Huyết Áp Cao Khi Mang Thai
Có đến 10% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng tăng huyết áp thai kỳ. Nếu căn bệnh này không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi như tiền sản giật, sinh non, chết lưu thai,... Vậy nguyên nhân và dấu hiệu của huyết áp cao khi mang thai là gì? Điều trị và phòng ngừa bệnh tăng huyết áp như thế nào? Cùng tìm hiểu những thắc mắc này qua bài viết của DrVitamin.
Huyết áp cao khi mang thai là hiện tượng gì?
Huyết áp cao khi mang thai là hiện tượng tăng huyết áp khi mẹ bầu mang thai ở tuần thứ 20 trở đi. Khi đó, mức độ huyết áp sẽ rơi vào khoảng từ 140-159/90-109 mmHg, nặng hơn có thể là ≥160/100 mmHg.
Tình trạng tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai bao gồm các thể như:
- Tăng huyết áp mãn tính: Tình trạng tăng huyết áp mãn tính có thể có liên quan đến protein niệu. Các triệu chứng xuất hiện từ trước khi mang thai và tiếp tục tăng ngay sau khi đã sinh con.
- Tăng huyết áp thai kỳ: Thai phụ bị tăng huyết áp từ tuần thứ 20 trở đi và có thể kéo dài cho đến khi sinh con được 42 ngày.
- Tiền sản giật: Tiền sản giật thường xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ, được chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm protein niệu, huyết áp tâm thu > 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương < 90mmHg. Tình trạng này thường xảy ra ở tuần thứ 20 trở đi. Nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra tình trạng suy nhau thai, sinh non,...
- Tiền sản giật kết hợp với tăng huyết áp mãn tính: Thai phụ bị cao huyết áp và có thêm protein niệu lần đầu sẽ dễ gặp phải tình trạng này.
Nguyên nhân bị huyết áp cao khi mang thai
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp, bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng không phù hợp, ăn các loại đồ ăn mặn, nhiều muối.
- Thai phụ bị bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn tính, tim mạch, lupus ban đỏ hệ thống hoặc hội chứng kháng phospholipid.
- Phụ nữ mang thai khi bước vào độ tuổi ngoài 35.
- Thời tiết thay đổi thất thường, có thể quá nóng hoặc quá lạnh.
- Thai phụ ít vận động thể chất.
- Thai phụ bị stress, căng thẳng, áp lực, mệt mỏi kéo dài.
- Mẹ bầu mang song thai hoặc đa thai.
- Khoảng cách mang thai giữa hai lần là hơn 10 năm.
- Thai phụ bị thiếu máu.
- Cơ thể sản sinh ra quá nhiều nước ối.
Dấu hiệu người bệnh bị cao huyết áp khi mang thai
Để xác định bản thân có bị huyết áp cao khi mang thai hay không, mẹ bầu cần chú ý quan sát những dấu hiệu bất thường của sức khỏe như sau:
- Chân tay bị phù.
- Cân nặng tăng đột ngột.
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, cơ thể mệt mỏi.
- Đau bụng bên phải.
- Đau vùng ngực sau xương ức và cảm thấy khó thở.
- Mắt nhìn mờ, nhìn đôi hoặc suy giảm thị lực.
- Đi tiểu ít.
- Chỉ số huyết áp cao.
- Thay đổi xét nghiệm chức năng gan thận.
Khi phát hiện ra các dấu hiệu này, thai phụ nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra sức khỏe. Từ đó có thể đưa ra được phương án điều trị hiệu quả, phù hợp, kịp thời.
Bài đọc thêm: [Giải Đáp] Người Bị Cao Huyết Áp Uống Nước Dừa Được Không?
Huyết áp cao khi mang thai có nguy hiểm gì không?
Phụ nữ mang thai bị cao huyết áp có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh về thận, tim mạch, đột quỵ.
Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm mẹ bầu có thể gặp phải nếu bị huyết áp cao khi mang thai:
- Tiền sản giật: Phụ nữ bị huyết áp cao mãn tính có thể bị biến chứng tiền sản giật. Đây là một biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể phụ nữ.
- Khiến thai nhi khó phát triển: Phụ nữ mang thai bị huyết áp cao có thể làm giảm nguồn dinh dưỡng qua nhau thai. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của thai nhi. Nguy hiểm hơn còn có thể khiến thai bị chết lưu.
- Sinh non: Tình trạng này xảy ra khi thai nhi không nhận được đủ chất dinh dưỡng và oxy từ nhau thai của mẹ.
- Nhau bong non: Nhau thai có thể bị tách sớm khỏi tử cung ở những trường hợp thai phụ bị cao huyết áp nghiêm trọng. Khi đó mẹ bầu cần được cấp cứu ngay lập tức nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
- Mổ để lấy thai: Phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp có khả năng mổ đẻ cao hơn so với người bình thường. Việc sinh mổ có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, tổn thương nội tạng, xuất huyết…
Cách làm giảm huyết áp cao khi mang thai
Việc điều trị huyết áp cao khi mang thai tương đối phức tạp. Lựa chọn phương pháp nào còn phụ thuộc nhiều vào tuổi thai, sức khỏe tổng thể, mức độ bị bệnh và khả năng đáp ứng với thuốc của thai phụ. Sau khi đã xác định được những vấn đề này, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng theo những phương pháp như sau:
Điều trị không dùng thuốc
Việc điều trị không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai sẽ giúp làm giảm những tác động tiêu cực tới quá trình phát triển của thai nhi. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng cho những thai phụ bị huyết áp cao ở mức độ nhẹ, các triệu chứng chưa thực sự nghiêm trọng. Khi đó bạn cần thực hiện theo đúng chế độ ăn uống, sinh hoạt do bác sĩ yêu cầu, bao gồm:
- Ăn uống đủ bữa, bổ sung nhiều đạm, chất xơ, protein để giúp cơ thể khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm mẹ bầu nên sử dụng đó là: Táo, rau xanh, dầu oliu, rau cần tây, tỏi, dưa hấu, chuối, sữa chua, ổi, đu đủ, cam, chanh, bưởi,...
- Hạn chế sử dụng mỡ động vật, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Không dùng bia, rượu, cà phê, thuốc lá khi đang mang thai.
- Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo không bị mệt mỏi, thiếu hụt dinh dưỡng.
- Tập luyện thể dục thể thao với những bộ môn vừa sức như đi bộ, yoga,...
Sử dụng thuốc để điều trị
Trong trường hợp bệnh diễn biến nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho mẹ bầu sử dụng một số loại thuốc hạ huyết áp. Những loại thuốc này phải đảm bảo an toàn hiệu quả cho thai nhi.
Một số loại thuốc hạ huyết áp được sử dụng bao gồm:
- Thuốc đường uống: Methyldopa, Furosemide, Nifedipin, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế canxi.
- Thuốc đường tiêm tĩnh mạch: Labetalol, Nitroglycerin, Magnesium sulfate,...
Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin, thuốc đối kháng aldosterone, thuốc ức chế trực tiếp renin.
Trong suốt quá trình điều trị, cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của thai phụ. Nếu bệnh tình xấu đi có thể chấm dứt thai kỳ hoặc sinh mổ (điều này phụ thuộc vào tuổi thai).
Phòng ngừa huyết áp cao ở bà bầu
Tăng huyết áp khi đang mang thai nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Để phòng ngừa tình trạng huyết áp cao ở phụ nữ mang thai, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Phụ nữ không nên mang thai và sinh con khi tuổi đã cao (> 35 tuổi).
- Phụ nữ bị thừa cân, béo phì nên có kế hoạch giảm cân phù hợp trước khi mang thai.
- Tập thể dục thể thao mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhất là đối với những phụ nữ được chẩn đoán bị tiền sản giật cần phải vận động nhẹ nhàng.
- Nên ăn uống khoa học, lành mạnh, sử dụng nhiều loại rau củ quả tốt cho sức khỏe của thai phụ.
- Uống nhiều nước để thanh nhiệt, giải độc, điều hòa huyết áp. Mỗi ngày bạn nên duy trì uống từ 2-2,5 lít nước. Bạn có thể kết hợp sử dụng thêm các loại nước trái cây hoặc sinh tố hoa quả.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có nhiều muối, đường, mỡ và nội tạng động vật.
- Ăn uống đủ bữa, đúng bữa. Nếu bạn không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Trong quá trình mang thai mẹ bầu không nên sử dụng chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá.
- Nếu thai phụ trước đó bị mắc bệnh tiểu đường nên kiểm soát lượng đường huyết trong quá trình mang thai.
- Giữ cho tâm trạng thoải mái, vui vẻ bằng cách nghe nhạc, đọc sách, ngồi thiền,... Việc hạn chế căng thẳng stress cũng là cách giúp giảm nguy cơ bị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai.
Huyết áp cao khi mang thai là một bệnh lý nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy thai phụ cần thường xuyên đến bệnh viện để theo dõi sức khỏe thai kỳ. Đồng thời xây dựng cho mình một chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, lành mạnh để kiểm soát tốt huyết áp của mình.
Xem thêm: Huyết Áp Cao Có Uống Được Hoạt Huyết Dưỡng Não Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!