủ chập chờn trong vài tháng thì cần đi khám với chuyên gia để được hướng dẫn cách xử lý đúng nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!